TIN THỦY SẢN

Thuỷ sản với “liều thuốc thử” TPP

Nguồn nguyên liệu là bài toán khó giải đối với DN thuỷ sản Nghi Lộc

Ngành thuỷ sản còn nhiều việc phải làm mới có thể tận dụng những cơ hội do TPP mang lại.

Lo nhiều hơn mừng

Thuỷ sản là một trong những ngành được cho là sẽ hưởng lợi khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới. Thế nhưng, tại nhiều DN chế biến thuỷ sản ở miền Trung, nỗi lo đang nhiều hơn mừng trước “liều thuốc thử” TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).

Theo đại diện một số DN, khi TPP có hiệu lực, bên cạnh những kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản… DN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Với các thị trường truyền thống là Mỹ, Nhật Bản, khi TPP có hiệu lực, mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Tuy nhiên khác với nhiều ngành nghề, đối với thuỷ sản thì ưu đãi về thuế quan mới chỉ là một “điểm cộng”. Trong khi đó, vấn đề nan giải hơn nằm ở các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh thực phẩm, xuất xứ nguyên liệu, hàng rào kỹ thuật, chính sách chống phá giá... của các đối tác nhập khẩu.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP. Đà Nẵng) chứng minh rằng, thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, thuế suất đối với thủy sản xuất khẩu vào Mỹ giảm xuống mức rất thấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, Mỹ liên tục áp thuế chống phá giá đối với thuỷ sản Việt Nam, đặc biệt mặt hàng tôm và cá tra. Do vậy, đến thời điểm TPP có hiệu lực, nếu thị trường này vẫn tiếp tục áp thuế chống phá giá, khó khăn cũng sẽ không thay đổi được nhiều.

Trường hợp thông thoáng hơn, không áp thuế chống phá giá thì Mỹ lại đòi hỏi chặt chẽ về xuất xứ của sản phẩm. Đây càng là điểm yếu của các DN chế biến thuỷ sản trong nước. Bởi, đa phần nguyên liệu cho ngành thuỷ sản Việt Nam được nhập từ nước ngoài.

Ngoài ra, tại các quốc gia còn lại trong TPP như, Malaysia, Singapore, Australia... hàng rào thuế quan đã loại bỏ từ lâu khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong khuôn khổ ASEAN hoặc ASEAN với đối tác.

Do vậy, có thể khẳng định xuất khẩu thuỷ sản trong nước sẽ ít hưởng lợi từ thuế suất thấp khi gia nhập TPP. Hay nói cách khác, thuế quan ưu đãi khi gia nhập TPP sẽ không tác động nhiều đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Cạnh tranh không cân sức

Ít hưởng lợi ở “sân khách” khi TPP có hiệu lực, nhưng ngành thủy sản lại phải đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt ngay trên “sân nhà”. Bởi, các thị trường trong TPP mở cửa với thuỷ sản Việt Nam, ngược lại chúng ta cũng phải mở cửa đối với họ. Điều này tạo cơ hội cho DN thủy sản nước ngoài tràn vào thị trường trong nước.

Ngay tại thời điểm hiện nay, việc đánh thuế nhập khẩu thủy sản của Việt Nam áp dụng ở mức khá cao. Đơn cử nhập khẩu tôm các loại vẫn đang chịu thuế từ 10 - 15%, cá ngừ từ 12 - 24%, mực bạch tuộc từ 10 đến 30%... Tuy thuế cao nhưng trên thị trường có sản phẩm ngoại nhập lại rẻ hơn cả sản phẩm trong nước.

Ông Trần Văn Lĩnh đưa ví dụ, cá cu là loại cá ngon ở TP. Đà Nẵng, giá bán sỉ khoảng 100 nghìn đồng/kg. Nhưng, sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Nhật chỉ bán khoảng 50 nghìn đồng/kg, đã bao gồm thuế nhập khẩu.

Tương tự, giá cá cam thô chưa qua chế biến tại thị trường trong nước lên tới 120 nghìn đồng/kg, thì cũng loại cá này (đã qua chế biến) nhập từ Nhật Bản về TP. Đà Nẵng cũng chỉ có giá khoảng 50 nghìn đồng/kg. Như vậy, đến khi TPP có hiệu lực, các sản phẩm trên được giảm thuế thì giá sẽ còn thấp hơn nữa.

Vấn đề nguồn nguyên liệu cũng là một thách thức nữa khi các cam kết TPP được thực thi. Lâu nay, việc chủ động nguồn nguyên liệu từ trong nước đang gặp không ít khó khăn, do khả năng đầu tư và quy mô hạn chế, công nghệ nuôi trồng tương đối lạc hậu…

Đơn cử, tỷ lệ nuôi tôm thành công trên thế giới trung bình khoảng 70%, trong khi ở trong nước chỉ khoảng 30%. Trong bối cảnh thức ăn, điện, lao động... đang ngày một tăng khiến các DN thuỷ sản càng gặp khó.

Để bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt, trong nhiều năm qua, các DN thuỷ sản ở miền Trung luôn nhập khẩu một lượng lớn tôm, cá nguyên liệu từ các nước Ấn Độ, Thái Lan… để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Hiện nay, những nước này chưa phải là thành viên TPP. Do vậy, DN trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các yêu cầu về xuất xứ nguồn gốc của nguyên liệu.

Nhưng không chỉ các DN gặp khó, ngư dân cũng sẽ ảnh hưởng. Do trình độ đánh bắt, bảo quản hiện nay của các thuyền còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, công nghệ đánh bắt, chế biến, bảo quản của các nước trong TPP đều vượt trội. Cái khó cạnh tranh về chất lượng sản phẩm sẽ còn làm trầm trọng hơn cuộc cạnh tranh về giá hiện nay. Bởi thực tế, giá thành đầu vào của chế biến, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đang cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới…

Với nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan, lo nhiều hơn mừng… để vượt qua “liều thuốc thử” TPP, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho rằng, trước mắt các DN cần phải nâng cao chất lượng khai thác, đánh bắt, đặc biệt là khâu bảo quản nguyên liệu.

Về lâu dài, để tồn tại trên “sân nhà”, phát triển trên “sân khách”, ngoài việc chủ động, đảm bảo được nguồn nguyên liệu, DN thuỷ sản cần chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hóa mặt hàng, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường...

Nghi Lộc Thời báo Ngân Hàng, 04/12/2015