Tiết lộ mẹo phân biệt cá sông nuôi, cá sông xịn
Vì hám lợi, người bán sẵn sàng gắn mác “cá sông nuôi” thành “cá sông tự nhiên” xịn để lừa khách hàng kiếm lợi cao gấp cả chục lần. Vậy, làm sao để phân biệt, tránh mua nhầm phải các loại cá sông nuôi với giá đắt đỏ?
Thời gian gần đây, chuyện nuôi trồng thủy sản lạm dụng chất kháng sinh không phải là hiếm, hay như chuyện cá biển được bảo quản bằng cách tẩm ướp phân urê cũng diễn ra thường xuyên. Thế nên, để yên tâm ăn món cá mà không lo sợ cá còn tồn dư những chất độc hại, người dân chuyển sang săn lùng các loại cá sông tự nhiên vì nghĩ sẽ an toàn hơn so với các loại cá nuôi.
Thế nhưng, vì hám lợi, người bán sẵn sàng gắn mác “cá sông nuôi” thành “cá sông tự nhiên” xịn để lừa khách hàng.
Thực tế, trên mạng xã hội, các loại cá sông được rao bán khá nhiều. Tuy nhiên, tất cả các chủ hàng đều khẳng định rằng cá mình bán là cá sông tự nhiên, cá được dân dùng lưới đánh bắt từ sông Đà,... chứ nhất quyết không nhận mình bán cá sông nuôi.
Lý giải về vấn đề này, anh Nguyễn Minh Tuệ, một đầu mối chuyên buôn cá sông Đà ở Quốc Tử Giám (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cá sông tự nhiên thường có giá cao hơn gấp 6-10 lần so với giá cá sông nuôi. Đơn cử như cá lăng, nếu thu mua từ đầu mối giá chỉ 100.000-150.000 đồng/kg với cá nuôi. Còn với cá đánh bắt tự nhiên thì giá mỗi kg lên đến 850.000-900.000 đồng/kg. Tương tự, nếu là cá trắm sông nuôi thì chỉ có giá 60.000-70.000 đồng/kg, nhưng nếu là trắm đánh bắt từ sông giá có thể lên đến 350.000-400.000 đồng/kg,...
Đặc biệt, cá sông đánh bắt tự nhiên giờ khá hiếm, không phải lúc nào cũng có hàng cung cấp đủ cho khách.
“Đó là những nguyên nhân dẫn đến cá sông nuôi thường được gắn cho cái mác cá sông tự nhiên”, anh Tuệ chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Tuệ tiết lộ, dựa vào đặc điểm bên ngoài của chúng, bằng mắt thường người mua nếu tinh ý có thể nhìn ra ngay được đâu là cá sông nuôi và đâu là cá sông tự nhiên. Ví như: cá sông tự nhiên nhìn lúc nào đầu cũng bé, mình dài, bụng thon, ít mỡ. Ngoài ra, vây, đuôi, râu của chúng thường dài hơn cá nuôi. Khi mổ ra thấy ruột, dạ dày cá nhỏ, đưa dao vào tách cá có cảm giác thịt cá giòn,...
Sở dĩ chúng có đặc điểm như vậy bởi cá sông tự nhiên vận động rất nhiều, chúng đi kiếm ăn cả ngày nên thân hình gọn nhẹ hơn để thích hợp với điều kiện khắc nhiệt từ tự nhiên, anh Tuệ cho hay.
Trong khi đó, với cá sông nuôi, đặc điểm dễ nhận ra nhất chính là bụng cá to, thân hình ngắn bởi chúng ít vận động do được nuôi nhốt trong lồng chật hẹp. Đặc biệt, một ngày cá nuôi được cho ăn rất nhiều bữa nên mỗi lần cá thường ăn no, tích đầy thức ăn trong dạ dày nên nhìn cá nuôi bụng luôn to hơn rất nhiều.
Còn khi nấu chín, cá sông tự nhiên bao giờ cũng có mùi thơm, cá ăn chắc, ngọt thịt, khác hoàn toàn với cá sông nuôi bằng cám ăn có mùi rất tanh, thịt cá bở.
Anh Tuệ cũng cho biết, giờ chỉ trừ các loại cá nhỏ dân buôn ngoài chợ bán theo mớ con to con nhỏ lẫn lộn thì vẫn là cá tự nhiên được khai thác hoàn toàn ở sông, còn lại đa phần các loại cá sông đều có thể nuôi được.