TIN THỦY SẢN

Tín chỉ carbon và thị trường carbon

Khí CO2 có mức độ nguy hại là 1 Sáu Nghệ

Sau khi Tép Bạc đăng bài “Chuyển dịch xanh: Yêu cầu và cơ hội tăng cao với thủy sản”, nhiều bạn đọc muốn tìm hiểu thêm những nội dung cụ thể về tín chỉ, chứng chỉ, hạn ngạch, thị trường carbon liên quan vấn đề kiêm kê phát thải ở doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi xanh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để tận dụng cơ hội. Đáp ứng yêu cầu đó, xin giới thiệu bài nghiên cứu về tín chỉ và thị trường carbon của TS. Hoàng Thị Minh Hiền ở Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại Intraco.

Có 6 loại khí nhà kính được kiểm soát 

Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất đã tăng khoảng 0,5oC. Nếu không có các hành động khắc phục thì đến cuối thế kỷ 21 có thể nhiệt độ sẽ tăng 4oC. Từ đó, ra đời Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) là một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển có 191 nước ký kết, hiệu lực từ ngày 16/2/2005. Cam kết tạo cơ sở cho các hoạt động kiểm soát và giảm phát thải để ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển. 

Có 6 loại khí nhà kính làm nóng trái đất với các mức độ nguy hại khác nhau. Mức độ nguy hại (Global Warming Potential GWP) là đơn vị đo chỉ số làm nóng lên toàn cầu của khí nhà kính. 

Khí CO2 có mức độ nguy hại là 1. Tiếp theo, khí CH4 có mức độ nguy hại là 25, khí N2O có mức độ nguy hại là 298, khí PFC có mức độ nguy hại là 9.200, khí HFC có mức độ nguy hại là 14.800 và cao nhất, khí SF6 có mức độ nguy hại là 23.900. 

Những loại khi này được sinh ra trong nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Đây cũng là 6 loại khí nhà kính được kiểm soát theo mục tiêu giảm phát thải (NDC). Khí CO2 được sử dụng làm đơn vị tiêu chuẩn để tính toán, nên nếu giảm được chẳng hạn 1 tấn CH4 (sinh ra nhiều trong làm lúa nước) được tính là 25 tấn CO2.  

Năm 2015, Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu được thông qua, với 194 quốc gia và Liên minh Châu Âu đã ký. Thỏa thuận đề ra những chỉ tiêu về giảm thiểu, thích nghi biến đổi khí hậu, và cơ chế tài chính. Mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2oC và giới hạn mức tăng 1,5oC so với thời tiền công nghiêp. Tài trợ ít nhất 100 tỷ đô la/năm từ các nước phát triển. 

Thỏa thuận Paris gồm 16 đoạn giới thiệu và 29 Điều. Trong đó, Điều 6 thể hiện cơ chế hợp tác trên cơ sở tự nguyện, cho phép các nước tự nguyện tham gia về mục tiêu giảm phát thải (NDC). Việt Nam ký Thoả thuận Paris ngày 31/10/2016, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải không điều kiện là 15,8%, tỷ lệ giảm phát thải có điều kiện là 43,5% so với năm cơ sở 2014. 

Tín chỉ carbon và chứng chỉ carbon 

Tín chỉ carbon: Thể hiện mức giảm hoặc loại bỏ lượng phát thải khí nhà kính có thể định lượng được và được mua hoặc bán dưới dạng đơn vị; Chúng được tạo ra bởi các dự án hoặc hoạt động nhằm giảm lượng khí thải hoặc tăng cường loại bỏ carbon. Mục đích, để bù đắp lượng khí thải của chính họ; chúng có thể được mua để bù đắp lượng khí thải vượt quá mục tiêu hoặc giới hạn tuân thủ của doanh nghiệp. Phạm vi áp dụng: Các tiêu chuẩn độc lập và quốc tế tự nguyện được sử dụng để đo lường, giám sát và cấp tín chỉ carbon. 

Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu 

Tín chỉ carbon có 4 tiêu chí quan trọng sau đây:  

Một là, thực tế và đo lường được: Lượng giảm phát thải được tính toán thông qua một phương pháp luận được phê duyệt và được ban hành bởi một tiêu chuẩn carbon (UNFCCC, Gold Standard, VERRA, hay Plan Vivo…). 

Hai là, lâu dài và không bị đảo ngược: Liên quan đến các loại hình dự án tiềm ẩn rủi ro đảo ngược. Ví dụ: Công nghệ giảm carbon từ hoạt động thu hồi CO2 sử dụng vào công nghiệp sản xuất nước uống có Gas là không bền vững và bị đảo ngược. Vì vậy, cần phải có các biện pháp giảm thiểu rủi ro một cách toàn diện nhằm tránh hiện tượng đảo ngược 

Ba là, tính bổ sung: Tín chỉ carbon là một cơ chế tài chính giúp thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải mà nếu thiếu cơ chế tín chỉ carbon, các hoạt động giảm phát thải này sẽ không thể diễn ra trong kịch bản thông thường do các rào cản về mặt tài chính. 

Bốn là, đo đếm, thẩm định, thẩm tra độc lập: Việc giảm phát thải phải được thẩm định, thẩm tra bởi một bên thứ ba độc lập và được công nhận bởi tiêu chuẩn carbon tương ứng. 

Tín chỉ carbon được ban hành bởi 1 tiêu chuẩn carbon (Carbon Registry). Dựa vào tiêu chuẩn carbon mà có các loại chứng chỉ carbon để xác định lượng khí thải phát ra ở các đơn vị cần kiểm kê. Hiện đã có 170 loại chứng chỉ carbon, có giá rất khác nhau phụ thuộc vào công nghệ và nhu cầu của thị trường. 

Hạn ngạch carbon và các loại thị trường carbon 

Hạn ngạch carbon là giấy phép/phân bổ do cơ quan quản lý cấp cho các đơn vị tuân thủ cho phép một mức phát thải nhất định; Được ban hành hoặc phân bổ bởi chính phủ hoặc các cơ quan quản lý dựa trên giới hạn phát thải được xác định trước cho một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể. 

Hạn ngạch là phải tuân thủ, để đạt được phải đầu tư công nghệ giảm phát thải và nếu chưa đạt thì phải mua của đơn vị đã thừa, chẳng hạn từ đơn vị trồng rừng hoặc đơn vị đã giảm quá mức hạn ngạch cho phép. Từ đó, các loại thị trường carbon ra đời. 

Thị trường carbon nói chung là một hệ thống thương mại hoặc một nơi để mua bán các công cụ liên quan đến phát thải khí nhà kính. Công cụ được giao dịch thường là tín chỉ carbon hoặc hạn ngạch các-bon. 

Có 2 loại thị trường carbon. Thị trường carbon bắt buộc: Hệ thống bắt buộc được quy định bởi chính phủ quốc gia, khu vực hoặc tiểu khu vực nhằm mục đích giới hạn lượng phát thải cho các ngành cụ thể. Thị trường carbon tự nguyện: Là thị trường hoạt động ngoài, cho phép các thực thể mua hoặc bán tín chỉ carbon nhằm đáp ứng mục đích riêng của họ trên cơ sở tự nguyện. 

Giá trị của thị trường carbon năm 2022 đã đạt khoảng 852 tỷ USD, gồm 850 tỷ USD ở thị trường bắt buộc và 2 USD ở thị trường tự nguyện. 

Gần nước ta, thị trường carbon quốc tế đã hoạt động nhiều năm nay với những giao dịch tín chỉ carbon. Sớm nhất, có thể kể đến sàn giao dịch tín chỉ Air Carbon Exchange (ACX) ở Singapore, bắt đầu từ tháng 10/2029, mục đích chính là sử dụng blockchain để tạo các tín chỉ carbon được chứng khoán hóa. Cũng ở Singapore, tháng 3/2022, ra đời Climate Impact X (CIX) nhằm đưa Singapore thành một trung tâm giao dịch tín chỉ carbon chất lượng cao. Ở Thailand có FTIX, hoạt động từ tháng 9/2022, vận hành bởi Hiệp hội Công nghiệp Thái và TGO, cho phép giao dịch tín chỉ tự nguyện. Ở Malaysia cũng có Bursa carbon Exchange (BCX) cho phép các công ty giao dịch tín chỉ tự nguyện, hoạt động từ tháng 12/2022. Còn ở Nhật Bản, sau thời gian thí điểm, từ năm 2023, Green Transformation (GX) VCN đi vào vận hành thị trường tín chỉ carbon toàn quốc. 

Thị trường carbon quốc tế đã hoạt động nhiều năm nay với những giao dịch tín chỉ carbon

Thị trường carbon Việt Nam dự kiến vận hành thử nghiệm năm 2025 

Tương tác giữa ba nhóm đối tượng chính tham gia thị trường carbon, theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP. 

Một là, tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tin chi carbon trong nước (tự nguyện). 

Hai là, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính (Quyết định 01/2022/GĐ-TTg và được ban hành định kỳ hai năm/lần): Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên. Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 2000 TOE trở lên. Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 TOE trở lên. Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hàng năm từ 65.000 tấn trở lên. 

Ba là, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tin chỉ carbon trên thị trường carbon (tự nguyên) 

Với nhóm thứ nhất, căn cứ tín chỉ được ban hành. Nhóm thứ hai căn cứ hạn ngach được phân bố. Nhóm thứ ba, qua môi giới, đầu tư tài chính. 

Cơ chế trao đổi tín chỉ là giao dịch các tín chí được ban hành. Còn ETS là giao dịch hạn ngạch và tín chỉ để bù trù với hạn mức phát thải được phân bổ (lượng tín chỉ được bù trừ không quá 10% hạn mức phân bổ). 

Sáu Nghệ