TIN THỦY SẢN

Tín dụng đóng tàu vẫn tắc

BIDV ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn đóng tàu vỏ sắt đầu tiên cho ngư dân Phan Thu (Bình Minh, Thăng Bình). Ảnh: TRỊNH DŨNG Trịnh Dũng

Sau hơn 7 tháng có hiệu lực, mới chỉ có 1/92 dự án vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 được ký kết giải ngân. Sự ách tắc này vì nhiều nguyên nhân khiến chính sách tín dụng được xem là ban hành nhanh nhất chưa thể đến với ngư dân kịp thời.

Ngân hàng tiên phong

Ngày 12.3.2015, hợp đồng tín dụng cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 đầu tiên tại Quảng Nam đã được Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) ký kết với ngư dân Phan Thu (xã Bình Minh, Thăng Bình) để đóng tàu vỏ thép khai thác nghề lưới rê, công suất 822CV. Con tàu này đã được ký kết đóng với Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Đà Nẵng). Chỉ sau 4 tháng nữa tàu sẽ được hạ thủy, đưa vào khai thác, sử dụng. Với hỗ trợ cho vay lên đến 93% giá trị đầu tư con tàu (tương đương 11,7 tỷ đồng), lãi suất ưu đãi theo đúng hướng dẫn tại nghị định này trong vòng 11 năm, BIDV đã tiên phong tại Quảng Nam thực hiện theo Nghị định 67. Ông Lê Trung Thành -z Phó Tổng Giám đốc BIDV khẳng định, với mục tiêu nhanh chóng đưa đồng vốn hỗ trợ theo Nghị định 67 đến với ngư dân tại các địa phương vùng biển, BIDV đã phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương, trao đổi thông tin để có thể nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc và hỗ trợ tốt nhất cho ngư dân. Các chi nhánh BIDV đã đến từng chủ tàu, ngư dân có nhu cầu để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn, bảo đảm đơn giản, công khai và minh bạch.

Hiện Quảng Nam đã có 65 trường hợp được UBND tỉnh cấp quyết định phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn, chiếm tỷ lệ 70% tổng số tàu được phân bổ (92 tàu). BIDV Quảng Nam đã tiếp cận, giới thiệu chương trình và hồ sơ, thủ tục vay vốn cho hơn 20 hộ ngư dân. Số còn lại đang trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn mẫu tàu và cơ sở đóng tàu phù hợp. Theo ông Thành, trong quá trình tiếp cận và hướng dẫn hoàn thiện thủ tục vay vốn, BIDV cũng đã giới thiệu tới chủ tàu/ngư dân các cơ sở đóng tàu uy tín, giá cả phù hợp và bảo đảm chất lượng. Song song với việc ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ vay vốn đóng tàu, BIDV cũng xem xét cho khách hàng vay vốn lưu động, bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng hướng dẫn của Nghị định 67 về các chính sách phát triển thủy sản. “BIDV cam kết quy trình, thủ tục vay vốn sẽ được tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm đơn giản, công khai, minh bạch. Không để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu hay “cò tín dụng” và hỗ trợ tối đa các nhu cầu vốn của ngư dân” - ông Thành nói.

Tín dụng vẫn chưa thông

BIDV chỉ  là 1/5 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietinbank, MHB, BIDV và VCB) tham dự chương trình cho vay đóng tàu xa bờ. Chưa một gói tín dụng nào lại dễ dàng được ngân hàng chờ đợi giải ngân như gói tín dụng này khi 5 ngân hàng công bố dành đến 14.000 tỷ đồng cho ngư dân vay, nhưng sự tắc nghẽn đường đi của nó trong vòng 7 tháng qua là câu chuyện đáng lưu tâm. Hiện chỉ có 1 dự án được ký kết và sẽ có thêm hai dự án khác (1 của Agribank và 1 của BIDV) sẽ được ký kết trong nay mai. Còn các ngân hàng khác đang “án binh bất động”.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam cho hay ngành nào cũng sẵn sàng hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi. Cơ chế tín dụng theo Nghị định 67 nêu rõ rằng Nhà nước thực hiện chính sách cấp tín dụng ưu đãi theo nguyên tắc vay vốn thương mại có hoàn trả. Ngân hàng thương mại chủ động lựa chọn người vay để xem xét, quyết định theo điều kiện của Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở xác nhận, phê duyệt danh sách vay vốn của chính quyền địa phương. Nói ngắn gọn là tiền đã sẵn, lãi suất ưu đãi Chính phủ đã quyết, ngân hàng giải ngân, nhưng tăng trưởng tín dụng chậm chạp lỗi không từ phía ngân hàng. Giới ngân hàng thương mại cho rằng những tháng đầu tiên triển khai Nghị định 67, việc ngư dân hay chủ tàu chưa hoặc chậm tiếp cận được vốn là do các địa phương chậm phê duyệt danh sách đối tượng ngư dân/chủ tàu để có thể vay vốn, còn ách tắc giờ đây chính là ở người đi vay. Khó khăn hiện nay là từ phía ngư dân vì họ còn phân vân chọn loại tàu, mẫu tàu phù hợp cũng như cơ sở đóng tàu. Đó là chưa kể đến hầu như toàn bộ phương án của danh sách được duyệt đợt 1 đều phải cần lập lại. Ông Nguyễn Quang Việt – Giám đốc Chi nhánh VCB Quảng Nam cho hay ngân hàng này đang xúc tiến, thẩm định vài hồ sơ vay đóng tàu, nhưng gặp rắc rối về thiết kế, dự toán lẫn trang thiết bị và cơ sở đóng tàu nên chương trình này hiện vẫn chưa thể khai thông dòng vốn được.

Có thể, sự thất bại của chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997 mang nặng tính hành chính bao cấp, cho vay theo kế hoạch nhà nước, theo chính quyền địa phương chỉ định, ngân hàng buộc phải giải ngân, không có quyền gì nên đã để lại hệ quả nặng nề (đến 60% nợ xấu, nợ đọng, nợ tổn thất không thể thu hồi được)… đã khiến các ngân hàng dù đăng ký vẫn cứ phân vân thẩm định phương án sản xuất kỹ trước khi quyết định ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân. Nhưng điều ấy cũng làm dư luận đặt câu hỏi: tại sao một nghị định mang tính “lịch sử” vì Chính phủ ban hành nhanh nhất, nhưng vốn lại không đến được với ngư dân một cách sớm nhất. Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 25.8.2014 mà đến giờ vẫn chỉ có 1 dự án được vay thì có lẽ chưa biết bao giờ ngư dân mới có tàu to, lưới lớn để vươn khơi. Mục tiêu chính sách vì dân khó có thể đạt được khi dòng tín dụng cho chương trình này vẫn chậm chạp tăng trưởng!

Trịnh Dũng Báo Quảng Nam, 10/12/2015