TIN THỦY SẢN

Tin thủy sản:Hơn 2.000ha chuyển đổi nuôi tôm càng xanh

Tin thủy sản:Hơn 2.000ha chuyển đổi nuôi tôm càng xanh. Hình minh họa TH

Từ đầu năm 2017 đến nay, độ mặn tại các vùng chuyên tôm và lúa - tôm của Hồng Dân xuống thấp, chỉ 2 - 4phần ngàn, thuận lợi cho việc nuôi tôm càng xanh. Do đó, huyện khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất, từ nuôi tôm sú chuyển sang nuôi tôm càng xanh.

1. Hơn 2.000ha chuyển đổi nuôi tôm càng xanh

Bên cạnh đó, nông dân trong huyện cũng thả nuôi tôm càng xanh xen với tôm sú. Sau 2 tháng thả nuôi, tôm càng xanh phát triển rất tốt.

Như vậy, diện tích thả tôm càng xanh của huyện hiện hơn 6.000ha, tăng hơn 150% so với kế hoạch. Dự kiến đến khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, bà con có thể thu hoạch tôm và xuống giống vụ lúa trên đất tôm; đồng thời có thể tiếp tục thực hiện vụ tôm càng xanh thứ hai trong năm. 

2. Trà Vinh: Xây dựng mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm

Ngày 21/7, tại thị xã Duyên Hải, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm” nhằm phát triển phong trào nuôi lươn đồng tại địa phương.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Viện nuôi trồng Thủy sản III tại vùng nước ngọt tỉnh Trà Vinh, lươn đồng là loài cá dữ, ăn thịt, hoạt động về đêm; có phổ thức ăn rộng như: giun, ốc, tôm, tép, cá, nòng nọc…

Người nuôi có thể sử dụng thức ăn tươi sống, chế biến hoặc công nghiệp. Lươn đồng sống trong môi trường có pH trung tính, nhiệt độ thích hợp 22-28 độ C, cũng có thể sống trong môi trường có hàm lượng oxy hòa tan thấp.

Môi trường sống khá đa dạng như đầm lầy, nước tù đọng, ruộng lúa, sông suối, kênh, ao, mương, hồ tự nhiên hoặc nhận tạo… với độ sâu thấp hơn 3m. Lươn có khả năng chịu được lạnh và sống được trong môi trường nước lợ. Sau thời gian nuôi từ 8-10 tháng, lươn đạt kích cỡ trung bình trên 200gram/con, người nuôi có thể thu hoạch.

3. Cá nuôi trong lồng bè ở Phú Yên chết hàng loạt

 

Trong những ngày gần dây, nhiều loại cá nuôi trong lồng bè có giá trị kinh tế cao như cá mú, điêu hồng... ở vùng hạ lưu đầm Ô Loan, thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên) chết hàng loạt.

Tính đến thời điểm này đã có khoảng 400 lồng bè của gần 100 hộ dân ở xã An Ninh Đông có cá nuôi bị chết với tỷ lệ thiệt hại từ 40 - 80%.

Các cơ quan chức năng của H.Tuy An đã lấy mẫu nước ở các vùng nuôi và mẫu cá chết gửi đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân.

4. Hàng chục tấn cá nuôi chết trắng ở Bình Phước

Cá nuôi lồng trên hồ Suối Giai (huyện Đồng Phú) của nhiều hộ dân bất ngờ chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Ông Nhu, ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, một trong những hộ thiệt hại nặng nhất cho biết, chỉ trong vòng 3 ngày qua, gần 5 tấn cá, chủ yếu là cá lăng chuẩn bị thu hoạch của gia đình ông bất ngờ chết trắng. Trong đó, loại nhỏ nhất khoảng 700-800gr, loại lớn gần 3 kg. Gia đình ông thiệt hại hơn 400 triệu đồng.

Do từ khi phát hiện đến lúc cá chết quá nhanh nên tất cả người nuôi đều không kịp trở tay. Số ít được bán tháo với giá 20.000-30.000 đồng một ký, còn phần lớn là đem cho các hộ gần đó ủ làm phân bón cho cây trồng, hoặc phơi khô.
Theo thống kê sơ bộ, có hàng chục tấn cá của gần 40 hộ bị chết, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Bước đầu, nguyên nhân cá chết do mưa liên tục kéo dài trong nhiều ngày, làm tình trạng nước nhiễm phèn ở mức độ cao và thiếu ôxy.

TH