Tin văn thủy sản địa phương tuần 33 năm 2018
Tin văn thủy sản địa phương tuần 33 gồm: Vĩnh Lộc phát triển 638 ha nuôi trồng thủy sản, Nông Cống: Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 1744 tấn, Mỹ Chánh -Bình Định: Nuôi cua kết hợp cá dìa cho thu nhập cao
1. Vĩnh Lộc phát triển 638 ha nuôi trồng thủy sản
Huyện Vĩnh Lộc hiện có hơn 400 ha đất trồng lúa nằm trong khu vực trũng thấp nên thường xuyên bị ngập úng, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp.
Nhiều diện tích nuôi thủy sản tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đạt hiệu quả kinh tế.
Các địa phương đã vận động, khuyến khích các hộ dân chuyển sang nuôi thủy sản nước ngọt. Theo đó, những con nuôi được lựa chọn đưa vào nuôi thả, gồm: Cá chép, cá trắm ốc, cá leo, cá rô phi, cá rô đầu vuông. Tính từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 216 ha đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang nuôi thủy sản nước ngọt, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện lên 638 ha. Hiện 1 ha nuôi thủy sản năng suất trung bình đạt từ 3,5 đến 4 tấn/vụ, trừ chi phí thu lãi khoảng 70 đến 80 triệu đồng/ha/vụ.
2. Nông Cống: Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 1744 tấn
Huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 918 ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng nước lợ là 230 ha, nước ngọt 688 ha.
Mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Trường Giang (Nông Cống).
7 tháng đầu năm 2018, sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện Nông Cống đạt 1.744 tấn, năng suất bình quân khoảng 1,9 tấn/ha.
Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, huyện Nông Cống đang tập trung thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, như: Cơ sở sản xuất giống thủy sản; xây dựng hệ thống thủy lợi tại các vùng nuôi nhuyễn thể, vùng nuôi tôm sú, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, vùng nuôi cá bống bớp, cá rô phi xuất khẩu... Đồng thời, rà soát, đánh giá về điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tại các vùng tập trung, đề xuất các dự án cải tạo, nâng cấp nhằm phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Mỹ Chánh -Bình Định: Nuôi cua kết hợp cá dìa cho thu nhập cao
Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Phù Mỹ tổ chức hội thảo tổng kết mô hình nuôi ghép cua với cá dìa trên diện tích 5.000 m2 ao nuôi của hộ ông Trương Văn Công, ở thôn Công Trung, xã Mỹ Chánh. Kết quả, sau 5 tháng nuôi (số lượng thả nuôi 10.000 con cua xanh giống sinh sản nhân tạo và 1.000 con cá dìa giống), tỉ lệ sống của cua xanh 45%, cá dìa 70%, trọng lượng trung bình của cua 0,3 kg/con, cá dìa 0,2 kg/con. Doanh thu của mô hình ước trên 218 triệu đồng; trừ chi phí còn lãi trên 95 triệu đồng.
Mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, và cho thấy có thể kết hợp nuôi cua với các loại cá khác để tận dụng thức ăn thừa của cua, góp phần cải tạo môi trường, tạo thu nhập ổn định.
4. Phát huy tiềm năng nuôi thủy sản lồng bè trên sông Tiền
Tiền Giang hiện đang phát huy tiềm năng nuôi thủy sản lồng bè trên sông Tiền, giúp nông dân tăng thu nhập, tạo thêm nguồn nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Địa phương hiện có gần 1.200 lồng bè nuôi thủy sản nước ngọt trên sông Tiền, tập trung ở thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy. Tổng dung tích gần 135.000 m3, chủ yếu nuôi các loại cá nước ngọt có giá trị, được thị trường ưa chuộng, như: Cá điêu hồng, cá rô phi dòng gifl,...
Ông Huỳnh Văn Nhàn, ngụ xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho có 11 lồng bè nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền cho biết, mỗi năm ông nuôi hai vụ, với 11 lồng bè, sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lãi khoảng 330 triệu đồng. Nhờ nghề nuôi cá lồng bè, ông Nhàn đã có thu nhập ổn định, trở thành triệu phú nông thôn vùng ven thành phố Mỹ Tho.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thời gian gần đây, giá cá bè thương phẩm đạt 34.000 - 36.000 đồng/kg, người nuôi có lãi nên đã tích cực tu sửa bè, đầu tư thả cá giống và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nuôi cá đạt kết quả tốt.
Đáng chú ý, tại địa phương đã có 01 cơ sở đầu tư nuôi cá lồng bè theo quy trình VietGAP với quy mô 20 bè cho sản lượng mỗi năm khoảng 200 tấn cá thương phẩm. Đây là hướng đi đang được tỉnh khuyến khích nhằm nâng cao chất lượng cá bè thương phẩm tham gia thị trường.
5. Khánh Hòa: 26 tàu cá bị xử lý vi phạm hành chính
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với lực lượng biên phòng, các địa phương ven biển tổ chức 261 đợt tuần tra, kiểm tra các phương tiện khai thác thủy sản khi hoạt động trên biển, kết hợp tuần tra xử lý các phương tiện vi phạm về việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác.
Cụ thể, trong số gần 1.000 phương tiện tàu cá được kiểm tra thì có 26 phương tiện vi phạm hành chính. Các cơ quan chức năng đã xử phạt các phương tiện nói trên hơn 45 triệu đồng; tịch thu 23 giã cào, 3 súng bắn điện và 1 bộ kích điện.