Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi
Để nâng cao chất lượng và giá cả sản phẩm thủy sản Cần Thơ cần thực hiện sản xuất theo hướng liên kết chuỗi.
Khó ở "đầu ra"
Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh của TP Cần Thơ. Tuy nhiên, do khâu tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém; đặc biệt là thị trường xuất khẩu ngày càng có nhiều quy định khắt khe, ngành thủy sản thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục tồn tại trên, thành phố cần một chiến lược tổng thể, hướng đến mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Theo Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, đa số các hộ nuôi cá tra trên địa bàn quận chỉ ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp chế biến (Nha Trang, Nam Việt, Bình An, Hùng Vương, Vĩnh Hoàng, Ngọc Xuân…) khi cá đạt kích cỡ thương phẩm.
Do đó, giá cả thường không ổn định, lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ từng thời điểm nên đôi khi hộ nuôi không thu được lợi nhuận. "Giá thành sản xuất cá tra hiện nay vào khoảng 20.500 - 21.000 đồng/kg. Như vậy, từ đầu năm đến nay, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4-2017, giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức 24.000 – 27.000 đồng/kg, người nuôi lời 4.000 - 6.000 đồng/kg. Còn những tháng còn lại giá cá tra dao động từ 21.500 – 22.000 đồng/kg và hiện nay đang ở mức từ 22.000 – 22.500 đồng/kg, người nuôi chỉ hòa vốn"- bà Nguyễn Thị Mãi nói.
Phát triển bền vững
Trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn như hiện nay, các quận, huyện trên địa bàn thành phố tìm hướng "mở đường" cho ngành thủy sản.
Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, nói: "Hướng đến sự bền vững trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, Vĩnh Thạnh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm, cá trên ruộng, ao, vùng nước ngập. Đồng thời, xây dựng mô hình và đánh giá hiệu quả nuôi thủy sản trong mùa lũ để có kế hoạch nhân rộng. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích phát triển các mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tăng giá trị và chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường".
Đối với đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các tổ chức liên kết, chuỗi sản xuất liên kết theo hình thức khép kín. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai xây dựng mô hình trình diễn một số đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế như tôm càng xanh toàn đực, cá chạch lấu, lươn đồng nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, một trong những vấn đề thị trường và người tiêu dùng hết sức quan tâm hiện nay là thực phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn. Vì vậy, Chi cục Thủy sản tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền thông qua các lớp tập tuấn an toàn thực phẩm và phổ biến kiến thức pháp luật trong nuôi trồng thủy sản đến các hộ nuôi và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản. Riêng đối với con cá tra, thành phố hỗ trợ chứng nhận VietGAP theo kế hoạch "Hỗ trợ cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn TP Cần Thơ áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP)" ở 20 cơ sở nuôi cá tra tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh. Đây là hướng đi nhằm phát triển ngành nuôi cá tra theo hướng bền vững, gia tăng giá trị và tính cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu