TIN THỦY SẢN

Tôm chết - do chưa tuân thủ quy trình nuôi

Trước tình hình tôm chết hàng loạt và xuất hiện ở nhiều tỉnh thành ĐBSCL và miền Trung, đe dọa đến sự trắng tay của người nuôi và ảnh hưởng đến nguyên liệu ngành chế biến tôm xuất khẩu, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ thuộc Bộ NN-PTNT đã được thành lập cuối tháng 5-2012.

Mô hình nuôi tôm cách ly của công ty CP

Ngay buổi họp đầu tiên tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng BCĐ Vũ Văn Tám cho rằng, tình hình hiện nay rất cấp bách, 3 nhiệm vụ chính mà BCĐ cần làm là nhanh chóng xác định nguyên nhân gây ra tôm chết hàng loạt; xây dựng và hướng dẫn địa phương biện pháp khắc phục; đề xuất giải pháp và cơ chế cho giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Sóc Trăng là địa phương trọng điểm nuôi tôm công nghiệp bị thiệt hại nặng trong năm 2011, trên 20% diện tích nuôi tôm bị thiệt hại với khoảng 4.000ha. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, trên diện tích nuôi bị thiệt hại trong năm 2011 lại tiếp tục có hiện tượng tôm chết hàng loạt. Ngược lại, diện tích nào năm rồi không bị năm nay cũng không có.

Hiện tượng tôm chết xảy ra ở những ao nuôi có thời gian thả con giống trên 2 tháng và mật độ càng cao thì tôm chết càng nhanh. Điều chú ý, ngay cả việc sử dụng ao lắng cũng chết. Trà Vinh cũng là địa phương bị thiệt hại nặng khi có gần 9.000ha mặt nước tôm chết, chiếm khoảng 38% diện tích nuôi trong tỉnh. Diện tích tôm bị chết tập trung ở những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh lên đến 80%-90% và ở nơi có độ mặn hơn 10 phần ngàn.

Theo TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy 2, thành viên BCĐ, khi khảo sát thực địa tại các ao nuôi tôm nhiều tỉnh cho thấy, những năm qua, do giá tôm thế giới và trong nước tăng cao, lợi nhuận lớn nên hầu hết các hộ sử dụng cả ao lắng để nuôi tôm, trái với quy trình nuôi an toàn sinh học (vụ này bà con mới sử dụng trở lại ao lắng). Việc làm trên dù thời gian đầu mang lại lợi nhuận cao nhờ giảm chi phí và tăng thu nhập, nhưng với thời gian, kết quả phấn khởi ban đầu đã dẫn đến những hậu quả khôn lường sau đó. Việc lạm dụng hóa chất trong xử lý ao nuôi như cypermethrin để diệt giáp xác lâu ngày dẫn đến hiện tượng tồn đọng hóa chất ở đáy ao gây ra tình trạng hoại tử gan, tụy của tôm. Do tiết kiệm đầu tư, không sử dụng ao lắng, xử lý hóa chất trực tiếp ngay trên ao nuôi dẫn đến nhiều nguy cơ cho con tôm như hiện nay.

TS Nguyễn Văn Hảo cho rằng, hội chứng hoại tử gan, tụy trên tôm nước lợ xuất hiện khoảng năm 2009, nhưng chưa được người nuôi quan tâm đúng mức, qua từng năm thì mức độ ảnh hưởng tăng dần. Năm 2011 đã gây chết hàng loạt một số tỉnh trọng điểm như Sóc Trăng, Bạc Liêu… Năm nay còn xuất hiện thêm các tỉnh như Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, kể cả một số tỉnh miền Trung như Phú Yên, Nghệ An… gây thiệt hại đáng kể đối với người nuôi.

Ông Nguyễn Văn Khởi cho rằng, cypermethrin là tác nhân gây hội chứng hoại tử gan, tụy làm tôm chết hàng loạt là điều đã được xác định qua những kết quả xét nghiệm của nhà khoa học, nhưng không loại trừ còn có nguyên nhân khác, bởi hiện tượng tôm chết hàng loạt và lan rộng như hiện nay giống với bệnh do virus gây ra. Hạn chế của việc nuôi tôm ở nước ta là nhà nước chỉ dừng lại ở khuyến cáo, còn việc việc xử lý ao nuôi bằng hóa chất gì, có tuân thủ đúng quy trình nuôi hay không, thời điểm thả và mật độ con giống lúc nào và bao nhiêu là do người nuôi quyết định. Trong khi đó, người nuôi là thường nghĩ đến hiệu quả trước mắt, làm mọi cách để giảm chi phí đầu tư, để phần lợi nhuận cao nhất nên sẵn sàng bỏ bớt các bước trong quy trình nuôi.

Vì vậy, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phan Anh Tuấn, phải nghiên cứu toàn diện và sự trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế, nhất là những nước đã từng bị như Thái Lan… mới có thể giải quyết vấn đề cấp thiết hiện nay. Điều đầu tiên là phải thay đổi thói quen nuôi tôm, người dân cần tuân thủ nghiêm quy trình nuôi và các khuyến cáo nuôi của ngành về thời vụ, con giống, mật độ nuôi. Trong đó, con giống và môi trường là 2 vấn đề phải đặc biệt chú ý.

SGGP online