Tôm mới thả đã chết như ngả rạ
Nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết.
Chúng tôi đến vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Ninh Đức, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chứng kiến nhiều ao nuôi đất đã tháo cạn nước, chẳng còn thấy không khí nhộn nhịp như khi bước vào vụ nuôi mới.
Ông Bảy Thành, một người nuôi tôm ở khu vực này nói: “Mới thả tôm vụ đầu nhưng hầu hết người nuôi nơi đây đều thiệt hại. Tôm thả chưa gần 1 tháng đã chết như ngả rạ, người nuôi trở tay không kịp, đành xả ao sớm”. Như gia đình ông Bảy Thành có 2 ao nuôi, với diện tích 1ha. Mặc dù vụ đầu ông thả thưa, khoảng 20 vạn giống/ao (5.000m2) nhưng nuôi mới 27 ngày tôm đã bị đỏ thân, chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.
Về nguyên nhân tôm bị chết, ông Bảy Thành nhận định thời tiết trong những tháng qua biến động phức tạp. Mọi năm sau khi ăn Tết xong, gió bắt đầu êm, nhưng năm nay mưa gió liên tục bất thường khiến môi trường nước hồ nuôi tôm thay đổi nhanh chóng. Nhiệt độ ban ngày và đêm khuya rất chênh lệch. Điều này khiến tôm rất dễ suy yếu hệ miễn dịch, nhiễm bệnh rồi chết.
Tại vùng nuôi tôm trong ao đất ở thôn Tam Ích (xã Ninh Lộc), hiện một số hộ nuôi đã xuống giống đợt 2. Ông Nguyễn Chiến, một hộ nuôi ở đây cho biết, các ao đã thả vụ 2 gần 20 ngày, chứ vụ đầu bị ảnh hưởng thời tiết nên tôm chết hết sạch. Qua thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), không khí nuôi tôm thẻ chân trắng nơi đây cũng trầm lắng. Các ao nuôi nơi đây để cỏ mọc um tùm, nhiều ao đang lấy nước vào. Ông Nguyễn Văn Thoại, một người nuôi tôm nơi đây đang loay hoay vớt cá tạp trong ao đã tiêu diệt để chuẩn bị thả tôm trở lại.
Gặp chúng tôi, ông cho biết từ nhiều năm nay, do nuôi tôm không hiệu quả nên bà con không còn chú trọng đầu tư. Đa số bà con thả tôm nơi đây lấy nước trực tiếp từ kênh vào rồi xử lý diệt tạp, chứ không lắng lọc nước trước khi đưa vào ao nuôi như trước đây. Do đó, hiện bà con chủ yếu nuôi tôm quảng canh kết hợp thả cua, nhưng tôm nuôi cũng chết lên chết xuống.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, hàng chục ha nuôi tôm ở đây chẳng có người nuôi nào thu hoạch xuất bán. Hầu hết tôm bị rớt trước gần 1 tháng thả nuôi. Riêng anh em gia đình của ông Thoại có 12 ao bị thiệt hại 120 vạn con giống, mất hơn cả trăm triệu đồng. “Môi trường và thời tiết bây giờ rất khó nuôi tôm. Bà con nuôi chủ yếu giữ đất, chứ nuôi tôm kiểu quảng canh lời lắm kiếm vài chục triệu đồng/vụ chứ không có nhiều. Hiện bà con cũng không có vốn nhiều để đầu tư quy mô”, ông Thoại bày tỏ.
Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ xác nhận, đối với diện tích đã thả tôm vụ một, thời gian qua rất nhiều hộ bị thiệt hại bởi thời tiết phức tạp, xuất hiện mưa lớn, gió trái mùa và con giống thả nuôi chất lượng kém.
Chất lượng con giống cần phải được kiểm soát một cách chặt chẽ. Ảnh minh họa
Do đó để tăng cường quản lý nuôi tôm nước lợ, vừa qua Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện, hướng dẫn người nuôi cần theo dõi thường xuyên hơn tình hình thời tiết, yếu tố môi trường nước ao nuôi trong giai đoạn chuyển mùa (tháng 4 - 6/2022) như pH, độ mặn, DO, nhiệt độ, màu tảo... để có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Cùng với đó, bám sát khung thời vụ thả giống, tuân thủ các quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản của các cơ quan chức năng tại địa phương. Chuẩn bị ao thật kỹ (bờ, cống ao, bạt lót...) nhằm tránh thất thoát nước; đảm bảo vệ sinh, sát trùng ao, dụng cụ sử dụng; dùng các dụng cụ (ca, xô, chậu, vợt...) riêng cho từng ao, tránh lây nhiễm chéo trong các ao nuôi.
Lựa chọn con giống khoẻ mạnh, đảm bảo chất lượng và được kiểm dịch các bệnh nguy hiểm như EHP, WSSV, AHPND. Lưu ý, thả giống ở mật độ phù hợp với điều kiện và quy trình nuôi nhằm đảm bảo việc quản lý và chăm sóc cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho tôm phát triển. Định kỳ thu mẫu tôm và mẫu nước để kiểm tra Vibrio spp., EHP, WSSV, AHPND. Khi phát hiện tôm có biểu hiện bất thường hay nhiễm các loại bệnh trên cần báo với các cơ quan quản lý tại địa phương để được hướng dẫn xử lý theo quy định.
Trong quan trình chúng tôi tìm hiểu nuôi tôm ở xã Ninh Lộc và Ninh Ích nhận thấy, hầu hết người nuôi đều thả giống trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, chỉ 200 - 300 ngàn đồng/vạn, rất thấp so với mức giá khoảng 1 triệu đồng/vạn của các giống tôm có thương hiệu. Tuy nhiên khi hỏi người dân vì sao lại mua giống kém chất lượng, họ cho rằng, do nguồn vốn eo hẹp, chi phí đầu vào lại tăng cao nhưng giá bán sản phẩm bấp bệnh nên không mạnh dạn đầu tư. Hơn nữa, môi trường nguồn nước, cơ sở hạ tầng xuống cấp cũng không đảm bảo việc nuôi tôm kiểu bán công nghiệp, công nghiệp như trước đây.