Tôm Việt liên tục bị cảnh báo Oxytetraxycline
Từ đầu năm đến nay, tôm XK sang các thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản đã liên tục bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, gần đây một số nhà NK EU và DN hội viên VASEP đã thông tin về việc cơ quan có thẩm quyền EU phát hiện một số lô tôm NK từ Việt Nam có dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline vượt mức giới hạn cho phép (mức giới hạn cho phép đối với kháng sinh này ở EU là 0,1 ppm).
Cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo nếu tình trạng dư lượng Oxytetraxycline trong tôm Việt Nam không được cải thiện, EU sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn với tôm NK từ Việt Nam, thậm chí có thể tạm đình chỉ NK.
Như vậy, EU là thị trường thứ 2 đã lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ đối với tình trạng nhiễm dư lượng Oxytetraxycline trong tôm Việt Nam. Ngày 20/3/2014, VASEP đã có công văn gửi Tổng cục Thủy sản thông báo về việc Nhật Bản kiểm tra chỉ tiêu Oxytetraxycline đối với 100% lô tôm NK từ Việt Nam.
Theo đó, trong kế hoạch giám sát hàng năm của Nhật Bản, mặt hàng tôm NK từ Việt Nam được nhận diện và chỉ định kiểm soát trong chương trình hàng năm với 2 chất kháng sinh đã bị cấm là Chloramphenicol (từ 21/2/2014) và Oxytetracycline (từ 27/2/2014).
Trong các tháng 2 và 3 năm nay, cơ quan chức năng Nhật Bản đã phát hiện trong 2 lô tôm NK từ Việt Nam có dư lượng Oxytetraxycline (mức giới hạn cho phép ở Nhật Bản là 0,2 ppm). Do đó, từ tháng 3 vừa rồi, cơ quan chức năng Nhật Bản đã bắt đầu kiểm tra dư lượng Oxytetraxycline trên 100% lô tôm NK từ Việt Nam.
Còn theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), trong vòng 4 tháng qua, đã có tổng cộng 11 lô tôm Việt Nam bị cơ quan chức năng của EU và Nhật Bản phát hiện có dư lượng Oxytetraxycline. Trong đó, số lô tôm bị cảnh báo ở Nhật Bản là 6 và số lô bị cảnh báo ở EU là 5 (gấp 2,5 lần số lô tôm Việt Nam bị cảnh báo ở EU về Oxytetraxycline trong cả năm 2013).
Đến ngày 17/4, danh sách các cơ sở có lô hàng tôm bị cảnh báo về Oxytetraxycline ở Nhật Bản như sau: Cty CP Thủy hải sản Minh Phú (1 lô), Nhà máy HAVICO 1 - Cty CP Hải Việt (1 lô), Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Hóc Môn - Cty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (2 lô), Nhà máy 2 - Cty CP Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh (1 lô). Các lô tôm bị Nhật Bản cảnh báo có dư lượng thấp nhất là 0,3 ppm và cao nhất là 2,1 ppm.
EU và Nhật Bản đều là những thị trường lớn đối với tôm Việt Nam. Vì thế, những cảnh báo cùng những biện pháp, tăng cường kiểm soát tôm NK từ Việt Nam tại những thị trường này, đang gây ra những mối lo ngại lớn cho ngành tôm nước ta, nhất là khi tình trạng sử dụng Oxytetraxycline đang có dấu hiệu tràn lan, không theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và quy định của Bộ NN-PTNT, khiến cho tôm nuôi bị nhiễm Oxytetraxycline vượt quá giới hạn cho phép.
Vì thế, ngay từ khi biết thông tin về chương trình giám sát hàng năm của Nhật Bản, VASEP đã đề nghị các DN XK tôm tăng cường công tác tự kiểm soát các chất kháng sinh trong tôm, đặc biệt là 2 chất Chloramphenicol và Oxytetraxycline, và các DN cũng đã luôn chú trọng thực hiện nghiêm ngặt kiểm soát những chất này trong quá trình chế biến, nhưng vẫn bị lọt lưới khi mà tôm đã bị nhiễm dư lượng ngay từ khâu nuôi.
NAFIQAD cũng cho rằng, mặc dù Oxytetracycline là kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, nhưng việc tôm nuôi của Việt Nam bị cảnh báo Oxytetracycline ở cả hai thị trường XK lớn là Nhật Bản và EU, cho thấy có tình trạng lạm dụng kháng sinh này trong quá trình nuôi và không tuân thủ việc ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo quy định.
Trước tình hình đó, VASEP đã phải đề nghị Tổng cục Thủy sản có ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương tăng cường kiểm tra việc sử dụng Oxytetracycline trong nuôi tôm. Đồng thời có biện pháp đánh giá khoa học về tác dụng cũng như mức độ cần thiết sử dụng Oxytetraxycline cùng các biện pháp thay thế cho việc điều trị bệnh tôm để có quy định, hướng dẫn rộng rãi và cụ thể đến người nuôi tôm, nhằm nâng cao nhận thức người nuôi, giúp người nuôi phòng trị bệnh tốt mà không để lại dư lượng kháng sinh trong tôm.
NAFIQAD đã có văn bản gửi từng cơ sở có lô tôm bị cảnh báo về Oxytetraxycline, yêu cầu điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo, thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp; tổ chức tự thẩm tra hiệu quả của các hành động khắc phục đã thực hiện và lập báo cáo giải trình và áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường chỉ tiêu Oxytetracycline đối với từng lô hàng tôm nuôi XK của các cơ sở này.