Tổng cục Thủy sản: Vùng biển nuôi nghêu, tôm hùm đang ô nhiễm nặng
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) vừa có công văn khẩn gửi các tỉnh, thành phố ven biển cảnh báo về vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nuôi nhuyễn thể và vùng biển nuôi tôm hùm.
Theo Tổng cục Thủy sản, kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khoẻ nhuyễn thể nuôi hàng năm tại một số vùng trọng điểm cho thấy hiện tượng nhuyễn thể chết hàng loạt thường xảy ra vào thời điểm tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau do độ mặn tăng cao kết hợp với nhiễm thứ cấp các yếu tố vi sinh như Vibrio hay ký sinh trùng gây bệnh, nhiệt độ biến động giữa ngày và đêm lớn, thời gian phơi bãi kéo dài. Hiện nay đang là thời điểm nhuyễn thể chuẩn bị vào mùa sinh sản, do đó sức đề kháng kém trước những biến động bất lợi của thời tiết.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện nuôi nhuyễn thể theo đúng quy hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước làm ảnh hưởng đến vùng nuôi nhuyễn thể.
Hiện tại, các loại nhuyễn thể như nghêu (ngao), sò huyết, ốc hương, trai ngọc, điệp, bào ngư, hàu...được đánh giá là ngành hàng chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam bởi giá trị kinh tế và có thị trường tiêu thụ lớn ở trong nước và xuất khẩu. Các tỉnh, thành sản xuất giống và nuôi nhuyễn thể chủ lực là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP.HCM.
Về kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi chất lượng tôm hùm nuôi lồng tại một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa, Tổng cục Thủy sản cho biết: 3 tháng đầu năm 2022 chất lượng môi trường vùng nuôi tôm hùm tiếp tục có biểu hiện ô nhiễm, hàm lượng N-NH4+, COD, mật độ vi khuẩn Vibrio vượt giới hạn cho phép; một số loài tảo có khả năng gây hại cho tôm hùm nuôi đã được phát hiện (Peridinium sp., Noctiluca sp). Dự báo đến tháng 6, một số yếu tố môi trường biến động như: hàm lượng DO giảm cục bộ, N-NH4+ tăng mạnh, mật độ vi khuẩn vibrio và tảo độc tăng cao, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, hiện tượng nắng nóng gay gắt xảy ra sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình nuôi tôm hùm.
Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở -PTNT các tỉnh, thành phố ven biển Nam Trung Bộ hướng dẫn người nuôi thực hiện việc đăng ký nuôi lồng bè, tổ chức rà soát, bố trí vị trí nuôi lồng bè đảm bảo mật độ lồng nuôi phù hợp, đúng quy hoạch của địa phương; chuyển đổi từ mô hình nuôi lồng sắt, gỗ truyền thống sang sử dụng vật liệu HDPE có sức chống chịu tốt với biến động môi trường và an toàn với tôm hùm nuôi, qua đó có thể đưa tôm hùm ra nuôi ở vùng nước xa bờ hơn, chất lượng môi trường tốt hơn; khuyến cáo người nuôi giảm 70% lượng thức ăn cho tôm hùm trong những ngày thời tiết bất thường để hạn chế dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường...