Tổng kết vụ cá Nam năm 2016 và triển khai khai thác vụ cá Bắc năm 2016 -2017
Ngày 04/10/2016,tại thành phố Hạ Long, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Tổng kết khai thác cá vụ Nam năm 2016 và triển khai nhiệm vụ cá Bắc năm 2016-2017”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ông Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Ông Đặng Huy Hậu chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản của 28 tỉnh/thành phố ven biển, Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu hải sản, các doanh nghiệp cùng các cơ quan báo chí đến đưa tin Hội nghị.
Nhìn chung vụ cá Nam năm 2016 đã đạt được kết quả tích cực, trên các ngư trường nguồn lợi cá nổi xuất hiện nhiều tạo điều kiện cho các nghề lưới rê, lưới vây, câu khai thác hiệu quả. Sản lượng và năng suất khai thác của các tàu thuyền của một số nghề như lưới vây, rê, kéo đạt năng suất cao và ổn định, công tác chỉ đạo sản xuất ngày càng hiệu quả. Trong vụ cá Nam năm 2016, thời tiết trên các ngư trường khá thuận lợi, mặc dù đã xuất hiện 04 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên thời gian mỗi cơn bão ngắn ảnh hưởng không nhiều đến quá trình bám biển của ngư dân khai thác hải sản.
Theo báo cáo tại Hội nghị, tổng sản lượng khai thác thủy sản cá Nam năm 2016 đã đạt 1.778 nghìn tấn (tăng 2,24% so với vụ cá Nam năm 2015; tăng 12,82% so với kế hoạch năm 2016). Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 1.639 nghìn tấn (tăng 2,25% so với vụ cá Nam năm 2015); sản lượng khai thác thủy sản nội địa đạt 139 nghìn tấn (tăng 2,21% so với vụ cá Nam năm 2015). Trong đó, các tỉnh có sản lượng khai thác thủy sản tăng cao so với vụ cá Nam năm 2015 như: Ninh Thuận 149,19%; Hải Phòng 130,7%; Nam Định 112,30%, Thái Bình 109,4%, Kiên Giang 104%, Bình Định 103,1%. Tuy vậy, vẫn có một số tỉnh có sản lượng thấp như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bến Tre và Bạc Liêu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong vụ cá Nam năm 2016, vẫn tồn tại những khó khăn do diễn biến thất thường của thời tiết, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất vẫn cao gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản. Ngoài ra, việc Trung Quốc cấm biển và các nước gia tăng hoạt động tuần tra triên biển Đông cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của ngư dân sản xuất trên biển. Đặc biệt, trong tháng 4/2016, sự cố môi trường biển xảy ra tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân.
Sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Nam tuy tăng so với cùng kỳ năm 2015, nhưng do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung đã gây tâm lý lo ngại sử dụng sản phẩm trong vùng bị ảnh hưởng lan rộng trên toàn quốc, nhu cầu tiêu thụ hải sản trong cả nước giảm, dẫn đến giá bán hải sản giảm mạnh.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng chuyển pha ENSO, nên từ nay đến cuối năm 2016, thời tiết trên biển, vùng ven bờ khả năng diễn biến phức tạp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, giá vật tư đầu vào đầu vào phục vụ sản xuất vẫn ở mức cao, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ hải sản và giá bán hải sản vẫn ở mức thấp. Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra với tổng sản lượng khai thác 1.270 nghìn tấn cho vụ cá Bắc năm (2016-2017), tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung vào các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất như: Tăng cường giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp ra môi trường; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách phát triển thủy sản; nâng cao công tác dự báo ngư trường khai thác; tổ chức lại khai thác và quản lý nghề lưới kéo; vấn đề an toàn tàu cá trên biển; giảm tổn thất sau thu hoạch.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao những thành tựu đạt được trong vụ cá Nam 2015. Trong khai thác thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh Miền Trung; Giá sản phẩm thủy sản khai thác giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất; Tuy nhiên với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp các ngành và đặc biệt là bà con ngư dân, đã mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại như: việc ứng dụng KHCN trong nâng cao chất lượng và giảm tốt thất trong sản phẩm khai thác vẫn còn hạn chế. Tình hình tai nạn và vi phạm tàu cá của ngư dân trên vùng biển của nước ta cũng như vùng biển của các nước khác có chiều hướng gia tăng.
Thứ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới cần tạo chuyển biến rõ rệt trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả khai thác. Đây chính là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả khai thác và nâng cao đời sống của bà con ngư dân.
Hướng dẫn tập huấn cho ngư dân ứng dụng KHCN trong hoạt động khai thác để nâng cao giá trị sản phẩm và giảm tổn thất trong thu hoạch. Tăng cường quản lý an toàn tàu cá và có biện pháp để ngăn chặn không để ngư dân vi phạm các vùng biển quốc tế khi tham gia khai thác trên biển. Cần có chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm.
Chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường biển. Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương nghiên cứu tham mưu cho Bộ về tổ chức lực lượng thanh tra chuyên ngành ở địa phương. Tổng cục Thủy sản chủ trì tham mưu giải pháp và lộ trình quản lý đi đến hạn chế nghề lưới kéo và hướng chuyển đổi nghề. Hình thành thí điểm xây dựng quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản tại 04 tỉnh miền Trung.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Viện Nghiên cứu hải sản tập trung nâng cao công tác điều tra dự báo ngư trường khai thác để nâng cao hiệu quả cho ngư dân.
Đề nghị các địa phương rà soát các chính sách trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP và các chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển thủy sản để đề xuất sửa đổi bổ sung các chính sách trong thời gian tới.