TP Móng Cái (Quảng Ninh): Đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh
Trong thời gian qua, với sự đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của các doanh nghiệp và người dân nên kinh tế thuỷ sản trên địa bàn Móng Cái phát triển khá nhanh. Đến hết tháng 12-2015, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của Móng Cái là 1.835,48ha; đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung theo hướng công nghiệp với quy mô hàng trăm ha, nhất là nghề nuôi tôm chuyển nhanh sang hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh cho năng suất cao. Đặc biệt, phương thức nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao bê tông, ao bạt và nuôi tôm trong nhà bạt đang phát triển nhanh và hiệu quả với năng suất từ 10-20 tấn/ha/vụ.
Ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hoà (TP Móng Cái) là một trong số những hộ nuôi tôm mạnh dạn, sáng tạo trong nghề nuôi tôm. Hiện nay, ông Liêm đã đầu tư khu nuôi tôm công nghiệp với 7ha và được thiết kế một cách khoa học từ hệ thống bể cấp nước, ao nuôi, khu xử lý môi trường… theo hình thức khép kín.
Trao đổi với chúng tôi, ông Liêm cho biết: Mô hình nuôi tôm khép kín mặc dù mức đầu tư cao từ 600-700 triệu đồng/ao nuôi có diện tích 2.000m2, song hình thức nuôi này sẽ hạn chế được rủi ro đối với người nuôi tôm. Với mô hình này, thời gian cho mỗi vụ nuôi sẽ giảm đáng kể, vụ đông chỉ từ 90-100 ngày, vụ hè chỉ từ 70-80 ngày. Như vậy, mỗi năm người nuôi tôm có thể nuôi được 3 vụ và năng suất tôm nuôi cũng cao hơn. Với mỗi ha nuôi tôm công nghiệp khép kín, năng suất bình quân sẽ đạt trên 10 tấn/ha khi nuôi chính vụ, còn nuôi trái vụ (vụ thu - đông) sẽ đạt 6-7 tấn/ha. Cái lợi khi nuôi tôm trái vụ là mặc dù sản lượng không lớn nhưng vào thời điểm đó tôm bán được giá hơn (khoảng 250.000 đồng/kg). Vụ nuôi này, ông Liêm đã thả giống toàn bộ 7ha tôm theo hình thức gối vụ. Hiện nay ông Liêm là một trong số những hộ nuôi tôm tại Móng Cái đã được cấp giấy chứng nhận nuôi tôm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, toàn bộ quy trình nuôi tôm tại gia đình ông đều đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định về an toàn.
Trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã liên tục triển khai các mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP tại Móng Cái làm cơ sở để bà con nông dân học tập kinh nghiệm, mở rộng diện tích nuôi theo hướng này. Các mô hình đã hướng người dân đến một phương thức nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ các quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao, đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nhằm hướng tới mục tiêu nuôi an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc hoá chất. Gia đình ông Bùi Văn Trình, thôn Đông, xã Vạn Ninh (TP Móng Cái) là một trong những hộ đã tích cực tham gia mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP. Theo ông Trình, để hạn chế rủi ro về dịch bệnh và nâng cao chất lượng tôm nuôi, những năm gần đây, bên cạnh việc mở rộng diện tích nuôi, gia đình đặc biệt quan tâm đến nuôi theo hình thức VietGAP. Theo đó, cùng với việc sử dụng thức ăn cho tôm là thức ăn rất sạch, đạt tiêu chuẩn thì vấn đề xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi hoàn toàn được sử dụng bằng các chế phẩm sinh học. Với diện tích gần 4ha, mỗi năm gia đình nuôi 2 vụ, bình quân mỗi vụ cho thu hoạch trên dưới 20 tấn tôm thương phẩm. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Mặc dù trong năm qua dịch bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi đã xảy ra trên diện rộng cộng với thời tiết có mưa lớn kéo dài trong vụ nuôi đầu năm 2015 gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm (gây thiệt hại gần 500ha tôm nuôi vụ xuân hè, ước thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp) trên địa bàn TP Móng Cái. Tuy nhiên, do đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản theo hướng VietGAP và nuôi công nghiệp nên tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thành phố vẫn đạt gần 7.370 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi đạt trên 1.747 tấn, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2014 và vượt 55,2% so với kế hoạch.
Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Phòng Kinh tế TP Móng Cái cho biết: Thời gian tới, Móng Cái tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân thực hiện tốt công tác nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó, địa phương sẽ chú trọng tới đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường cán bộ kỹ thuật, nắm bắt kịp thời các tình huống phát sinh để có cơ sở hướng dẫn biện pháp xử lý phù hợp. Đặc biệt, chúng tôi luôn xác định nuôi tôm thẻ chân trắng là hướng đi đúng đắn và sẽ tiếp tục có đầu tư, định hướng để các cơ sở nuôi tôm thực hiện quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2016, phấn đấu đưa diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 1.900ha (trong đó diện tích nuôi tôm 1.300ha), tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 8.300 tấn.