TIN THỦY SẢN

Trà Vinh: Thực hiện chuỗi sản phẩm thủy sản an toàn

Nông dân Nguyễn Văn Nhỏ (trái) kiểm tra nguồn cá rô phi trong ao xử lý nước cấp cho ao tôm nuôi. Hữu Huệ

Vì sao sản phẩm thủy sản (thường tôm sú, thẻ chân trắng) không an toàn và nhiễm dư lượng thuốc kháng sinh cao nhưng vẫn “có đất sống”? Thực tế cho thấy khi thị trường có người cần (nhu cầu) sẽ tạo thói quen xấu, vốn không được người nuôi thủy sản đồng tình. Nhưng vì lợi nhuận và các doanh nghiệp (DN) chưa cương quyết “xóa sổ” với sản phẩm thủy sản không an toàn, xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh, từ đó người nuôi cứ nghĩ một khi “sơ sẩy” trong sản phẩm thu hoạch không đạt chất lượng nhưng DN này không mua, thì vẫn có DN khác đến mua. Đối với DN có thủy sản xuất khẩu thì đây là một “thảm họa”.

Tìm hiểu về việc sản xuất thủy sản an toàn trong hộ nuôi tôm nước lợ tại vùng ven biển của thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải; ghi nhận tại các mô hình tổ hợp tác (THT) nuôi thủy sản đều được các hộ nuôi phản ánh: các ngành chức năng cần có chế tài và quản lý chặt việc các DN thu mua, chế biến thủy sản. Các DN cần cam kết với nhau trong việc “nói không với sản phẩm không an toàn”, khi đó người nuôi sẽ không ai dám sản xuất ẩu và buộc mọi người phải chấp hành tốt quy trình nuôi sạch, an toàn. Đồng thời giá sản phẩm thủy sản sạch, an toàn phải được DN thu mua với giá cao hơn so với sản phẩm thông thường.

Mô hình THT nuôi tôm nước lợ Long Bào (ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải) có 12 thành viên với diện tích nuôi 8,2ha (21 ao) được thành lập và đi vào hoạt động năm 2014. Theo ông Nguyễn Văn Nhỏ, Tổ trưởng THT: Mô hình nuôi tôm nước lợ được các thành viên trong tổ thực hiện nuôi theo hướng an toàn; không sử dụng các loại kháng sinh ngoài danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Trong quá trình nuôi, các thành viên áp dụng nuôi cá rô phi lồng ghép để xử lý nguồn nước, nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc diệt khuẩn trong nước trước khi cấp vào ao nuôi… vừa làm giảm chi phí cho người nuôi, tôm nuôi ít bệnh, nguồn nước được chủ động theo dõi. Chất lượng tôm nuôi được đảm bảo và hiệu quả kinh tế tăng từ 20-30% so với sử dụng nguồn nước nuôi đưa trực tiếp vào. Trong vụ nuôi vừa qua, có 10/12 thành viên nuôi có lợi nhuận, mức cao nhất là 700 triệu đồng và tỷ lệ lãi so với vốn đầu tư là 1:1,5.

Được biết, qua 04 vụ nuôi liên tiếp, gia đình ông Nguyễn Văn Nhỏ đều đạt hiệu quả cao trong thả tôm thẻ chân trắng; riêng vụ nuôi 2016-2017 gia đình thu hoạch 3,7 tấn/3.000m2, lợi nhuận hơn 250 triệu đồng. Nói về mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình, ông Nhỏ cho biết: Với 01 ao nuôi diện tích 3.000m2 và 01 ao 1.700m2; trong này gia đình chỉ thực hiện nuôi luân phiên mỗi vụ 01 ao. Ao còn lại được thả cá rô phi (khoảng 50kg) có nhiệm vụ xử lý nguồn nước để cung cấp cho ao còn lại (có thả tôm giống). Mỗi vụ sau thu hoạch ao nuôi tôm, ao có nuôi cá rô phi sẽ luân chuyển sang ao tôm để làm nhiệm vụ “vệ sinh” các chất bã do tôm thải ra. Nhờ việc luân phiên trong cải tạo ao nuôi thông qua thả cá rô phi, nên nguồn nước và các chất bã lắng đọng trong đáy ao qua 01 vụ thả nuôi đều được kiểm soát và vệ sinh tốt, hạn chế được dịch bệnh trong ao nuôi. Với cách nuôi này, luôn cho sản phẩm tôm an toàn, loại bỏ được việc sử dụng kháng sinh.

Ngoài ra, còn có mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (rừng-tôm) của nông dân Huỳnh Văn Phong (ấp Cây Da). Được biết, đây là một trong hàng trăm ao nuôi của nông dân xã Hiệp Thạnh mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ông cho biết: Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 04ha, từ năm 2005-2006 gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi gần 02ha để trồng các loại cây rừng như đước, sú nhằm tạo độ che phủ bóng mát của cây và làm nơi trú ngụ cho các loài thủy sản. Qua đó, đã giúp gia đình có được những vụ nuôi thủy sản thành công và sản lượng khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên (tép đất, cá các loại…) ngày càng gia tăng. Với hình thức quảng canh rừng-thủy sản và kết hợp khai thác tự nhiên, hàng năm gia đình thu vào từ 180-200 triệu đồng.

Mỗi năm, gia đình chỉ đầu tư một số vốn không nhiều (khoảng 15-20 triệu đồng) để mua con giống (tôm sú, cua biển…) thả vào vuông nuôi. 100% sản phẩm thủy sản (tôm, tép, cá…) trong mô hình rừng-tôm luôn đáp ứng được yêu cầu sản phẩm an toàn, do suốt trong quá trình nuôi nông dân không sử dụng bất kỳ thuốc kháng sinh. Mặc dù chất lượng thủy sản đạt an toàn nhưng giá bán thì không cao so với việc nuôi công nghiệp và các sản phẩm khác.

Nếu DN tham gia cam kết thu mua sản phẩm đạt chuẩn an toàn (đưa sản phẩm đi kiểm tra) và có giá phù hợp, người sản xuất rất đồng tình. Đồng thời đòi hỏi tất cả các DN trong lĩnh vực thu mua thủy sản tôm nước lợ cần cam kết, thống nhất và đưa ra 01 quy trình “sản phẩm an toàn” và tuyệt đối không mua “vượt rào” các sản phẩm không an toàn để tiêu thụ nội địa. Có như vậy người nuôi tôm sẽ rất sợ vì sản phẩm làm ra nếu không đủ điều kiện an toàn để bán, không ai mua… sẽ không ai dám sản xuất không an toàn về dư lượng kháng sinh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Để thực hiện nuôi thủy sản vừa đảm an toàn cho sản phẩm và hạn chế các rủi ro do thời tiết, môi trường, ngành cũng đang tập trung quản lý chặt chẽ về các điểm, đại lý cung ứng con giống, vật tư thủy sản đầu vào. Khuyến khích người nuôi tham gia vào các THT, HTX nhằm để thuận tiện trong quản lý lịch thời vụ, tiêu thụ sản phẩm và liên kết với DN; thực hiện chuyển giao kỹ thuật sẽ chặt chẽ, sâu rộng đến với người nuôi hơn.

Hiện nay, việc thả nuôi phần lớn còn nhỏ, lẻ, thiếu tập trung, quy hoạch. Phần “ngọn” tuy cơ bản được quản lý chặt, nhưng phần “gốc” (sản phẩm tiêu thụ) lại thuộc về lĩnh vực của các DN thu mua, chế biến thủy sản (do Sở Công thương quản lý), vai trò của các DN này rất quan trọng trong việc góp phần đảm bảo sản phẩm thủy sản an toàn.

Nếu tất cả các DN cam kết không mua sản phẩm không an toàn, có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép… khi đó sẽ hạn chế và loại dần việc người nuôi không tuân thủ quy trình, không đảm bảo sản phẩm an toàn; buộc người nuôi thủy sản phải đi vào qui trình kỹ thuật của ngành chuyên môn.

Hữu Huệ Báo Trà Vinh