TIN THỦY SẢN

Treo ao vì giá cá lóc giảm nhưng vẫn phải "phóng lao theo lao"

Thu hoạch cá lóc. Ảnh: Trung Kiên Huỳnh Phương Thảo

Gần 15 năm gắn bó với nhiều thăng trầm, vùng nuôi cá lóc ở xã Phú Thành- 1 trong 2 xã thuộc cù lao Mây (Trà Ôn) đang đứng trước nhiều khó khăn. Người nuôi vừa tìm cách giữ nghề, vừa để giữ gìn thương hiệu.

“Cá không có, mà giá không lên”

Cùng với phát triển kinh tế vườn và hoa màu, địa phương khuyến khích những nơi nằm cặp các tuyến sông lớn ở Trà Ôn nuôi thủy sản.

Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, giá cá lóc liên tục giảm, trong khi giá thức ăn, con giống lại “đội giá”, khiến người nuôi không có lời, thậm chí thua lỗ nặng, nhiều hộ phải “treo” ao.

Ông Nguyễn Chí Cường- công chức nông nghiệp xã Phú Thành- cho biết: “Bắt đầu từ năm 2002, xã có một vài hộ nuôi cá lóc bằng cách cho ăn cá vụn, đến năm 2010 mới bắt đầu có nhiều hộ nuôi cá công nghiệp, nhiều nhất ở ấp Phú Long, Phú Lộc, Phú Xuân.

Hiện toàn xã Phú Thành có 50 hộ nuôi cá với 12ha cá lóc và 23ha cá tra”. Ông nói tiếp: “Thời điểm năm 2019, giá cá lên 40.000 đ/kg, người nuôi lời khoảng 10.000 đ/kg cá. Còn hiện tại giá 29.000-30.000 đ/kg thì người dân có lợi nhuận thấp hoặc lỗ nếu cá bị bệnh.

Đã có khoảng 75% hộ nuôi trong xã “treo” ao, những ai còn nợ ngân hàng hay nợ tiền đại lý thức ăn thì nghỉ nuôi luôn. Gia đình tôi hiện cũng treo ao”.

Ông Huỳnh Văn Lộc- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất chế biến thủy sản Phú Thành- cho biết: HTX thành lập năm 2017, đến cuối năm 2020, HTX có 14 thành viên, giảm 6 thành viên so với năm 2019.

Thuận lợi là điểm nuôi cá được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước, các thành viên HTX có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá lóc, đồng thời được các cấp chính quyền, các ban ngành rất quan tâm đến việc phát triển của HTX.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh kéo dài nên mức tiêu thụ sản phẩm thấp. Doanh thu năm 2020 của HTX đạt gần 14,6 tỷ đồng nhưng lỗ 1,9 tỷ đồng (năm 2019, cá bán được giá nên HTX lời 1,7 tỷ đồng).

Trong khi đó, giá thức ăn liên tục tăng cao, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, giá thức ăn tăng 5 lần, mỗi bao 25kg tăng giá khoảng 70.000 đ/bao.

Theo ông Huỳnh Văn Lộc: “Cá không có nhiều mà giá lại không lên. Điều này khiến thu nhập, đời sống của người nuôi gặp khó khăn rất nhiều khi muốn giữ nghề nuôi”.

“Hiện nay, chi phí cho 1kg cá lóc nuôi từ 33.000- 34.000đ, nếu hộ nào nuôi giỏi ít bệnh thì có thể huề vốn hoặc có lời cũng “meo” lắm, còn cá bị bệnh là cầm chắc lỗ. Đó là chưa kể hiện nay chất lượng thức ăn cho cá cũng là cả vấn đề, bởi nếu cá chậm lớn, làm kéo dài thời gian nuôi lại đội chi phí.

Nếu như trước đây nuôi cá hơn 4 tháng thì bán được nhưng mấy năm gần đây có khi nuôi 6- 7 tháng cá mới đạt trọng lượng bán. Trước đây, tôi thả nuôi 1 lượt 6 ao nhưng hiện tại chỉ thả nuôi 1 ao/ tháng để rải chi phí, nuôi cầm chừng”- ông Lộc cho biết thêm.

“Phóng lao thì phải theo lao”

Một số người nuôi cá lóc ở cù lao Mây cho hay, dù mấy năm nay đầu ra cá lóc bấp bênh nhưng vẫn không thể bỏ nghề, bởi đây không chỉ là nghề sinh nhai hơn 10 năm nay mà còn vì mê nghề này.

Anh Trần Thanh Hải (ấp Phú Long)- một trong những hộ nuôi cá lóc đầu tiên trong xã, bắt đầu từ năm 2007- cho biết: “Cá lóc là loài ăn tạp nên mồi của chúng cũng khá dễ tìm.

Bà con thường tận dụng mua thêm các nguồn cá mồi rẻ tiền để giảm chi phí. Do đó, khi chào bán ra thị trường giá cả cũng mang tính cạnh tranh hơn so với nhiều nơi. Bà con thời điểm đó lời thấy ham lắm. Hiện tôi có 6ha mặt nước nuôi cá, với sản lượng khoảng 30 tấn mỗi công”.

“Dù khó nuôi hơn mấy năm trước, dịch bệnh, giá cả thức ăn tăng nhưng tui không bỏ nghề đâu, “phóng lao phải theo lao”.

Chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ đầu ra, đồng thời tìm cách “kiềm” giá thức ăn. Bởi, trước đây nông dân thua là thua ở đầu ra, còn bây giờ thì thua luôn đầu vào vì giá thức ăn quá cao”- anh Hải bày tỏ.

Tương tự, dù khó khăn nhưng ông Huỳnh Văn Lộc khẳng định vẫn giữ nghề bởi đam mê nên mới chọn nghề 5 năm nay. Thêm vào đó, người dân ở cù lao đeo nghề cá này bởi khó mà chuyển đổi sang trồng trọt vì chi phí san lấp rất tốn kém, đất trồng cây liền cũng không tốt nên bà con chỉ còn cách rải vụ để không lỗ nhiều.

Để giải quyết đầu ra cho cá lóc, nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường, HTX cũng đã sản xuất ra khô cá lóc, cung ứng cho thị trường.

Tuy nhiên, do sản phẩm còn đơn điệu nên tiêu thụ chậm, HTX sản xuất cầm chừng. Ông Lộc cho hay: HTX thiếu vốn đầu tư vào việc cung cấp thức ăn nuôi cá cho thành viên trong HTX và sản phẩm của HTX chưa tiếp cận được các kênh bán hàng cao cấp.

Để cứu đầu ra cho khô cá lóc, ông Lộc cho hay: “Thời gian tới, HTX sẽ nghiên cứu, tìm cách đa dạng mặt hàng hơn, đồng thời tăng cường kênh quảng bá. Song song đó, các thành viên HTX mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi”.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn cho biết mô hình nuôi cá tra công nghiệp ven bãi bồi và cá lóc mương vườn vẫn là 2 mô hình nuôi thủy sản chính của huyện, chủ yếu nuôi ở xã Phú Thành và Lục Sĩ Thành, với diện tích 66,53ha (53,43ha cá tra, 13,1ha cá lóc).

Thời gian qua, giá cá lóc giảm trong khi giá thức ăn tăng khiến diện tích nuôi cá lóc giảm, người dân gặp khó về đầu ra nên chỉ huề vốn hoặc lỗ.

Huyện cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh hỗ trợ nông dân kỹ thuật nuôi, kiểm tra chất lượng nguồn nước,...

Đồng thời, khuyến cáo người dân nên nuôi trong vùng quy hoạch, nuôi theo mô hình an toàn, nâng cao chất lượng, chọn con giống có nguồn gốc chất lượng rõ ràng để hạn chế bệnh xảy ra trên cá,...

Phương Thảo Báo Vĩnh Long