TIN THỦY SẢN

Triển khai xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá

Xã hội hóa đăng kiểm tàu cá phải đảm bảo quản lý Nhà nước. Vũ Long

Tại các Điều 68, 69 và Điều 70 của Luật Thủy sản năm 2017 đã nhấn mạnh việc xã hội hóa đăng kiểm tàu cá.

Xã hội hóa đăng kiểm tàu cá

Theo Luật Thủy sản năm 2003, cơ quan được giao nhiệm vụ đăng kiểm tàu cá chỉ thuộc nội bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhưng với Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019, hoạt động đăng kiểm tàu cá ngoài cơ quan, đơn vị của Nhà nước còn cho phép tư nhân được tham gia nếu có đủ điều kiện, cụ thể, tại các Điều 68, 69 và Điều 70 của Luật Thủy sản năm 2017 đã nhấn mạnh việc xã hội hóa đăng kiểm tàu cá.

Mục tiêu xã hội hóa hoạt động đăng kiểm tàu cá là làm sao tranh thủ được các nguồn lực của xã hội, thu hút được các lực lượng tham gia, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và sự thông thoáng trong hoạt động đăng kiểm tàu cá, từng bước xây dựng và tiến tới nghề cá hiện đại.

Tính đến nay đã công nhận 26 cơ sở đăng kiểm tàu cá đủ điều kiện tại các địa phương (9 cơ sở loại I, 12 cơ sở loại II, 5 cơ sở loại III). Có 2 địa phương không đề nghị công nhận là Ninh Bình, TP.Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -NNPTNT) cho biết: “Trước đây, công tác đăng kiểm tàu cá giao cho cơ quan quản lý nhà nước làm dịch vụ công, nhưng theo Luật Thủy sản 2017, nhiệm vụ này sẽ được xã hội hóa. Theo đó, các cơ sở đăng kiểm nào đủ điều kiện theo quy định (cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực…) sẽ được thực hiện dịch vụ đăng kiểm tàu cá.

Nếu trước đây, tàu cá tỉnh nào thì đăng kiểm ở chi cục khai thác thủy sản ở tỉnh đó, thì nay chủ tàu có quyền lựa chọn bất kỳ cơ sở đăng kiểm tàu cá đủ điều kiện, tức là tàu của Kiên Giang có thể đăng kiểm ở Quảng Ninh”.

Thông thoáng, nhưng không "thả nổi" trách nhiệm quản lý

Xã hội hóa công tác đăng kiểm là một bước tiến trong tư duy quản lý nhưng nếu việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước không chặt chẽ, hoạt động các cơ sở đăng kiểm cũng rất dễ bị “biến tướng”.

Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thủy sản khẳng định: “Tuy Luật mới cho phép tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đăng kiểm nhưng hoàn toàn không thả nổi về quản lý nhà nước, thậm chí còn được quản lý chặt hơn. Theo bà Huệ, Luật quy định rất chi tiết điều kiện của cơ sở thực hiện đăng kiểm tàu cá và khi nào thì được chứng nhận đủ điều kiện trước khi tham gia hoạt động từ cơ quan quản lý nhà nước”.

Mục tiêu trong xã hội hóa hoạt động đăng kiểm tàu cá là đảm bảo được sự thông thoáng, tranh thủ được các nguồn lực xã hội, thu hút được các lực lượng tham gia vào hoạt động đăng kiểm chứ không phải chỉ “đóng khung” trong bộ máy của Tổng cục Thủy sản. Nhưng không vì thế mà thả nổi hoạt động này, Nhà nước vẫn phải quản lý và phải có giải pháp quản lý hiệu quả hơn.

Theo Luật Thủy sản 2017, Bộ NNPTNT có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm. Theo đó, định kỳ 24 tháng sẽ thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở tàu cá.

Luật đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của cơ sở đăng kiểm và đăng kiểm viên tàu cá, trong đó khẳng định: Người đứng đầu cơ sở đăng kiểm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu; đăng kiểm viên chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, phân cấp, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá…

Xu hướng xã hội hóa hoạt động đăng kiểm là tất yếu khi mà đã đến lúc Nhà nước không nên phải “tốn cơm” nuôi những bộ máy cồng kềnh mà kém hiệu quả đối với những hoạt động, những dịch vụ mà Nhà nước có thể giao cho các thành phần ngoài nhà nước đảm đương khi họ có khả năng, có nguồn lực để thực hiện. Hy vọng Luật Thủy sản mới khi có hiệu lực thi hành sẽ tạo ra những đột phá, những bước tiến mới trong hoạt động đăng kiểm tàu cá, qua đó giúp ngư dân, các doanh nghiệp khai thác thủy sản sẽ có điều kiện tốt nhất vươn khơi, bám biển làm giàu và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Vũ Long Báo Lao Động