TIN THỦY SẢN

Triển vọng cho thị trường tôm Việt Nam tại Australia năm 2023

Australia vẫn là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm Nhất Linh

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính chung 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Úc đạt 197,67 triệu USD, giảm 20,16% so với cùng kỳ năm 2022.

Úc - Thị trường quan trọng của tôm Việt Nam

Tháng 2/2023, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang Australia ghi nhận tín hiệu tăng trưởng, đạt 19 triệu USD, tăng 7%. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 1/2023 giảm mạnh trong dịp giáp Tết Nguyên đán nên tính đến nửa đầu tháng 3/2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 36 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Australia là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam trong thị trường CPTPP (Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) sau Nhật Bản, chiếm 27% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam sang thị trường này. Australia cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 5 của Việt Nam, chiếm 8%.

Năm 2022, XK tôm Việt Nam sang Australia ghi nhận có mức tăng trưởng cao thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Australia năm 2022 đạt 272 triệu USD, tăng 44% so với năm 2021. Trong khi nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và EU giảm trong quý cuối năm 2022 thì nhu cầu nhập khẩu từ Australia vẫn duy trì tăng trưởng tốt ngay từ những tháng đầu của năm.

Trong giai đoạn 5 năm (2018 - 2022), xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng từ 115 triệu USD năm 2018 lên 272 triệu USD vào năm 2022, tăng 137%. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 25%. Trong giai đoạn này, xuất khẩu tôm sang Australia tăng trưởng từ 11 - 44%. Mốc tăng trưởng cao nhất 44% được ghi nhận vào năm 2022. Mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 chứng tỏ các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Australia như hoạt động ngoại giao, xúc tiến thương mại, các hiệp định thương mại tự do đều có hiệu quả.

Trong 5 năm này, xuất khẩu các sản phẩm tôm thẻ chân trắng và tôm sú ở dạng tươi sống, đông lạnh ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đạt đến 3 con số. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu của tôm thẻ chân trắng năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng 740% so với năm 2018. Sau 5 năm, XK mặt hàng tôm thẻ chân trắng chế biến tăng trưởng có phần chậm lại trong khi XK tôm sú chế biến giảm.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam XK sang Australia năm 2022, tôm chân trắng chiếm 95,5%, tôm biển chiếm 4,2%, tôm sú chiếm 0,3%. Sau 5 năm, tỷ trọng XK tôm thẻ chân trắng sang Australia tăng mạnh trong khi tỷ trọng tôm biển, tôm sú có xu hướng giảm.

Tại thị trường Australia, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với Thái Lan, Trung Quốc. Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam giữ vững vị trí số 1 về nguồn cung tôm sang Australia với thị phần tăng từ 32% năm 2015 lên 69% năm 2022 trong khi thị phần của Thái Lan giảm từ 23% năm 2015 xuống 14% năm 2022, thị phần của Trung Quốc giảm từ 28% xuống 8%.

Triển vọng phục hồi cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2023. Ảnh: Tép Bạc

Nhờ 3 hiệp định AANZFTA, CPTPP và RCEP giữa Việt Nam và Australia, sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Australia được hưởng ưu đãi thuế 0%. Tuy nhiên, tôm Việt Nam, đặc biệt là tôm nguyên liệu vẫn vướng phải rào cản khi vào Australia do quy định kiểm tra nghiêm ngặt tại thị trường này.

Trong bối cảnh xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính như Mỹ, EU sụt giảm, Australia vẫn được coi là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam thời gian tới.

Thị trường tiềm năng trong việc phục hồi xuất khẩu tôm Việt Nam

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia 7 tháng đầu năm 2023 đạt 23,5 nghìn tấn, trị giá 169,4 triệu USD, giảm 16,7% về lượng và giảm 23,1% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2022.

7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Australia giảm so với cùng kỳ năm 2022 như tôm đông lạnh, cá tra đông lạnh, cá chẽm đông lạnh, mực đông lạnh, cá đục đông lạnh…, trong khi xuất khẩu cá đông lạnh, cá ngừ đông lạnh, bạch tuộc đông lạnh, cá basa đông lạnh, ghẹ đông lạnh, tôm khô, cá mó đông lạnh, cá gáy đông lạnh, mắm cá, ba khía… tăng.

Mặc dù có bờ biển dài, nhưng Australia vẫn là nước nhập khẩu ròng hải sản do thủy sản của Australia chủ yếu là các sản phẩm có giá trị cao như tôm hùm đá, các loài cá ngừ cao cấp và bào ngư, đây cũng là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia, trong khi nhập khẩu phần lớn các sản phẩm có giá trị thấp hơn như cá đóng hộp và philê đông lạnh.

Trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia dự báo sẽ phục hồi do nhu cầu tiêu thụ thủy sản thường tăng cao vào dịp cuối năm. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tận dụng tốt các lợi thế về các Hiệp định giữa Việt Nam – Australia để tăng giá trị hơn nữa.

Nhất Linh