Triển vọng từ mô hình nuôi cá bông lau
Cá bông lau là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc ươm giống cá bông lau cung cấp cho người nuôi, người dân ở huyện Cù Lao Dung còn áp dụng có hiệu quả mô hình nuôi cá bông lau thương phẩm để bán.
Với diện tích ao khoảng 7.000m2, ông Nguyễn Văn Kiệt, ở ấp Vàm Hồ (An Thạnh Nam) đã thả nuôi 13.000 con giống cá bông lau. Sau 1 năm, ông Kiệt thu hoạch được khoảng 10 tấn cá, bán giá 115.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận cả trăm triệu đồng. Theo ông Kiệt, chi phí đầu tư để nuôi cá bông lau khá cao so với các loại cá khác, thời gian nuôi từ 8 đến 12 tháng cá mới đạt được trọng lượng từ 1,2kg/con trở lên nhưng ít tốn công chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Kiệt bộc bạch: “Khoảng 6 năm trở lại đây, tôi ươm cá giống để bán là chủ yếu. Theo đó, tôi mua cá tự nhiên với kích cỡ 300 con/kg, sau 2 tháng ươm cá đạt kích cỡ 70 con/kg thì bán, tính ra mỗi đợt ươm bán lời được 6 triệu đồng. Nhận thấy thị trường cá bông lau được ưa chuộng nhưng ngoài tự nhiên ngày càng hiếm, nên năm nay, tôi để lại cá giống nuôi thử, sau hơn 8 tháng cá đạt trọng lượng trung bình được 1,2kg/con, tuy chi phí và thời gian nuôi bỏ ra nhiều hơn các loài cá khác, nhưng cũng nhẹ công chăm sóc và thu được lãi cao”.
Còn anh Trương Văn Vũ, ở xã An Thạnh 3 cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi nuôi cá bông lau thương phẩm. Vài năm trở lại đây, tôi tận dụng ao nuôi tôm để nuôi nhiều loại cá, nhưng mục đích chủ yếu là lấy nước nuôi tôm. Thấy cá bông lau thương phẩm bán được giá cao nên tôi để lại hơn 1.000 con cá giống nuôi thử, nếu có hiệu quả thì vụ sau sẽ tiếp tục nuôi tiếp”.
Hiện ao cá bông lau của anh Vũ đã thu hoạch xong, năng suất đạt khoảng 1,5 tấn. Anh Trương Văn Vũ thông tin: “Thức ăn cho cá chủ yếu là nguồn phụ phẩm tự nhiên sẵn có, do vậy chi phí nuôi cá giảm được 50%, nhưng thời gian nuôi kéo dài hơn, thay vì người ta cho cá ăn thức ăn thì khoảng 8 tháng là thu hoạch, nhưng do ao cá của tôi cho ăn nguồn phụ phẩm tự nhiên nên đến cả năm cá mới đạt trọng lượng trung bình khoảng 1,2kg/con”.
Theo anh Vũ, mặc dù đem cá giống từ sông về nuôi trong ao nhưng chất lượng thịt cá cũng giống với cá lớn lên ngoài tự nhiên. Mùa sinh sản cá giống bông lau xuất hiện nhiều vào tháng 11 năm trước đến sang tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, cái khó là làm sao con giống ngoài tự nhiên bắt được, giữ cho nó sống và nuôi dưỡng thành cá thương phẩm bằng những nguồn thức ăn hiện có trên thị trường.
Với kinh nghiệm của mình, anh Trương Văn Vũ chia sẻ cách nhận diện cá bông lau và cá tra bần, theo đó, cá bông lau có lưng và đầu màu xanh nhạt, có phần bụng màu trắng, phần đuôi vàng và viền đuôi hơi tím. Còn cá tra bần thì lưng, vây, đuôi đều màu vàng.
Hiện nay, huyện Cù Lao Dung có 3.089ha nuôi thủy sản; trong đó, có hơn 1.700ha nuôi tôm nước lợ, diện tích còn lại nuôi nghêu và cá các loại thủy sản khác. Theo đánh giá của Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Đồ Văn Thừa, cá bông lau là loài cá có giá trị kinh tế cao hơn các loài cá da trơn khác. Tuy nhiên, đa số người dân ở đây ươm giống cá bông lau để bán là chủ yếu, gần đây chỉ có một vài hộ tự ươm giống rồi nuôi cá thương phẩm, bước đầu thấy có hiệu quả.
Hy vọng đây là mô hình và hướng đi mới đầy hứa hẹn cho người dân nuôi trồng thủy sản ở huyện Cù Lao Dung.