TIN THỦY SẢN

Triển vọng từ mô hình nuôi cá lóc đen thương phẩm tại M’Đrắk

Gia đình ông Ngô Minh Chính đang thu hoạch cá lóc. Thu Nguyệt

Mới đây, mô hình nuôi cá lóc đen thương phẩm được xây dựng thí điểm, có những thành công bước đầu đã mang lại triển vọng cho hoạt động nuôi trồng thủy sản ở huyện.

Mô hình được thực hiện tại gia đình ông Ngô Minh Chính (thôn 18, xã Cư Mta, Đắk Lắk) trên diện tích ao nuôi 600m2 có kè bờ cao. Được đầu tư 100% chi phí mua cá giống, hỗ trợ một phần tiền thức ăn, gia đình ông Chính thả 6.000 con giống cá lóc đen. Qua thời gian 5 tháng thả nuôi, mặc dù có chịu thiệt hại do lượng nước trong ao thấp, gia đình ông vẫn thu hoạch ước đạt hơn 1,9 tấn cá lóc thương phẩm, với giá bán sỉ cho thương lái khoảng 45.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trên 87 triệu đồng. Theo hạch toán ban đầu, sau khi trừ tất cả các chi phí đầu tư như chuẩn bị và xử lý ao nuôi, giống, thức ăn, công chăm sóc... hộ chăn nuôi vẫn thu lãi trên 30 triệu đồng. Ông Chính cho biết, trước đây ông và hầu hết các hộ chăn nuôi khác chỉ coi việc nuôi trồng thủy sản là việc làm thêm nên chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, chưa thực sự đầu tư vào sản xuất và mở rộng quy mô nuôi trồng, chưa biết áp dụng KHKT trong chọn lựa thức ăn, con giống để tăng năng suất, vì thế hiệu quả kinh tế của việc nuôi cá còn thấp. Từ khi tham gia thực hiện mô hình, gia đình ông đã có nguồn thu nhập đáng kể.

Từ thành công bước đầu của mô hình điểm, nhiều hộ nông dân đã đến tận gia đình ông Chính tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Kỹ thuật nuôi cá lóc khá đơn giản vì loại cá này thích nghi được cả môi trường nước đục, nước tù và nước lợ, chịu đựng được nhiệt độ trên 300C, chống chịu tốt với môi trường và tạp ăn. Tuy nhiên, thức ăn cho cá đòi hỏi phải tươi sống như cá tạp, ốc, tép… xay nhỏ và thức ăn viên có hàm lượng đạm hơn 40%. Phương thức nuôi cá lóc trong ao có những ưu điểm như: dễ kiểm soát được môi trường nước và dịch bệnh; thức ăn tập trung, tránh lãng phí dư thừa; chủ động được nguồn nước và ít rủi ro do thiên tai nên có thể tăng vụ nuôi, đặc biệt ao nuôi không cần diện tích rộng, tận dụng được tối đa diện tích nên đã giải quyết được khó khăn thiếu ao hồ, mặt nước để thả nuôi vào mùa khô hạn... Mặc dù là cá nuôi nhưng do thức ăn cho cá từ nguồn cá biển nên thịt cá chắc và thơm ngon, có giá trị không kém cá lóc tự nhiên. Cá lóc đen thương phẩm tại hộ gia đình ông Chính ngoài giá trị dinh dưỡng, thịt săn, chắc và thơm ngon còn là sản phẩm cá sạch nên được người tiêu dùng đánh giá cao.

Huyện M’Đrắk có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt 353 ha, trong đó diện tích ao nuôi 308 ha; mặt nước lớn (bao gồm các hồ đập thủy lợi, thủy điện) 39 ha; ruộng trũng 6 ha, tập trung chủ yếu tại một số xã như Ea Pil, Cư Prao, Ea Riêng, Ea Hmlay, Ea Lai, Krông Á, Cư Króa...

Năm 2015, diện tích nuôi trồng thủy sản huyện M’Đrắk là 353/353 ha, đạt 100%, tăng 8 ha so với năm 2014. Năng suất nuôi trồng đạt 13,5 tạ/ha, sản lượng nuôi trồng 476,67 tấn, sản lượng khai thác đánh bắt tự nhiên 43 tấn, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 520 tấn, đạt 87,25% kế hoạch. Mô hình hình nuôi cá lóc đen thương phẩm là hướng đi phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác hết tiềm năng sẵn có ở địa phương. Ông Võ Văn Ánh, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện M’Đrắk cho biết: Để giúp nhiều nông dân tiếp cận với kỹ thuật nuôi cá lóc, các ngành chức năng huyện M’Đrắk cần tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu trên địa bàn và có chính sách hỗ trợ cụ thể khuyến khích nông dân tận dụng khai thác mặt ao hồ có sẵn, phát huy thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Thu Nguyệt Báo Đắk Lắk, 23/02/2016