Trồng rau câu chỉ vàng "làm chơi ăn thiệt"
Trên những hồ tôm, nơi giấc mơ đổi đời đã từng hóa thành bi kịch cho bao gia đình, rau câu mọc lên, ươm lại một cuộc đời khác trên vùng nước lợ Tam Hòa (huyện Núi Thành). Thứ rong biển nổi nênh đơn sơ ấy cần mẫn sinh tồn, như tính cách của người dân nơi làng nhỏ…
Con đường đất dẫn vào vùng đìa khá hẹp, khuất sau những khóm cây đước lúp xúp. Mặt nước lấp lóa dưới cái nắng gay gắt của ngày hè. Anh Phạm Thanh Giang (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa) ngâm mình dưới hồ, đẩy chiếc bè tự chế bằng thùng xốp, đều tay vớt rau câu từ dưới hồ lên bè. Thứ tảo màu nâu đỏ, bám dính nhau thành từng vệt nổi lững lờ dưới mặt nước, đầy khắp hồ, là rau câu. Từng chỉ là thức ăn cho cá, vài năm trở lại đây, rau câu trở thành một “đặc sản” của vùng nước lợ Tam Hòa, cũng là nguồn thu đáng kể cho những chủ hồ như anh Giang nơi vùng sông nước.
Những hồ cá, nơi rau câu mọc ở Tam Hòa, vốn là đồng nuôi tôm. Con tôm ùa về làng, rồi như một canh bạc tất tay, tôm dịch bệnh chết, thua lỗ nặng, nước ô nhiễm, hồ bỏ hoang, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Anh Giang là một trong những người đã buông bỏ con tôm sau hai mùa thua lỗ. Trắng tay, hai vợ chồng anh quay lại hồ cũ, cải tạo, thả nuôi cá dìa, ít lãi hơn, nhưng cũng không quá rủi ro như nuôi tôm. Và rồi trong số những hồ nước cũ ấy, rau câu mọc tự nhiên, là thức ăn ưa thích của cá, cua. Ít lâu nữa, thứ tảo ấy được chuộng, rau câu thành nguồn thu đáng kể của gia đình anh và những người nuôi cá trong vùng đầm hồ dọc sông. Mà lạ, một cụm rau câu nhỏ bằng nắm tay, thả xuống nước, vài bữa nửa tháng đã lên thành từng mảng. Cứ thế, suốt mùa thả nuôi cá, từ tháng 11 đến hết tháng 6 âm lịch trở thành mùa trồng và thu hoạch rau câu. Không phân bón, thuốc trừ sâu hay bất kỳ một loại hóa chất nào, rau câu lớn lên, trở thành sản vật của Tam Hòa rồi đi khắp chợ gần chợ xa, vào từng bữa ăn của những người sành sỏi…
Mỗi ký rau câu khô hiện tại có giá khoảng 100 nghìn đồng.
Tôi ngồi với anh Giang bên căn chòi làm nơi trông cá. Căn chòi vốn đã nhỏ, thêm chật chội với hàng đống những bao rau câu đã đóng thành bánh tròn, phơi khô. Với 60 sào mặt nước hồ, anh thả rau câu ở tất cả diện tích đó, rồi cứ vớt dần từng cụm, ép thành bánh tròn, phơi khô. Hơn chục ký rau câu tươi, phơi vài nắng, ngót lại chỉ còn một ký khô. Với giá bán chừng một trăm nghìn đồng mỗi ký, có ngày nhà anh xuất bán cả vài tạ. “Thứ rau câu ni sạch, ăn rất mát. Đồng thì không thiếu rau câu, nhưng ngặt một nỗi nhà nông chỉ biết sản xuất, không rành thị trường, nên làm, phơi rồi cũng phải lặn lội đi khắp nơi để ký gửi cho họ bán. Làm ra nhiều rồi cất bán dần, chứ không có nơi tiêu thụ ổn định” - anh Giang nói. Nỗi niềm của nhà nông, quanh quẩn lại cũng là chuyện đầu ra. Ông chủ hồ có khuôn mặt rất đỗi hiền lành này quả quyết, một ngày ưng vớt cả tấn rau câu cũng có, nhưng vì làm nhiều, phơi nhiều cũng không bán được ngay nên chỉ làm cầm chừng, đủ bán. Rau câu phơi khô, nếu chẳng may gặp một trận mưa là hỏng. Ngay cạnh hồ nơi tôi ngồi với anh Giang, còn la liệt những bánh rau câu bị ngâm nước mưa, chờ đem vứt bỏ…
Năm năm, khoảng thời gian mà rau câu bỗng chốc trở thành hàng hóa, dân làng Hòa Bình kiếm ra tiền nhờ loại tảo tự nhiên mọc đầy ở các hồ, đìa. Anh Nguyễn Đức Chánh, một chủ hồ cá ngay gần căn chòi của anh Giang dẫn chúng tôi sang hồ. Vục tay xuống nước, anh lấy lên từng đám rau câu màu sẫm tím. Ngày hôm trước, anh Chánh bán được hơn một triệu đồng tiền rau câu. Cái nghề “làm chơi, ăn thiệt” này trở thành một nguồn thu đáng kể cho bà con ở làng Hòa Bình mùa nắng nóng. Không rủi ro, chẳng tốn kém tiền vật tư, phân bón, rau câu cứ thế lớn lên, gắn với cuộc đời của những người ven sông nước. Phần lớn trong số họ, là những phận đời từng liêu xiêu vì thất bát sau vụ nuôi tôm, bất đắc chí nhưng cũng phải gắn với từng khoảnh hồ, với căn chòi nhỏ làm kế sinh nhai. Rau câu chỉ vàng, tên gọi của rau câu ở vùng Tam Hòa, như một thứ lộc trời xoa dịu những đắng cay của giấc mơ đổi đời từng tan vỡ, mang đến niềm vui cho những người bao ngày bám víu lấy đồng nước lợ. “Mênh mông hồ nước ngoài kia đó, nhưng cũng làm cầm chừng thôi, chủ yếu là nuôi cá. Cá thì tốn thức ăn, tốn công, sợ dịch, đủ thứ lo mà có năm vẫn lỗ. Giờ mà cái thứ rau câu này được doanh nghiệp nào đó bao tiêu, hoặc có mối thu mua bài bản, thường xuyên, thì dân ở vùng này nuôi rau câu làm nghề chính, chắc chắn thu nhập khá hơn nhiều” - anh Chánh nói. Ánh nhìn của anh thả rơi đâu đó ngoài hồ, nơi nắng vẫn lấp lóa trên con nước lăn tăn…
Chúng tôi trở về, ngang qua con đường làng Hòa Bình, là những khoảnh sân xếp đầy bánh rau câu tròn. Cuộc đời của nhiều người, có lẽ cũng chưa thể tròn vẹn như những bánh rau câu kia, nhưng ít ra, từ mặn đắng mồ hôi rơi xuống vùng nước lợ, có một giấc mơ, đang được xếp bằng vô số hình tròn nhỏ ở những khoảng sân kia, chờ ngày mai…