TIN THỦY SẢN

Trung Quốc chính thức tham gia cuộc đua nuôi cá tra, Việt Nam lo bị cạnh tranh?

Hainan Xiangtai Fishery, một trong những nhà xuất khẩu cá rô phi lớn nhất của Trung Quốc đang tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng cá tra. Nguồn: Undercurrentnews. K. Nguyên

Hainan Xiangtai Fishery, một trong những nhà xuất khẩu cá rô phi lớn nhất của Trung Quốc đang tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng cá tra để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa đang tăng cao.

Theo Liu Zidan, Phó Tổng giám đốc của Xiangtai, Trung Quốc tiêu thụ hơn 300.000 tấn cá tra nuôi hàng năm. Trong số cá tra tiêu thụ tại Trung Quốc, cá tra nhập khẩu đạt khoảng 250.000 tấn, chiếm 85% thị phần nội địa. Chỉ có khoảng 45.000 tấn cá tra được nuôi ở Trung Quốc, chiếm 15% thị trường. 

Trong đó, 25.000 tấn được sản xuất tại các khu vực thuộc Quảng Đông (Trạm Giang, Ngô Xuyên, Mậu Danh) và Hóa Châu, Hải Nam sản xuất 20.000 tấn, Bắc Hải và Tần Châu của Quảng Tây sản xuất khoảng 5.000 tấn.

Theo Undercurrentnews, sau khi gia nhập chuỗi cung ứng cá tra vào năm 2022, Xiangtai hiện đang tìm cách giành thị phần. 

Cụ thể, công ty đã xây dựng một trại sản xuất giống cá tra và 11 dây chuyền chế biến với công suất chế biến hàng ngày là 150 tấn. 

Ngoài ra, công ty còn hợp tác với các công ty ở Quảng Đông như Evergreen và khuyến khích các nhà sản xuất ở miền Nam chuyển từ cá rô phi sang cá tra.

Trong 2023, Xiangtai sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu cá tra đầu tiên ở Hải Nam, nhằm thiết lập một hệ thống nhân giống cá tra trong nước. 

Hải Nam có điều kiện phù hợp để nuôi cá tra, với nguồn nước dồi dào, chất lượng nước tốt và nhiệt độ tương đối cao. Ngoài ra, Hải Nam có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm, từ cá nhỏ 500-600g hoặc cá lớn 900-1.100g, tất cả đều có thể đáp ứng nhu cầu của ngành dịch vụ thực phẩm.

Về chế biến, Xiangtai có 11 dây chuyền sản xuất chuyên vận chuyển, chế biến và ướp cá sống, giúp rút ngắn đáng kể quy trình sản xuất, Liu cho biết.

Công ty cũng có một trung tâm R&D thực phẩm chế biến sẵn rộng 2.000 mét vuông để phát triển các dịch vụ và đa dạng hóa danh mục sản phẩm theo kênh tiêu dùng khác nhau. Được biết, Xiangtai đã phát triển các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng như cá nướng cay và "Ciba Basa".

Trong khi đó, Trung Quốc đang nổi lên là một thị trường tiêu thụ lượng khổng lồ cá tra của Việt Nam. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ vị trí thứ ba, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam.

7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất là tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. 

Chỉ tính riêng quý I/2023, xuất khẩu cá tra của cả nước mang về 422 triệu USD, đáng chú ý, sau khi giảm sâu trong tháng 1/2023, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã tăng 26% trong tháng 2/2023, phần nào cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc.

Còn trong năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc cũng ghi nhận sự đột phá. Sản lượng nhập khẩu cá tra phi lê từ Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 của Trung Quốc đã tăng mạnh 109% về sản lượng và 147% về giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù Trung Quốc đang tăng tốc nuôi cá tra nhưng theo dự báo của các chuyên gia Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thời gian tới, cá tra Việt Nam vẫn chiếm ưu thế ở thị trường Trung Quốc bởi các nhà sản xuất cá tra Trung Quốc không thể cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường cá tra thế giới do khoảng cách lớn ở mọi khâu trong chuỗi cung ứng: từ sản xuất con giống, nuôi cá tra thương phẩm đến tiêu chuẩn hóa.

K. Nguyên Dân Việt