Trung Quốc trở thành “phao cứu tinh” cho các doanh nghiệp cá tra
Điểm sáng trong năm 2017 là thị trường Trung Quốc, do sản lượng nuôi trồng của nước này trên đà giảm từ năm 2015 đến nay, nên từ thị trường xuất khẩu, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn của ngành cá tra Việt Nam.
Thị trường thuận lợi hơn
Năm 2016 được đánh giá năm con cá tra Việt Nam “bơi trong khủng hoảng” khi gặp phải rào cản khắt khe hơn từ thị trường lớn nhất là Mỹ, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt từ cá rô phi Trung Quốc và các sản phẩm của các nước khác như cá thịt trắng Alaska Pollack, cá Cod…
Đặc biệt là “cú sốc” Brexit đã ảnh hưởng nặng nề đến các DN xuất khẩu cá tra, khi giá bánh dầu đậu nành (thức ăn chăn nuôi) đang liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2016, đột ngột đảo chiều giảm mạnh từ 450 USD/tấn về 360 USD/tấn chỉ trong 1 tháng. Đến tháng 10/2016, giá bánh dầu chỉ còn 290 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 12.
Với những diễn biến trên, nhiều DN giảm nuôi trồng, nông dân bỏ ao, hoặc chuyển sang nuôi các loại cá khác.
Năm nay, Trung Quốc đã vượt EU trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh tới 89%, đạt 305 triệu USD.
Quý I/2017, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu thu mua của Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Theo đó, Trung Quốc chính thức vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, đạt 69,7 triệu USD, tăng mạnh 56,8% so với cùng kỳ 2016, chiếm tỷ trọng 19% toàn ngành. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ và EU lao dốc, lần lượt giảm 24,3% và 21,5% so với cùng kỳ 2016.
Trong khi đó, ước tính, lượng cá thu hoạch năm 2017 trong dân và DN còn chưa đến 800.000 tấn, giảm tới 50%. Việc nuôi mới đầu vụ vẫn còn chậm do nông dân đã cạn vốn vì thua lỗ trong năm qua.
Điều này có nghĩa, ít nhất cho đến hết năm 2017, thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa để xuất khẩu cá tra, nhưng nguồn cung lại thiếu hụt nên giá cá tra sẽ tiếp tục tăng.
Thực tế cho thấy, giá cá tra nguyên liệu trong quý đầu năm nay đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Như vậy, với những DN có tồn kho thành phẩm lớn; chủ động được vùng nuôi lớn mới là DN hưởng lợi, ngược lại, các DN khác đành “tiếc nuối” khi không có sản phẩm để bán.
HVG, VHC sẽ khác từ quý II?
Ở 2 DN đầu ngành, sở hữu vùng nuôi lớn, với CTCP Hùng Vương (HVG) là cả chuỗi khép kín, tự chủ gần như 100% vùng nguyên liệu, còn với CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) là 60% và chiến lược của VHC là tự chủ tối đa 65% nguyên liệu trong năm 2017, chỉ tiến đến 80% vào giữa năm 2018 thông qua việc đầu tư mở rộng vùng nuôi thêm 220 ha, 20% còn lại sẽ linh hoạt theo diễn biến thị trường.
Tuy vậy, kết quả kinh doanh quý I/2017 của 2 DN này đều cách rất xa so với kế hoạch năm đề ra, gây không ít lo ngại cho cổ đông. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ HVG quý I âm gần 41 tỷ đồng, trong khi kế hoạch năm là lãi 400 tỷ đồng; VHC ghi nhận 97 tỷ đồng lợi nhuận, chỉ bằng 1/6 so với kế hoạch 600 tỷ đồng của năm nay.
Mặc dù vậy, HVG và VHC đều tự tin và kỳ vọng tăng trưởng cao ở các quý còn lại trong năm.
HVG cho biết, theo chu kỳ thị trường, thường từ quý II trở đi nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng mạnh hơn. Đến thời điểm hiện tại, giá xuất khẩu cá tra đã tăng 10-15% so với các đơn hàng của Công ty đã ký trong quý I. Dự đoán được điều này, HVG đã chủ động “găm” hàng nhằm “để dành” cho các quý sau, khi mức giá tăng cao hơn.
Hiện HVG còn tồn kho hơn 30.000 tấn Fillet thành phẩm. Theo đó, HVG tin tưởng sẽ gặt hái được thành công và ghi nhận kết quả tốt trong các quý còn lại của năm.
Nhận định về diễn biến thị trường cá tra trong năm 2017, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VHC cho rằng, các quý còn lại của năm 2017, nguồn cung sẽ tiếp tục khan hiếm và giá cá tra nguyên liệu sẽ ở mức cao.
Chính vì vậy, lợi nhuận khó có thể tăng đột biến như năm ngoái, nên VHC không đặt kế hoạch tăng biên lợi nhuận, thay vào đó sẽ bảo vệ mức lợi nhuận tuyệt đối đã đề ra.
Để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận, VHC sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường tại châu Á, châu Mỹ, EU. Đáng chú ý, VHC sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc thêm 60% so với năm 2016. Trong năm này, Trung Quốc từ vị trí thứ 7 đã lên vị trí thứ 3 (sau Mỹ, EU) trong thị phần xuất khẩu của VHC.
Đầu tháng 4 vừa qua, VHC đã đến thăm và làm việc với Công ty Zhejiang Ocean Family, một trong những công ty thủy sản lớn của Trung Quốc, nhằm thống nhất hợp tác kinh doanh thương mại sản phẩm cá tra qua đường chính ngạch.
Muốn phát triển bền vững một ngành hàng xuất khẩu thì cơ cấu thị trường rất quan trọng. Đành rằng, thị trường Trung Quốc tăng trưởng nhanh đã trở thành “phao cứu tinh” cho các DN xuất khẩu cá tra nói chung hay HVG và VHC nói riêng khi các thị trường lớn đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, không ít cảnh báo đã được đưa ra rằng, các DN cần cẩn trọng và đa dạng hóa thị trường, bởi thị trường Trung Quốc chủ yếu nhập hàng thô, tức DN VIệt Nam chủ yếu làm gia công, còn phần giá trị gia tăng thì không đạt được.
Theo VASEP, các DN cá tra Việt cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao, cung cấp vào nhà hàng, khách sạn, thay vì chạy theo sản lượng. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu ồ ạt cá tra vào thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch dẫn đến giá không ổn định, thiếu nguyên liệu cá tra nội địa và gian lận thương mại.