TIN THỦY SẢN

Trường Đại học Cần Thơ phát triển kỹ thuật nuôi tôm

Cho tôm ăn bổ sung bí đỏ, thay thế một phần thức ăn công nghiệp ở Trường Đại học Cần Thơ Sáu Nghệ

Mới đây, Trường Đại học Cần Thơ làm việc với đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức-GIZ về kết quả hợp tác giữa hai bên thời gian qua và bàn hướng tăng cường trong thời gian tới tập trung nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự hợp tác đã phát triển kỹ thuật nuôi tôm ở Trường Đại học Cần Thơ.

Thông qua các dự án hợp tác với GIZ, đặc biệt về mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn (RAS) và tôm – lúa triển khai tại Trường Đại học Cần Thơ và các địa phương đã cho nhiều kết quả tốt. Trước triên, có sản phẩm sáng tạo trong đào tạo sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh; có các bài báo khoa học xuất bản trong và ngoài nước; thêm nhiều mô hình trình diễn kiểu mẫu tập huấn kỹ thuật cho cán bộ, nông dân, doanh nghiệp làm cơ sở nhân rộng vào thực tế sản xuất.  

Với sự đồng hành của GIZ, Trường Đại học Cần Thơ mở các khóa tập huấn “Người nuôi tôm chuyên nghiệp” do Tổ chức CSIRO (Úc) tài trợ, vừa triển khai giai đoạn 2023-2026 với tên “Kích hoạt đổi mới sáng tạo cho lộ trình tác động phát triển bao trùm và bền vững”. Ngày 21-23/5/2024, khóa tập huấn đầu tiên tổ chức cho 32 cán bộ kỹ thuật, nông dân, thành viên hợp tác xã và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, tại Trường Đại học Cần Thơ. Trong 3 ngày, các học viên được giới thiệu 12 chuyên đề cùng tham quan, trải nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ cao và phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ. Bên cạnh nội dung của chương trình được thiết lập trước đây, chương trình lần này cập nhật nhiều thông tin, kết quả mới và bổ sung các chuyên đề thời sự. 

Trước đây, trong 2 năm 2022-2023, Trường Đại học Cần Thơ đã mở các khóa tập huấn “Người nuôi tôm chuyên nghiệp” vì sự đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững ngành tôm, cũng do Tổ chức CSIRO tài trợ. Các khóa tập huấn trước đây trong khuôn khổ dự án “Xây dựng tổ nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi thủy sản ĐBSCL”. Khóa tập huấn tổ chức ngày 12-14/9/2023 và ngày 29-31/12/2023, tích hợp nhiều vấn đề mới và quan trọng trong bối cảnh hiện nay nhằm góp phần trang bị kỹ năng toàn diện cho người nuôi tôm. Mỗi khóa thảo luận 10 chuyên đề từ  nguyên lý và kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, an toàn và bền vững đến năng lượng xanh trong nuôi thủy sản. Bên cạnh lý thuyết, học viên tham quan các phòng thí nghiệm chuyên sâu thủy sản và các trại thực nghiệm, mô hình nuôi tôm công nghệ cao – đặc biệt là hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh theo công nghệ tuần hoàn CTU-RAS tại Trường Đại học Cần Thơ, cũng như tham quan học tập các mô hình nuôi tôm tại các địa phương.  

Công nghệ tuần hoàn CTU-RAS (nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài) của Trường Đại học Cần Thơ được nghiên cứu phát triển tại trại thực nghiệm ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã đăng ký Sở hữu trí tuệ. Mô hình này triển khai 1 ha trong 1,5 năm với 5 đợt nuôi tôm, hệ thống tuần hoàn gồm 8 ao nuôi và 8 ao xử lý, mật độ nuôi 300-350 con/m2, tỷ lệ sống trên 85% mỗi vụ, năng suất 35-55 tấn/ha/vụ. Các điểm tiên tiến của mô hình này là lần đầu tiên được ứng dụng cho nuôi tôm thương phẩm, gồm: Hệ thống nuôi tuần hoàn kín, có hệ thống lọc sinh học gồm đa loài thủy sản, kết hợp lọc sinh học bằng giá thể chuyển động; Cho tôm ăn bổ sung bí đỏ, thay thế một phần thức ăn công nghiệp. 

Ứng dụng công nghệ Bioflocs trong sản xuất giống và nâng cao chất lượng giống tôm thẻ chân trắng. Ảnh: dttc.sggp.org.vn

Qua đó, môi trường nước rất ổn định; giảm sử dụng chế phẩm vi sinh, khoáng, hóa chất vào nước; hạn chế sử dụng nước; tái sử dụng nước hoàn toàn, hạn chế thải chất thải. Vi sinh tự nhiên, an toàn sinh học; giúp giảm FCR, tăng cường mùi vị, màu sắc, chất lượng tôm tự nhiên. Không bổ sung khoáng, chế phẩm vào  thức ăn; không dùng thuốc kháng sinh, sản phẩm sạch, an toàn. Việc sử dụng bí đỏ cho tôm ăn còn góp phần quan trọng cho phát triển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Trường Đại học Cần Thơ còn nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ Bioflocs trong sản xuất giống và nâng cao chất lượng giống tôm thẻ chân trắng” đạt kết quả tốt, đã phổ biến cho các trại sản xuất giống, hợp tác xã nuôi tôm và các hộ nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang. Công nghệ này được nghiên cứu và phát triển trong 5 năm, từ nhiều đề tài khác nhau là công nghệ mới, có nhiều ưu việt trong sản xuất giống và ương nuôi tôm biển, đặc biệt không sử dụng kháng sinh, tăng cường an toàn sinh học và thức ăn tự nhiên cho tôm. Công nghệ đã được áp dụng sản xuất giống chất lượng cao tại Trường Đại học Cần Thơ, phục vụ sản xuất. 

Về mô hình tôm – lúa ở ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện dự án “Đổi mới sáng tạo Tôm Mekong - MAIC” do CSIRO tài trợ, đã giúp HTX Trí Lực ở huyện Thới Bình (Cà Mau) đạt được chứng nhận ASC. Mô hình tôm lúa này mở ra những vấn đề kỹ thuật để phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vượt qua các thách thức, trong đó nhấn mạnh nội dung đổi mới sáng tạo. Kết quả đã được giới thiệu với doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. 

Sáu Nghệ