TT- Huế: Khắc phục khó khăn về nguồn nước để thả nuôi tôm vụ mới
Thời điểm này năm ngoái, các ao hồ vùng đầm phá Tam giang trên đại bàn Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, người dân đã thả nuôi tôm sú được chừng 1,5-2 tháng. Tuy nhiên, năm nay do nguồn nước nhiều ao hồ bị nhiễm ngọt, thậm chí nước ngoài lạch biển độ mặn vẫn rất thấp, do đó tình hình nuôi trồng thủy sản nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến nay, khi độ mặn nguồn nước lấy từ kênh rạch ven biển Thuận An đã tăng dần, nhiều hộ dân tranh thủ thời tiết nắng ấm, tăng cường đầu tư hệ thống ống dẫn, lấy nước trực tiếp từ vùng ven biển, với độ mặn thích hợp để tiến hành thả nuôi vụ tôm sú đầu năm.
Khi được hỏi, ông Trần Dương, người có hơn 4ha nuôi trồng thủy sản với 3 ao nuôi, cho biết: “Những năm trước, thường cận tết nếu có tôm giống tốt, tôi thả liền. Tuy nhiên, năm nay do tình hình nguồn nước có độ mặn rất thấp, cho nên vụ nuôi hơi muộn. Vừa qua, mặc dù đã tiến hành cải tạo lại ao hồ trong năm, nhưng đến nay, thời tiết và nguồn nước mới có độ mặn thích hợp, nên bên cạnh bỏ ra 20 triệu đồng để mua khoảng 60 vạn tôm phốt để ươm, gia đình tôi phải đầu tư thêm hệ thống ống dẫn hơn 500m để lấy nguồn nước từ biển vào cho đảm bảo hơn. Sau khi ươm, khoảng chừng 25-30 ngày sẽ tiến hành bung tôm. Chưa biết liệu có khả quan hay không”.
Hệ thống dẫn nước từ ven biển vào ao đầm thị trấn Thuận An (TT-Huế)
Với 3 ao nuôi với hình thức quảng canh cải tiến, bằng phương pháp nuôi xen ghép, năm ngoái mặc dù thời tiết không thuận lợi, hơn nữa gặp phải sự cố môi trường ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành khi thu hoạch. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch trừ mọi chi phí , gia đình tôi lãi gần 100 triệu đồng. Cũng tạm ổn lo cho cuộc sống gia đình. Ông Bình chia sẽ thêm.
Tình hình nuôi trồng thủy sản ngày càng gặp khó khăn bởi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Do đó, bên cạnh vấn đề đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng trong nuôi tôm cùng với đó nâng cao kỹ thuật, nghiệp vụ chăm sóc tôm nuôi và ý thức chống ô nhiễm môi trường là rất quan trọng trong việc đem lại thành công trong nuôi trồng thủy sản.
Hơn thế, yếu tố con giống cũng cần phải được quan tâm hơn. Để nuôi tôm hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, rà soát hỗ trợ người dân xây dưng nhiều hệ thống kênh mương dẫn nước, cũng như nghiên cứu tạo tạo ra nhiều giống thủy sản phù hợp thích nghi với môi trường khí hậu ngày càng khắc nghiệt hiện nay.