Từ tháng 11/2013, phạt nặng việc dùng điện khai thác thủy sản
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được điều chỉnh trong Nghị định 103/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền để làm rõ thêm những điểm mới của Nghị định 103/2013/NĐ-CP.
PV: Nghị định 103/2013/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định 31/2010/NĐ-CP, ông có thể cho biết những căn cứ để ban hành những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản?
Ông Nguyễn Huy Điền: Trước tiên, cần nói lại về Nghị định 31/2010/NĐ-CP đã quy định khá toàn diện và tập trung việc xử lý hầu hết các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Tuy nhiên, trước những đòi hỏi và phát sinh từ thực tiễn, cùng với việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung những văn bản hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Luật Thủy sản thì Nghị định 31/2010/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần được khắc phục, vì có sự lạc hậu, chồng chéo với các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới hoạt động thủy sản được ban hành sau.
Mức độ cụ thể hóa của hành vi tại Nghị định cũng chưa cao. Có một số hành vi đã được văn bản quy phạm pháp luật mới về thủy sản quy định nhưng chưa được cụ thể hóa thành chế tài xử phạt trong Nghị định.
Ngoài ra, Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có nhiều nội dung mới, tác động trực tiếp tới hoạt động xử phạt vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản nói riêng mà Nghị định 31/2010/NĐ-CP chưa có quy định.
Đồng thời, Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư có những quy định mới liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thủy sản.
PV: Vậy có thể hiểu, Nghị định 103/2013/NĐ-CP đã khắc phục được các điểm bất cập nêu trên?
Ông Nguyễn Huy Điền: Nghị định số 103/2013/NĐ-CP được ban hành vẫn tiếp tục thể hiện sự nhất quán trong chính sách xử lý vi phạm hành chính, đó là nguyên tắc chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh đối với mọi hành vi vi phạm hành chính, khắc phục triệt để mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải đình chỉ ngay. Việc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, triệt để.
Các quy định trong Nghị định về cơ bản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và ý thức pháp luật của nông dân, ngư dân trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Nghị định cũng tiếp tục sử dụng các quy định đã chứng minh được tính hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, xử lý các vấn đề chồng chéo giữa các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:
Các nội dung quy định trong Nghị định đã bám sát thực tế hoạt động thuỷ sản; giải quyết được những bất cập, hạn chế của Nghị định 31/2010/NĐ-CP và những vấn đề thực sự bức xúc, nổi cộm trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thuỷ sản; chẳng hạn, quy định đầy đủ các hành vi cấm trong Luật Thủy sản, bổ sung một số hành vi vi phạm xảy ra trên thực tế nhưng chưa có chế tài xử phạt; cụ thể hóa các hành vi vi phạm để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng;
Đáng chú ý, Nghị định không quy định chồng chéo, lặp lại các hành vi đã được dẫn chiếu sang các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác có liên quan đến hoạt động thủy sản.
PV: Ông có thể cho biết những hành vi cụ thể nào đã được điều chỉnh mức phạt?
Ông Nguyễn Huy Điền: Điểm mới cần lưu ý là việc tăng mức phạt tiền đối với các hành vi cấm liên quan đến quy định về khai thác bất hợp pháp; hành vi liên quan đến tàu cá nước ngoài khai thác trái phép tại vùng biển Việt Nam; hành vi đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác trái phép tại vùng biển của quốc gia khác; hành vi vi phạm quy định về giấy phép khai thác thủy sản, vi phạm các điều cấm trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đồng thời, những hành vi nêu trên cũng bị tăng hình thức phạt bổ sung.
Tuy nhiên, để vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo việc ngư dân có thể tiếp tục tham gia hoạt động khai thác thủy sản, thì một số hành vi cấm về khai thác thủy sản, về quản lý tàu cá (đặc biệt là những hành vi của thuyền viên đi khai thác trên biển) có mức phạt tiền giảm so với quy định trước đây. Đồng thời, giảm hình phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm của ngư dân đi khai thác thủy sản trên biển.
Một số hành vi không nghiêm trọng cũng được quy định mức phạt phù hợp với mức phạt theo thẩm quyền của Thanh tra viên, Kiểm ngư viên đang thi hành công vụ.
Việc tịch thu tàu cá chỉ áp dụng trong một số hành vi cấm, hành vi của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản tại Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, chỉ các hành vi phát sinh hậu quả thì mới có biện pháp khắc phục hậu quả.
Như vậy, phạm vi điều chỉnh Nghị định 103/2013/NĐ-CP là các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản, quản lý tàu cá, cơ sở dịch vụ hoạt động thủy sản và một số hành vi về nuôi trồng thủy sản (quy hoạch, giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản...); thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản.
PV: Sử dụng điện tràn lan trong khai thác thủy sản từ trước đến nay đã được cảnh báo là sẽ gây nguy cơ hủy diệt nguồn thủy sản. Đây cũng là vấn đề được người dân quan tâm, Nghị định 103/2013/NĐ-CP sẽ có điều chỉnh gì đối với những hành vi này không, thưa ông?
Điểm đáng chú ý trong Nghị định 103/2013/NĐ-CP là vấn đề xử phạt vi phạm quy định về sử dụng điện. Theo quy định tại Điều 15, hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản có mức xử phạt tối đa là 30 triệu đồng thay cho mức xử phạt tối đa tại Nghị định 31/2010/NĐ-CP là 20 triệu đồng.
Đồng thời, Nghị định còn bổ sung mức xử phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản (phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng). Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản.
Ngoài ra, các điều 14, 16, 17 quy định rất cụ thể về các hành vi sử dụng công cụ khai thác bị cấm; sử dụng biện pháp khai thác khác mang tính hủy diệt nguồn lợi như vật liệu nổ, chất độc, thực vật có độc tố…
Các cá nhân, tổ chức nếu có các hành vi vi phạm nêu trên ngoài việc bị xử phạt tiền; thì còn bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung như tịch thu phương tiện, công cụ, vật liệu, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác… tùy theo mức độ, tính chất và hành vi vi phạm; đồng thời nếu hành vi vi phạm gây ra hậu quả thì buộc phải khắc phục hậu quả.
Đây là các quy định giúp cho cơ quan chức năng trong việc thực thi có hiệu quả công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 2/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc trong khai thác thủy sản.
PV: Vậy những hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định 103/2013/NĐ-CP có hiệu lực nhưng sau đó mới bị phát hiện thì giải quyết thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Điền: Đây là một nội dung cũng cần được lưu ý khi triển khai Nghị định.
Theo đó, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định tại Nghị định này có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính được áp dụng đối với hành vi xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết.
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 31/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để giải quyết.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.