Ứng dụng men bánh mì vào nuôi trồng thủy sản
Các nhà nghiên cứu khuyến nghị phân loại men làm bánh như một loại probiotic giúp thúc đẩy tăng trưởng cho cá rô phi và nuôi luân trùng.
Men bánh mì không những tác động đến hình thái ruột cá...
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí nuôi trồng thủy sản gần đây đã chỉ ra rằng việc bổ sung Saccharomyces cerevisiae - có trong men bánh mì - vào chế độ ăn của cá rô phi có thể thay đổi hình thái đường ruột của cá, giúp cải thiện khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, phản ứng miễn dịch và hiệu suất tăng trưởng.
Các nhà nghiên cứu Đại học Nông Nghiệp Bangladesh đã tiến hành thử nghiệm trên giống cá rô phi có trọng lượng trung bình ban đầu là 7,55 g, thí nghiệm được bố trí trong vòng 60 ngày, cá rô phi được cho ăn bổ sung S.cerevisiae ở các khẩu phần ăn khác nhau: 1g/kg thức ăn thủy sản (TA), 2g/kg TA và 4g/ kg TA.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ số chuyển đổi thức ăn của nhóm cá được cho ăn bổ sung 4g đã giảm, về tỷ lệ tăng trọng và tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn so với các nhóm khác.
Saccharomyces cerevisiae là một loại probiotic thân thiện với môi trường và giá cả phải chăng. Ảnh: Santized
Khi các nhà nghiên cứu tiến hành sinh thiết ruột của cá rô phi, họ phát hiện ra rằng việc sử dụng S.cerevisiae trong men bánh mì đã làm cho các nhung mao trở nên lớn hơn, ảnh hưởng đến kích thước và cấu trúc nhung mao trong ruột, việc này làm tăng đáng kể độ phẳng của nếp gấp niêm mạc và số lượng tế bào cốc. Sự hiện diện càng nhiều của các tế bào cốc và các nếp gấp niêm mạc có nghĩa là cá có thêm nhiều hàng rào phòng thủ vật lý và hóa học hơn để bảo vệ chúng khỏi bị nhiễm trùng.
Có thể thấy men bánh mì khi được bổ sung vào khẩu phần ăn cho cá đã mạng lại một hiệu quả như một probiotic - khi làm tăng tổng diện tích bề mặt của nhung mao, nâng cao khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu của ruột và cuối cùng, nâng cao hiệu suất tăng trưởng của cá rô phi.
....mà còn là nguồn thức ăn cho luân trùng
Ở Việt Nam có nhiều nghiên cứu ứng dụng men bánh mì vào nuôi luân trùng Brachionus angularis, Brachionus plicatilis bởi giá thành của men bánh mì rẻ hơn rất nhiều so với các nguồn thức ăn khác.
Việc sử dụng men bánh mì như nguồn thức ăn cho luân trùng (Brachionus plicatilis) đã được Dương Thị Hoàng Oanh cùng cộng sự công bố trên tạp chí Thủy sản, Đại học Cần Thơ năm 2006. Trong nghiên cứu này, tác giả thực hiện một so sánh giữa thức ăn nhân tạo sản xuất bằng “Culture Selco” - Culture selco High (Selco®); Culture selco 3000 (Selco 3000®). Ưu điểm của kỹ thuật này là sử dụng thức ăn nhân tạo được chế tạo công nghiệp cho năng suất luân trùng rất cao, tuy nhiên chi phí khá đắt, chưa thích hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam.
Sử dụng men bánh mì như nguồn thức ăn cho luân trùng giúp tăng năng suất thu hoạch cao. Ảnh: raznoeproraznosti.blogspot
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng luân trùng được cho ăn bằng men bánh mì có sức tăng trưởng tương đương với luân trùng nuôi bằng Selco 3000®. Luân trùng được cho ăn bằng men bánh mì có bổ sung 3-5% tảo Chlorella cho năng suất thu hoạch cao và ổn định tương đương với luân trùng được nuôi bằng Selco®.
Kết luận
Chi phi đầu tư vào thức ăn cho cá rô phi có thể chiếm gần 70% tổng chi phí sản xuất. Việc tìm ra cách để giảm chi tiêu này mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá là rất quan trọng. Probiotic trong chế độ ăn đã được coi là một giải pháp tiềm năng, cho phép cải thiện tăng trưởng, tăng sản lượng và chi phí đầu tư thấp. Dựa vào các kết quả thí nghiệm, các nhà nghiên cứu kết luận của Đại học Nông Nghiệp Bangladesh cho rằng men làm bánh nên được phân loại là một loại lợi khuẩn thiết yếu.
Các thử nghiệm trên các loài cá khác đã chỉ ra rằng S.cerevisiae có trong men bánh mì là một loại probiotic thân thiện với môi trường, có khả năng nâng cao năng suất và hiệu suất tăng trưởng, đặc biệt là kích thích phát triển các nhung mao trong đường ruột. Ngoài ra, S.cerevisiae cải thiện phản ứng miễn dịch và có thể ngăn ngừa các bệnh trong ao như Streptococcus iniae.
Nguồn: Megan Howell. The benefits of bakers’ yeast extend beyond growth promotion, The Fish Site, Articles, 22/12/2021.