TIN THỦY SẢN

Ủy ban Châu Âu chuẩn bị thanh tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của thủy sản Việt Nam

Sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào EU còn nhiều khó khăn. Hình minh họa

Từ ngày 20- 29.6.2017, Ủy ban Châu Âu (EU) sẽ thanh tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Để chuẩn bị tiếp đón, làm việc với Đoàn thanh tra EU, Bộ NNPTNT đang rốt ráo yêu cầu các đơn vị và các DN có ý kiến để báo cáo đoàn thanh tra, chuẩn bị điều kiện để hàng thủy sản có thể xuất sang EU, đặc biệt là các DN có lô hàng XK bị trả lại.
Theo đó, tất cả các khâu liên quan đến ATTP trong nuôi thủy sản đều được thanh tra, từ cấp phép cho lưu hành thức ăn thủy sản, thuốc thú y, sản phẩm phục vụ nuôi thủy sản, sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi…, tới việc đảm bảo ATTP trong quá trình chế biến ở các nhà máy.

Theo Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), để xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường một số quốc gia thành viên của EU, các doanh nghiệp thủy sản phải đáp ứng một số yêu cầu riêng của các quốc gia này, ngoài việc tuân thủ các quy định, luật lệ chung của EU. Các yêu cầu riêng của mỗi quốc gia thường khắt khe hơn so với yêu cầu chung của EU. Các sản phẩm thủy sản phải trải qua quá trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý về an toàn vệ sinh và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, yêu cầu của người tiêu dùng trong khối EU ngày một cao. Vì vậy, việc tiếp cận thị trường EU không dễ dàng đối với các doanh nghiệp thủy sản. Thực tế, một số lô hàng xuất khẩu sang EU đã bị cảnh báo về các vấn đề hàm lượng kháng sinh, thậm chí, một số lô hàng đã bị trả về.

Trước tình hình đó, NAFIQAD đã đề xuất Bộ NNPTNT xem xét ban hành quyết định ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản sản xuất từ các cơ sở có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo hóa chất, kháng sinh. Việc cấp chứng thư sẽ được thực hiện trở lại khi doanh nghiệp có báo cáo điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục được thẩm tra phù hợp.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản – Nafiqad (Bộ NNPTNT), để các lô hàng thủy sản có thể xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp cũng phải chủ động trong việc tự kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu.

Riêng về cá tra, theo Hiệp hội thủy sản An Giang, từ cuối năm 2016, tại EU, nhiều nước đã loại bỏ con cá tra khỏi quầy kệ hệ thống siêu thị nên doanh số xuất khẩu ba tháng đầu năm nay ở khu vực này đã giảm sút nghiêm trọng. Năm 2016, doanh số xuất khẩu cá tra vào EU đã sụt giảm mạnh, ba tháng đầu năm 2017, cá tra vào EU chỉ còn duy trì được ở Đức, còn thị trường trọng điểm là Tây Ban Nha đã mất.

Báo Lao Động