TIN THỦY SẢN

Vai trò hợp tác trong nông dân

Nuôi tôm cần phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cộng đồng Văn Hòa

Năm 2011, 2012 tình hình nuôi tôm ở Sóc Trăng gặp khó khăn, dịch bệnh bùng phát mạnh thì HTX nuôi thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu lại thành công trong vụ nuôi 2012 và ngay trong vụ nuôi năm nay. Ở HTX nông ngư Hòa Lời, xã Ngọc Đông, Tổ hợp tác tôm – lúa Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cũng thành công tương tự.

Các Tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ nông dân đã phát huy tinh thần tập thể, cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, đồng bộ trong ứng dụng kỹ thuật, đảm bảo lịch thời vụ, bảo vệ môi trường và các biện pháp an toàn trong sản xuất. Ai cũng biết trong nuôi tôm ý thức cộng đồng rất quan trọng, ở đâu ý thức cộng đồng tốt thì môi trường vùng nuôi ở đó ít xảy ra dịch bệnh. Trong khó khăn của nghề nuôi tôm, bà con đã thấy được vai trò liên kết nông dân thông qua loại hình tổ hợp tác, HTX, hay câu lạc bộ là rất quan trọng. Ông Tăng Văn Tuối - Chủ nhiệm HTX nuôi thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu cho biết: “Trong nuôi tôm cần phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cộng đồng, trong năm 2012 chúng tôi đã nhận ra điều này và đã thành công. Đến năm 2013 này, chúng tôi đã tổ chức kết hợp lại 10 tổ hợp tác, nâng cao sự thống nhất trong cộng đồng, cộng thêm sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, vì vậy theo đánh giá mủa vụ nuôi năm 2013 hiệu quả sẽ rất cao”. Ông Ngô Văn Công - Chủ  nhiệm HTX nông ngư Hòa Lời, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “HTX chúng tôi tổ chức họp định kỳ hàng tháng, đồng loạt thực hiện kỹ khâu làm đất cải tạo ao nuôi, đồng loạt thả giống, đồng thời thống nhất trong cách chăm sóc, có như vậy mới mong đạt được thành công”.

Ở Vĩnh Châu, các HTX tôm - muối - arrtemia Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, Lai Hòa và HTX artemia Vĩnh Châu đã tạo ra sự liên kết giữa Ban chủ nhiệm HTX với xã viên từ khâu tổ chức sản xuất, hỗ trợ tiến bộ kỹ thuật đến tiêu thụ sản phẩm, nên lợi ích kinh tế mang lại cho xã viên rất cao, bà con  càng an tâm đầu tư sản xuất, khai thác triệt để tiềm năng đất đai ở vùng ngập mặn ven biển này.

Đối với mô hình sản xuất, chăn nuôi gia đình hay kinh tế trang trại lại rất cần sự liên kết trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. Tình trạng nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm sẽ tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây bất lợi cho nông dân. Mô hình liên kết ở HTX chăn nuôi Mỹ Xuyên không ngừng lớn mạnh nhờ có cách làm phù hợp khi thị trường đầu ra còn nhiều bấp bênh. Ông Nguyễn Thành Nhanh - HTX chăn nuôi Mỹ Xuyên nói như sau: “Trong HTX đã thống nhất với nhau sẽ tránh được tình trạng bị thương lái kỳ kèo ép giá, thành viên trong HTX đều được bình đẳng về sản lượng xuất bán không phải tự đi tìm thương lái với các mức giá khác nhau, gây đến việc cạnh tranh không lành mạnh”.

Một thực tế của 104 hợp tác xã và 2.368 tổ hợp tác trong tỉnh, đặc biệt là HTX nông nghiệp, vẫn còn dừng lại ở khâu tổ chức, chuyển giao kỹ thuật, quy mô dịch vụ còn hạn hẹp, vốn điều lệ thấp, cơ chế vốn chưa thỏa mãn yêu cầu phát triển của loại hình này. Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương củng cố và thảo luận các giải pháp để các loại hình hợp tác có hướng đi mở rộng, tạo ra lợi ích kinh tế cao, nhằm tăng thu nhập cho xã viên, thành viên. Ông Hoàng Văn Hưng - Chủ tịch Liên minh các HTX tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trong thời gian vừa qua, Nhà nước rất quan tâm đến việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Tuy vậy hoạt động của các mô hình này trong tỉnh vẫn còn khá hạn chế do gặp khó khăn về nhiều mặt, lớn nhất vẫn là việc tiếp cận với nguồn quỹ vốn, từ đó cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như sự phát triển của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh rất nhiều”.

Mục tiêu liên kết sản xuất thông qua loại hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã là phát huy tinh thần tập thể của nông dân, để đẩy mạnh khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất hàng hóa tập trung, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, đúng với giá trị nông dân làm ra.

Văn Hòa PT-TH Sóc Trăng