TIN THỦY SẢN

Vẫn chưa công bố chính thức nguyên nhân cá chết trên sông La Ngà

Người nuôi cá trên sông La Ngà bất lực nhìn đàn cá chết. Ảnh: Zing.vn Hoàng Đan

Cục Bảo vệ môi trường miền Nam (trực thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT) cũng đã xuống hiện trường khảo sát tìm nguyên nhân. Mẫu nước đã được gửi đi xét nghiệm, và theo cơ quan chức năng thì đến hôm nay, 30-5, có thể công bố nguyên nhân.

Thế là đã 10 ngày kể từ khi những người nuôi cá trên sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) bất lực nhìn những đàn cá chết. Tối 20 và rạng sáng 21/5, người dân nuôi cá lồng bè dọc sông La Ngà hốt hoảng khi thấy những đàn cá chép, cá lăng, điêu hồng… sắp đến ngày thu hoạch bỗng dưng chết trắng. Cá chết khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, hy vọng thu nhập để trang trải cũng mất đi. Và dòng nước trên sông La Ngà cũng ô nhiễm bởi có tới 1.500 tấn cá bị chết.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, có 322 bè cá trên sông La Ngà của 80 hộ dân bị thiệt hại với tổng cộng hơn 1.500 tấn. Trong đó, 37 hộ nuôi thuộc xã La Ngà thiệt hại 700 tấn và 43 hộ nuôi ở xã Phú Ngọc thiệt hại trên 800 tấn. Sự thiệt hại quá lớn.

Về xác đinh nguyên nhân, theo báo cáo nhanh của Sở NNPTNT Đồng Nai, kết quả kiểm tra tại chỗ mẫu nước tại hiện trường cho thấy nhiều chỉ tiêu về môi trường vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong khi hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn khuyến cáo. Nhận định ban đầu được đưa  ra là cá chết do có sự biến đổi bất lợi về môi trường.

Trước tình trạng lượng lớn cá nuôi trên sông chết bất thường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai, Chi cục Thủy sản tỉnh này cũng đã nhanh chóng vào cuộc. Những ngày qua, lượng cá chết khổng lồ kia gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực bến La Ngà ngập trong mùi hôi thối.

Người nuôi cá phải thuê nhân công ra sức vớt cá chết lên bờ bán cho người dân mang về ủ phân. Người nuôi cá cho biết, cá chết đang trong quá trình phân hủy nên họ bán với giá từ 2.000-6.000 đồng mỗi kg để ủ phân, trong khi nếu cá sống, giá mỗi loại dao động từ 20.000-75.000 đồng/kg. Có hộ nuôi cá chỉ trong 1 đêm đã mất đi cả tỷ đồng. Nhìn cảnh người dân chất cá chết lên những chiếc xe tải mang đi tiêu hủy, không ai không xót lòng.

Cho đến ngày 24/5, Cục Bảo vệ môi trường miền Nam (trực thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT) cũng đã xuống hiện trường khảo sát tìm nguyên nhân. Mẫu nước đã được gửi đi xét nghiệm, và theo cơ quan chức năng thì đến hôm nay, 30-5, có thể công bố nguyên nhân.

Trước đó, cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai cho rằng cá chết hàng loạt có thể do môi trường nước thay đổi đột ngột khi mưa nhiều. Tuy nhiên, người nuôi cá lại cho rằng cá chết là do doanh nghiệp gần sông La Ngà xả thải, trong đó có Công ty cổ phần mía đường La Ngà và Công ty TNHH AB Mauri VN. 

Việc xác định nguyên nhân khiến cá chết đồng loạt  trong thời gian ngắn với số lượng cực lớn là điều rất cần thiết. Để quy trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường, cũng như phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật khi làm ô nhiễm môi trường. Người nuôi cá ở đây rất mong cơ quan chức năng sớm có kết luận, kết luận chính xác.

Việc 1.500 tấn cá nuôi lồng bè trên sông La Ngà chết lần này đáng tiếc không phải là lần đầu. Vào ngày 15-4-2011, cũng đã xảy ra một vụ cá chết trên khúc sông này, ảnh hưởng tới 70 hộ người dân nuôi cá, trong đó có 50 hộ gần như chết sạch đàn cá. Lúc ấy, nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ sự cố nước rỉ mật của Công ty Mía đường La Ngà tràn ra sông. Lãnh đạo Công ty này cho biết đó là sự cố ngoài ý muốn.

Lui lại 4 năm,  các hộ dân trong làng cá bè cho biết vào các ngày 18/1 và ngày 15/3/2007, hàng chục tấn cá của họ cũng đã bị chết do ô nhiễm. Tiếp đến, ngày 5/3 và ngày 1/4/2008 đã có 236 tấn cá chết do ô nhiễm nguồn nước. Lúc này, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho rằng các công ty gây ô nhiễm là Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường La Ngà. Tuy nhiên, mức bồi thường, hỗ trợ của hai công ty này rất thấp so với thiệt hại của dân.

Như vậy, các đợt cá chết trước đó đều có nguyên nhân từ 2 công ty trên. Lần này, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ. Người dân rất mong mỏi điều đó, vì không chỉ phải được đền bù thiệt hại mà còn có thể chấm dứt cảnh gây ô nhiễm khiến đàn cá nuôi bị chết. Không thể để lặp đi lặp lại tình cảnh ấy; cũng không thể chỉ gây hại rồi đền bù là xong.

Cái chính là trong quá trình hoạt động làm lợi cho mình thì phải bảo đảm sinh kế của những người khác và phải có trách nhiệm với môi trường. Khi dòng sông bị ô nhiễm, không thể nói chỉ một khúc sông bị đầu độc mà còn nhiều hơn thế vì dòng nước cuốn chất độc hại đi rất xa, ngấm vào đất và đáy sông. Di hại của nó không phải chỉ là một sự cố cá chết, mà còn rất lâu dài và rất rộng.

Cũng chưa vội kết luận nước sông La Ngà ô nhiễm do hai công ty kể trên gây ra, điều đáng bàn ở đây là họ đã từng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm và đã từng phải đến bù. Vậy thì hoạt động xả thải của các công ty ấy phải được giám sát chặt chẽ, chứ không thể đợi khi cá nuôi của người dân bị chết hàng loạt mới mang mẫu nước đi xét nghiệm.

Sinh kế lâu dài và ổn định của người dân mới quan trọng, chứ không phải chỉ là chuyện đền bù thiệt hại. Và nếu như không xác định được nguyên nhân cá chết từ việc xả thải, thì ai sẽ đứng ra chia sẻ thua thiệt của người nuôi cá? Chẳng lẽ, người nuôi cá không có tội tình gì mà phải gánh cả chục tỷ đồng do cá chết?

Chuyện con cá cũng là chuyện con người- đó là sinh kế và cuộc sống của biết bao con người. Và cũng là chuyện của các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ môi trường; của chính quyền địa phương phải hành động đủ trách nhiệm trước khi sự cố xảy ra.   

Hoàng Đan Báo Đại Đoàn Kết