Vẫn còn nhiều diện tích nuôi tôm thiếu điện
Các chuyên gia Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ ước tính, năng lượng chiếm khoảng 10% chi phí đầu tư cho vụ nuôi tôm, từ khoảng 50-200 triệu đồng tiền điện ha/vụ, có khoảng 10-30% diện tích nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh bị thiếu điện.
Diễn đàn tôm Việt 2018 với chủ đề Giải pháp giảm giá thành trong nuôi tôm nước lợ, tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng điện trong nuôi tôm; các giải pháp kỹ thuật, thị trường để có được giá thành tốt, nâng cao giá trị. Vấn đề sử dụng điện thế nào để giảm giá thành trong nuôi tôm nước lợ được các đại biểu đặc biệt quan tâm, với nhiều đóng góp có ích cho người nuôi.
TS Võ Nam Sơn, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Năm 2017, tổng diện tích nuôi thủy sản của 10 tỉnh phía Nam (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận) đạt hơn 428.495ha, phải sử dụng khoảng 11.980 triệu kWh điện. Diện tích quy hoạch nuôi tôm đến năm 2020 của 10 tỉnh trên là 651.266ha, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 30% so với năm 2017.
Nhóm nghiên cứu của TS Sơn cũng đưa ra đánh giá hiệu quả của các mô hình tiết kiệm năng lượng trong nuôi tôm, đánh giá nhu cầu sử dụng năng lượng trong nuôi tôm. Từ đó, có ba hình thức sử dụng nguồn điện trong nuôi tôm là điện sản xuất 1 pha và 3 pha, điện sinh hoạt 1 pha. Chi phí điện trong nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) lót bạt chiếm hơn 7%, TCT trong ao đất là 6,28% và tôm sú thâm canh là 7%. Sử dụng điện 3 pha cho hiệu quả tài chính cao hơn điện 1 pha.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay trang thiết bị sử dụng điện của người nuôi chưa đồng bộ, hiệu suất tiết kiệm năng lượng và tính an toàn chưa cao do động cơ điện 1 pha có công suất nhỏ, sục khí theo cảm quan và tốc độ chạy máy là không thay đổi dễ dẫn đến tình trạng lãng phí điện khi nồng độ oxy đã đạt mức yêu cầu.
Ngoài ra, người nuôi vẫn còn gặp khó khăn về điện áp biến động và điện 3 pha chưa ổn định; người nuôi tôm chưa có kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả đặc biệt là điện 3 pha.
TS Sơn cho rằng: Phương án tối ưu sử dụng điện trong nuôi tôm là đồng bộ các trang thiết bị và kỹ thuật vận hành máy móc trong nuôi tôm, giảm tối đa việc sử dụng động cơ diesel bằng việc thay thế máy phát điện dự phòng và các trang thiết bị tự động, tiết kiệm và an toàn điện khác. Ngoài ra, cần hình thành kế hoạch sử dụng điện trong việc cung cấp oxy cho ao nuôi một cách khoa học (tránh trường hợp sục khí theo cảm quan).
Nông dân Tăng Văn Xúa, Hợp tác xã tôm Hòa Mỹ (Sóc Trăng) nêu ý kiến: Điện trong nuôi tôm chiếm vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, ngành chức năng cần nghiên cứu đưa điện về vùng sâu vùng xa, nông dân cần chuẩn bị máy phát điện để sẵn sàng cho các rủi ro.
Theo đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất, cần phát triển lưới điện 3 pha ổn định phục vụ sản xuất, kết hợp với việc tập huấn cho nông dân sử dụng các trang thiết bị điện một cách an toàn và hợp lý. Bên cạnh đó, tập huấn cho nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn thực hiện tiết kiệm điện. Các địa phương cần quy hoạch các vùng nuôi tôm thâm canh tập trung từng cụm để có thể xây dựng được cơ sở hạ tầng một cách hoàn thiện.
Trong khi đó, nhiều nông dân cho rằng cần hợp tác nghiên cứu các hệ thống cung cấp oxy (sục khí đáy và quạt nước) với hiệu suất sử dụng năng lượng điện cao nhất, phù hợp với thực tế sản xuất. Xây dựng các phương án cho các hộ nuôi từng bước thay thế động cơ dầu diesel bằng động cơ điện với máy phát điện dự phòng để tiết kiệm chi phí.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Phương Duy, WWF Việt Nam cũng đưa ra các mô hình hiệu quả tiết kiệm điện, như sử dụng máy sục khí AireO2 kết hợp với máy đo DO vận hành; thay thế con lăn cho gối đỡ chữ U. Các mô hình này tiết kiệm năng lượng từ 7.56-17%, mô hình con lăn rất phù hợp cho các hộ dân nuôi quy mô nhỏ với chi phí thấp.