Vấn đề sống còn đối với ngành chế biến, XK tôm: Liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững
Các vụ tôm năm 2013 cơ bản được mùa, sản lượng tôm thu hoạch những tháng cuối năm khá lớn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu tôm nguyên liệu năm nay lại gay gắt hơn mọi năm, nhất là khi có sự cạnh tranh mua tôm nguyên liệu của thương lái Trung Quốc. Điều này đặt ra vấn đề cần giải quyết đối với ngành tôm là cần xem lại cách làm ăn của doanh nghiệp (DN) và mối liên kết giữa DN với nông dân.
Cạnh tranh mua tôm
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2013, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ vẫn còn xảy ra nhưng về cơ bản vụ nuôi tôm năm nay được mùa. Hoạt động sản xuất tôm nước lợ những tháng cuối năm tiếp tục diễn biến khá thuận lợi với sản lượng thu hoạch lớn, giá bán tăng cao. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 10/2013, sản lượng tôm sú của Cà Mau đạt 92.260 tấn, tôm thẻ chân trắng 9.740 tấn; Bạc Liêu sản lượng tôm sú 45.547 tấn, tôm thẻ chân trắng 19.642 tấn; Kiên Giang sản lượng tôm sú 23.983 tấn, tôm thẻ chân trắng 8.578 tấn; Sóc Trăng sản lượng tôm sú 17.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 41.000 tấn...
Năm nay lại xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt trong thu mua tôm nguyên liệu ngay trên các vùng trọng điểm nuôi tôm vùng ĐBSCL, nhất là từ khi xuất hiện thương lái thu mua tôm tươi xuất sang Trung Quốc. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thời gian gần đây, thương lái thu mua tôm xuất sang Trung Quốc hoạt động ráo riết hơn bằng cách nâng giá thu mua cao hơn 20 - 25% so với các DN trong nước, họ thu mua cả tôm cỡ nhỏ, trên 150 con/kg.
Bằng cách trên, thời gian qua, mỗi ngày có trên 100 tấn tôm tươi xuất sang Trung Quốc. Điều này dẫn đến hậu quả là các DN chế biến tôm xuất khẩu trong nước cạnh tranh không lại, thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu, nhất là vào thời điểm cuối năm. Nếu như trước đây, mỗi tháng DN có thể mua được 100 tấn tôm nguyên liệu thì nay cao lắm cũng chỉ được 20 tấn. Trước tình trạng “chảy máu” tôm nguyên liệu, VASEP đã có nhiều văn bản kiến nghị các giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh ĐBSCL, thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua tôm nguyên liệu trong dân với giá cao từ đầu năm 2013 thông qua thương lái địa phương. Việc cạnh tranh thu mua này làm cho các DN tôm trong nước thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khác, việc hợp tác xuất khẩu tôm nguyên liệu sang thị trường Trung Quốc ở một số DN tăng trưởng tốt và đến nay chưa phát hiện tranh chấp, trở ngại gì lớn trong hợp tác kinh doanh. Nhiều chuyên gia ngành thủy sản cũng nhận định, Trung Quốc là thị trường đầy tiềm năng, sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Năm 2014, Tổng cục Thủy sản cho rằng cần phải khắc phục hạn chế lớn nhất là kiểm soát được chất lượng nguồn tôm giống, hiện còn khoảng 50% có nguồn gốc trôi nổi. Bên cạnh đó là hạ nhiệt phong trào nuôi tôm ồ ạt, phá vỡ quy hoạch nhằm tránh cho con tôm bị mất giá.
Thiếu tôm nguyên liệu chế biến
Cà Mau hiện có 34 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu thuộc 31 DN với tổng công suất chế biến tới 190.000 tấn/năm nhưng công suất hoạt động của các nhà máy này chỉ đạt gần 40%. Tương tự, Bạc Liêu có 17 DN chế biến tôm, công suất chế biến 70.000 tấn thành phẩm/năm, tuy nhiên tổng sản lượng tôm nuôi hàng năm của tỉnh này chỉ khoảng 100.000 tấn/năm.
Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Cà Mau, thời gian qua, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu phát triển quá nhanh, vượt khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu nên trong điều kiện bình thường, vùng nguyên liệu chỉ đáp ứng được 40% công suất chế biến của các nhà máy. Đến khi dịch bệnh trên tôm bùng phát thì tình hình thiếu tôm nguyên liệu càng bi đát hơn. Hơn nữa, những năm trước Việt Nam nhập khẩu tôm thẻ chân trắng về chế biến xuất khẩu thì năm nay các thương nhân Trung Quốc lại đổ xô sang Việt Nam thu mua tôm.
Mặt khác, đây là thời điểm thu hoạch cuối của vụ nuôi thứ 2 trong năm, phần lớn các ao nuôi tôm đang trong giai đoạn ngắt vụ, một số hộ nuôi đang cải tạo ao đầm chuẩn bị thả nuôi vụ tôm thứ ba trong năm. Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, tình trạng thiếu tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu xảy ra đã nhiều năm chứ không phải chỉ năm nay. Tuy nhiên, thời điểm này, tình trạng thiếu nguyên liệu diễn ra gay gắt nhất do phần lớn diện tích tôm nuôi đã thu hoạch, một số hộ bắt đầu thả nuôi vụ mới, trong khi nhu cầu tôm chế biến xuất khẩu các dịp lễ, Tết cuối năm tăng cao.
Chính vì vậy mà không chỉ ở Cà Mau mà các tỉnh có diện tích nuôi tôm khác trong vùng ĐBSCL như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang… cũng đang xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng, giá tôm vì vậy cũng liên tục tăng cao. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, giá tôm năm nay tăng cao hơn 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, tôm sú loại 30 con/kg giá 230.000 - 240.000 đồng/kg, 40 con/kg giá 220.000 – 230.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg giá 170.000 đồng/kg, loại 100 con/kg giá 105.000 đồng/kg.
Tình trạng giá tôm cao, nguyên liệu thiếu đã khiến không ít các DN điêu đứng. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) là DN hàng đầu trong lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu nhưng mỗi ngày cũng chỉ thu mua được 100 tấn tôm nguyên liệu, đáp ứng được 50% công suất chế biến của các nhà máy. Chính vì vậy, lao động tại tập đoàn này phải xếp thành 2 ca/ngày để duy trì sản xuất.
Tại Trà Vinh, DN chế biến tôm xuất khẩu hàng đầu tỉnh này là Công ty cổ phần Thủy sản Cửu Long cũng đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Bang, Giám đốc DN này cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong thu mua tôm nguyên liệu. Mặc dù công ty đã đẩy giá thu mua cao hơn 50% so với năm ngoái nhưng vẫn không thu mua đủ lượng tôm cần thiết. Nếu như thời điểm này năm ngoái công ty mua được 30-50 tấn tôm nguyên liệu mỗi ngày thì nay chỉ mua được không quá 10 tấn tôm/ngày.
Vấn đề liên kết sản xuất
Trước tình hình thiếu tôm nguyên liệu sản xuất và các DN trong nước phải cạnh trạnh với các thương lái thu mua tôm Trung Quốc tại chính vùng nguyên liệu, vấn đề liên kết giữa DN và nông dân một lần nữa lại được đặt ra.
Theo TS.Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Việt Nam đã xác định được nhiều ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực nhưng đến nay chưa có ngành hàng nào xây dựng được chuỗi liên kết hoàn chỉnh. Đây là điểm yếu để các DN nước ngoài khai thác và gây khó cho ngành sản xuất trong nước thời gian qua. Đối với trường hợp thương lái Trung Quốc thu mua tôm là một ví dụ cụ thể. Các thương lái này nắm rõ thông tin mùa vụ địa phương, đến tận vùng nuôi thu mua với giá hợp lý, hàng không bị phân nhiều loại, phương thức thanh toán nhanh gọn nên được nông dân lựa chọn để bán tôm.
Tuy nhiên, thực trạng này cũng chưa đủ để các DN trong nước nhìn nhận lại cách làm ăn của mình để từ đó bắt tay hợp tác với nông dân, cùng chia sẻ lợi nhuận, hình thành mối liên kết trong sản xuất, chế biến xuất khẩu tôm. Thay vào đó, các DN này lại “kêu la” thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Lâu nay, các DN trong nước làm ăn manh mún, thể hiện rõ nhất là không có hợp đồng thu mua nguyên liệu với nông dân ngay từ đầu vụ. Do đó, đến khi thu hoạch nếu tôm nhiều thì DN ép giá nông dân, ngược lại khi thị trường có nhu cầu, nông dân bán tôm cho thương lái mua tôm giá cao là điều tất yếu.
Vì vậy, vấn đề sống còn đối với ngành chế biến, xuất khẩu tôm chính là đẩy mạnh liên kết DN với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm đạt trên 2 tỷ USD, ước 10 tháng đạt 2,4 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến xuất khẩu tôm năm 2013 đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 27% so với năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng khoảng 48,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm và và tăng 95% trong 10 tháng đầu năm, đạt 1,18 tỷ USD.