Vẫn xảy ra tình trạng tôm chết
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cho phép tiếp tục nhập giống, thả giống tôm biển nuôi với mọi hình thức trên địa bàn huyện Bình Đại kể từ ngày 1-6-2012 và huyện Ba Tri kể từ ngày 15-6-2012. Thực tế nhiều hộ dân chưa “mạnh tay” thả tôm giống, bởi vẫn còn xảy ra tình trạng tôm chết.
Ảnh minh họa (TEPBAC.COM)
Trung tuần tháng 6-2012, tôi có mặt tại “điểm nóng” tôm chết ở Bình Đại và Ba Tri. Ông Lê Bá Tú - cán bộ phụ trách nông nghiệp và môi trường của xã Thạnh Trị (Bình Đại) cho biết, qua 1 tháng tạm ngưng thả tôm giống theo tinh thần Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, tôm chết vẫn xảy ra. Từ 11 đến 14-6-2012, trên địa bàn xã vẫn còn 6 hộ báo tôm nuôi bị chết. Tôm nuôi được 1 tháng tuổi trở lên mới bắt đầu thiệt hại. Cá biệt có hộ tôm nuôi được 2 tháng rưỡi vẫn bị chết. Tính đến ngày 13-6-2012, toàn xã Thạnh Trị đã thả nuôi 140,14ha, trong đó có 92,62ha bị thiệt hại. Nếu tình trạng tôm nuôi bị chết cứ diễn ra như hiện nay thì đến khi thu hoạch số ao nuôi còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các hộ nuôi nằm trong vùng quy hoạch lẫn vùng ngọt hóa đều bị thiệt hại. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 25-5-2012, 13 xã thuộc huyện Bình Đại đã thả nuôi 537,9ha, trong đó diện tích tôm nuôi bị chết chiếm 49,5%. Đến ngày 13-6-2012, lũy kế diện tích thả nuôi tăng lên 1.281,19ha, trong đó có 653,11ha tôm bị chết.
Ở xã Tân Xuân (Ba Tri), tôm nuôi bị chết cũng không kém. Ngày 13-6-2012, hộ ông Lê Văn Lô và Trần Thế Dũng, tôm nuôi được 60 ngày tuổi bị chết, với diện tích 1,5ha nhưng vẫn chưa được Phòng NN-PTNT huyện xem xét và hỗ trợ chlorine để xử lý ao nuôi. Ông Trần Văn Nở - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết, các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch đã thả nuôi 87ha nhưng chỉ còn khoảng 2ha tôm nuôi chưa bị chết. Không chỉ riêng xã Tân Xuân mà nhiều xã của huyện Ba Tri, tôm biển nuôi cũng bị chết trên diện rộng. Cao điểm, có hôm hộ dân báo 30 ao (trung bình 3 công/ao) tôm nuôi bị chết. Toàn huyện Ba Tri đã thả tôm giống nuôi được 1.200ha, trong đó có 320ha bị thiệt hại.
Thông tin từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, đến ngày 14-6-2012, toàn tỉnh đã thả giống tôm biển nuôi thâm canh và bán thâm canh là 3.638ha, trong đó đã có 1.046,9ha bị thiệt hại. Tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng (WSSV), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô dưới vỏ (IHHNV) và một số trường hợp không xác định được bệnh. Đa số hộ dân và cơ sở nuôi chưa thực hiện đúng quy trình cải tạo ao nuôi, xử lý nước ao nuôi, nên các độc chất tồn lưu trong ao chưa được xử lý triệt để. Tỉnh đã được Bộ NN-PTNT và Cục Thú y hỗ trợ 2 đợt hóa chất chlorine (60 tấn) dự trữ quốc gia để dùng trong phòng, chống dịch bệnh trên tôm biển. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên diện rộng, UBND tỉnh đã chi ngân sách mua 70 tấn chlorine để cô lập dịch bệnh thủy sản. Đến ngày 14-6-2012, tổng lượng chlorine là 130 tấn đã sử dụng hết cho 923 hộ nuôi tôm với diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh là 344,41ha, chiếm 34% tổng diện tích thiệt hại.
Mặc dù đã sử dụng hết một lượng lớn hóa chất chlorine để dập dịch nhưng dịch bệnh vẫn còn xảy ra rải rác. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện tăng cường tập huấn kỹ thuật quản lý môi trường ao nuôi và các giải pháp hạn chế dịch bệnh trong thời gian chờ cấp thêm chlorine hỗ trợ cho người dân; tiếp tục kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời dịch bệnh thủy sản tại các địa phương để hạn chế dịch bệnh lây lan; phối hợp với UBND huyện, các xã tăng cường kiểm tra các cơ sở nuôi thủy sản sau khi xử lý tiêu hủy mầm bệnh; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm lịch thời vụ, xả thải mầm bệnh ra kênh rạch tự nhiên.