VASEP kiến nghị Chính phủ không tăng lương tối thiểu 2017
Ngày 11/8/2016, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 123/2016/CV-VASEP tới Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét không tăng lương tối thiểu năm 2017, đồng thời cho phép giãn thời gian tăng lương tối thiểu vùng (LTT) lên 2-3 năm một lần và điều chỉnh lại mức đóng các khoản bảo hiểm phù hợp nhất cho người lao động.
VASEP cho rằng, mức tăng LTT hiện đang cao hơn nhiều so với chỉ số tiêu dùng (CPI), điều đó cho thấy đã đến thời điểm xem xét ngừng tăng LTT để bù lại cho DN và chính người lao động, giúp ổn định phát triển sản xuất và cải thiện năng lực cạnh tranh. Hiện nay, các DN chế biến thủy sản đã và đang trả lương cho người lao động luôn cao hơn lương tối thiểu từ 50-70%. Thực tế LTT là lương nền cho việc đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí công đoàn nên tăng LTT hàng năm chỉ làm tăng thêm phần nộp vào quỹ bảo hiểm và quỹ kinh phí công đoàn trong khi DN không thể lấy khoản nào để bù cho việc tăng các khoản nộp khấu trừ vào lương do tăng LTT hàng năm trong khi năng suất lao động không tăng…
Tăng lương tối thiểu đang vượt xa tăng CPI
Chỉ số CPI là một tiêu chí quan trọng để làm căn cứ tăng LTT. Tiêu chí này trong các đợt xét tăng LTT trước đây thường được dự kiến cao hơn trong thực tế, cụ thể là năm 2014 dự kiến tăng CPI là 7% thì thực tế chỉ là 4%, năm 2015 dự kiến là 5% thì thực tế chỉ là 0,63%, và mức LTT 2016 đã tăng là 12,4%. Như vậy, chỉ trong 2 năm mức dự kiến làm căn cứ tăng LTT đã chênh lệch 7% so với thực tế. Trong Quý I/2016, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chỉ số CPI tháng 3/2016 chỉ tăng 0,57% so với tháng 2/2016 và cả Quý I/2016 chỉ tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang lấy mức CPI năm 2016 làm cơ sở để tính tăng lương cơ bản trong năm 2017 dự kiến tới 5%. Việc chỉ số CPI lấy làm cơ sở để tăng LTT trong hai năm 2014 – 2015 đã vượt 7% so với thực tế trong khi CPI năm 2016 có xu hướng thấp, không biến động lớn (mức tăng chỉ như năm 2015, khoảng 1 – 2% so với năm 2015) cho thấy đã đến thời điểm xem xét ngừng tăng LTT để bù lại cho DN và cho chính người lao động, giúp ổn định-phát triển sản xuất và cải thiện năng lực cạnh tranh.
Thêm vào đó, LTT vùng là mức lương quy định để các DN không được trả lương cho người lao động dưới mức này. Tuy nhiên, mức lương này cũng phải dựa vào năng suất lao động là chính. Kể từ ngày 1/10/2006 đến 1/1/2016, mức lương tối thiểu áp dụng cho các DN ngoài Nhà nước tăng từ 350.000 đồng lên 2.925.000 đồng (mức bình quân của 4 vùng, tăng hơn 8,3 lần, trung bình tăng 15%/năm). Trong khi đó năng suất lao động từ năm 2006 đến 2015 tăng bình quân chỉ là 3,9%/năm (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 26/12/2015).
Tăng lương tối thiểu - Tăng “gánh nặng” quỹ bảo hiểm, quỹ công đoàn
Các DN chế biến thủy sản đã và đang trả lương cho người lao động luôn cao hơn lương tối thiểu từ 50-70%. Thực tế, LTT là lương nền cho việc đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn. Một lao động ở công đoạn giản đơn làm đủ 26 ngày công được tính tiền công khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, trong đó đã bao gồm cả các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn là 34,5% tính trên LTT sau khi khấu trừ còn lại sẽ là lương thực nhận. Do đó xét ở một khía cạnh thu nhập, khi tăng LTT thì thu nhập thực tế theo lương năng suất của người lao động lại giảm do các khoản khấu trừ phải nộp tăng lên.
Thực sự tăng LTT hàng năm chỉ làm tăng thêm phần nộp vào quỹ bảo hiểm và quỹ kinh phí Công đoàn trong khi DN không thể lấy khoản nào để bù cho việc tăng các khoản nộp khấu trừ vào lương do tăng LTT hàng năm trong khi năng suất lao động không tăng. Chưa kể, theo quy định, các khoản phụ cấp đặc thù bằng 12% tính trên lương tối thiểu (5% nặng nhọc độc hại và 7% tay nghề ) các Doanh nghiệp thủy sản cũng phải trả tăng lên tương ứng khi tăng lương tối thiểu, đây thực sự là một gánh nặng chi phí, làm giảm khả năng cạnh tranh của Doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.
Các DN thủy sản đang lo ngại khi các Hiệp định thương mại có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội hơn thì sự cạnh tranh của thủy sản Việt Nam sẽ ra sao khi giá nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn, cũng như mức tiền công đang nhiều hơn
các nước trong khu vực. Tại các DN chế biến thủy sản ở xung quang thủ đô Bangkok, Thái Lan, công nhân được trả lương 220 – 250 USD/tháng (tương đương 4.884.000 - 5.550.000 đồng) và nằm ngoài Bangkok là 180 – 200 USD/tháng (3.996.000 - 4.440.000 VNĐ). Tại Ấn Độ, lương công nhân chế biến thủy sản 60-70 Rupee/người/tháng (tương đương 2.200.000 VNĐ/tháng).
Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2015, Tổ chức này cũng tỏ rõ sự quan ngại về vấn đề LTT và những ảnh hưởng không nhỏ của nó tới nền kinh tế, mức LTT tại Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, vượt tăng trưởng năng suất lao động. Trên thực tế, kể từ năm 2006, mức LTT đã tăng hơn gấp đôi, trong khi tăng trưởng năng suất lao động thì khá chậm chạp, không tương xứng. Một trong số những điểm gợi ý về chính sách được chuyên gia WB đề cập là việc tăng lương tối thiểu sẽ đạt hiệu quả tối đa nếu được quyết định dựa trên các yếu tố thực tế về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Do đó, VASEP đề nghị Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành xem xét tình hình kinh doanh khó khăn trong thực tế hiện nay, xem xét không tăng LTT năm 2017, đồng thời cho phép giãn thời gian tăng LTT lên 2-3 năm một lần và điều chỉnh lại mức đóng các khoản bảo hiểm phù hợp nhất cho người lao động cho đến khi kinh tế phát triển tốt hơn, DN khỏe mạnh hơn sẽ xem xét tăng các khoản an sinh xã hội để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người lao động và người sử dụng lao động.