TIN THỦY SẢN

Về U Minh nhớ bác Ba Phi

Rắn hổ trong rừng U Minh. Ảnh: Minh Kỳ. Võ Đắc Danh

Còn nhớ câu chuyện Chiếc tàu rùa của bác Ba Phi kể rằng, mùa hạn năm ấy, bác chèo chiếc ghe chày đến đậu ven bờ kinh, giữa cánh đồng năn ở bìa rừng U Minh, bác lên phía trên gió, cách chiếc ghe chừng cây số, rồi châm lửa đốt đồng.

Hàng vạn con rùa kéo nhau chạy xuống dưới gió tránh lửa. Bác trở lại chiếc ghe, bắc tấm ván làm cầu nối từ trên bờ xuống ghe. Đàn rùa lũ lượt bò qua chiếc cầu ván, chúng vừa bò vừa dụi mắt vì cay khói. Bác cứ việc ngồi cạnh chiếc cầu ván, con rùa nào lớn thì cho bò xuống ghe, con nào nhỏ thì hất xuống nước. Cứ thế, chừng hơn tiếng đồng hồ thì đầy một chiếc ghe rùa, con nào con nấy từ hai ký trở lên, bác rút cầu ván, cho ghe lui ra rồi chèo về, hàng vạn con rùa không theo kịp, nằm sắp lớp trên bờ, đưa tay vẫy vẫy. Nhưng lạ thay, chiếc ghe chày chở rùa đầy khẳm mà bác chèo đi ào ào, nhanh hơn tàu thủy. Bác nhìn quanh chiếc ghe thì hóa ra, những con rùa bị hất xuống nước lúc nãy, một tay chúng bám vào be ghe, còn lại một tay và hai chân chúng bơi, chiếc ghe đi ào ào, sóng cuộn hai bên bờ sông, những chiếc xuồng đi qua bị sóng đánh chòng chành làm cho người ta hốt hoảng la lên: “Tóp máy! Tóp máy!”, bác Ba cũng hốt hoảng thanh minh: “Bà con thông cảm, không phải máy mà là tàu rùa, không tóp được!”.

Câu chuyện của bác Ba Phi cứ ám ảnh chúng tôi trong những ngày về rừng U Minh thực hiện bộ phim tài liệu. Bởi làm phim tài liệu về rừng U Minh thì không thể thiếu hình ảnh con rùa, con trăn, con nai, con cá lóc... những sản vật đã một thời làm nên huyền thoại U Minh qua những câu chuyện trào lộng của bác Ba Phi. Tôi gọi điện trao đổi với một người bạn chuyên làm kỹ xảo điện ảnh, anh ta nói “chỉ cần thả một con rùa cho nó bò trên tấm vải xanh rồi quay nhiều khung hình, nhiều góc máy khác nhau, khi làm hậu kỳ, anh muốn rừng U Minh có bao nhiêu con rùa cũng được”.

Tôi nhờ một người quen ở U Minh mua giùm con rùa khoảng một ký lô, anh gọi điện lòng vòng một hồi rồi nói: “Vô phương rồi anh ơi, rùa vàng bây giờ sáu trăm ngàn một ký nhưng muốn mua không phải dễ”. Chiều hôm sau ra Cà Mau ngồi nhậu với thằng em ở đài truyền hình, nghe tôi kể chuyện rùa, nó nói: “Em có mối quen, để mai em mua cho anh một con, nhưng cỡ một ký thì khó”. Sáng hôm sau, nó mang đến cho tôi con rùa nửa ký lô. Nhưng khi vô rừng, do bất cẩn, đang quay một số bối cảnh khác, khi trở lại thì con rùa bò mất, chỉ còn chiếc giỏ đệm trống không.

Lại nhớ câu chuyện Thịt lưỡi nai của bác Ba Phi, rằng năm ấy, một buổi sáng cuối năm, một người hàng xóm tình cờ qua nhà bác Ba, thấy bác đang lui cui nấu một nồi thịt gì rất lạ, miếng nào miếng nấy nhọn nhọn giống nhau, hỏi ra mới biết đó là thịt lưỡi nai. Nhưng lưỡi nai ở đâu mà bác nấu cả một nồi lớn như vậy. Bác Ba giải thích rằng, đám ruộng ven bìa rừng U Minh của bác mấy năm gần đây năm nào đến mùa lúa trổ đòng đòng cũng bị bầy nai ăn sạch. Tức quá, bác bèn nghĩ ra cách cắt lưỡi bầy nai. Bác đốn mấy bó trúc về, chẻ ra từng lát mỏng, hai cạnh bén ngót như lưỡi dao. Khi lúa sắp trổ đòng, bác cắm dưới mỗi gốc lúa một lát trúc. Đêm ấy đàn nai hàng trăm con về ăn lúa, chúng thò lưỡi ra, cuộn tròn bụi lúa đưa vào miệng, khi chúng vuốt tròn bụi lúa thì bị lát trúc cắt đứt lưỡi, sáng ra, bác lượm hàng trăm cái lưỡi nai. Từ đó, đàn nai không dám ra đồng ăn lúa nữa.

Nghe nói Vườn quốc gia U Minh hạ bây giờ đã có nai xuất hiện. Chúng tôi mừng thầm trong bụng với niềm hy vọng sẽ quay được vài hình ảnh con nai. Nhưng các anh quản lý ở đây nói rằng khó có thể quay phim, vì thỉnh thoảng đi tuần tra mới thấy bóng dáng con nai xuất hiện vào ban đêm. Hôm vào khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, thấy có hai con nai nhốt trong chuồng, nhưng hỏi ra thì được biết rằng, hai chú nai này được mua từ miền Đông Nam bộ. Chúng tôi nhờ các anh thả ra rừng để thực hiện vài cảnh quay, nhưng các anh từ chối vì sợ thả ra nó sẽ chạy mất.

Lại nhớ những câu chuyện về cá đồng của bác Ba Phi, rằng nhà bác Ba có bầy heo con chuẩn bị xuất chuồng, hôm ấy có mấy người khách đến mua, nhưng cả heo mẹ lẫn heo con đều biến mất, bác đi tìm khắp vườn không thấy, cứ tưởng chúng bị cọp ăn. Ai dè cuối cùng bắt gặp chúng trốn trong cái sọ đầu con cá trê mà bác để úp cạnh gốc xoài phía sau nhà.

Một hôm nọ, có thằng cháu ngoài chợ Cà Mau vô chơi, nó theo bác ra vườn móc dừa khô, bác căn dặn: “Móc dừa phải cẩn thận, đừng để dừa rớt xuống ao, cá lóc ăn hết”. Thằng cháu không tin, đến khi một trái dừa khô rớt xuống ao cái bủm, con cá lóc nổi đầu lên táp cái bụp, nó nhai cái két, vỏ dừa rớt ra trôi lêu bêu trên mặt nước. Bác Ba nói cá lóc ở đây toàn ăn dừa khô rụng, nên khi bắt lên nấu cháo, nó béo sẵn, khỏi cần vắt nước cốt dừa, còn cá rô thì toàn ăn xoài rụng, nên khi bắt lên nấu chua, thịt nó đã chua sẵn khỏi cần me hay cơm mẻ.

Chúng tôi tổ chức bối cảnh quay đặt lọp bắt cá đồng trong rừng U Minh. Nếu là U Minh xưa thì không cần dàn dựng, chỉ cần chọn một luồng cá để đặt cái lọp xuống, sáng hôm sau giở lên thì trong lọp có năm bảy ký cá là chuyện bình thường. Nhưng hôm ấy phải hẹn với một người lái cá đồng mất hai ngày mới mua được vài ba ký cá lóc, cá rô. Theo kinh nghiệm nghề nghiệp, khi bỏ cá vào lọp, phải đặt xuống nước vài ba tiếng đồng hồ thì khi giở lọp lên, con cá mới giật mình mà nhảy rộ, bởi cá không rộ thì nhiều người sẽ phát hiện ra mình làm cảnh giả. Nhưng trớ trêu thay, hôm ấy chúng tôi “ngâm” cái lọp gần bốn tiếng đồng hồ, đến khi giở lên thì chẳng những không có con cá nào giãy giụa mà trong đó, có một số con đã chết. Bóp đầu bóp trán mới hiểu ra rằng, đó là những con cá nuôi trong môi trường nước ngọt, khi đổi qua vùng nước phèn đột ngột thì chúng bị dại đi, có con không sống nổi.

Hầu như, chúng tôi đi thực hiện bối cảnh nào ở rừng U Minh cũng đều liên quan đến câu chuyện của bác Ba Phi. Đi quay cảnh gác kèo ong thì nhớ chuyện bác nằm ngủ trưa trong rừng, một chân gác lên đầu gối, khi thức giấc thì nghe cái bắp đùi nằng nặng, hóa ra đàn ong nhè cái bắp đùi của bác mà làm tổ. Rồi chuyện con ếch ăn vịt xiêm, chuyện cá bổi trong ao vườn ăn trái cau rụng nên thịt nó chát ngấm... tất cả những câu chuyện trào lộng của bác, ai cũng biết rằng không có thật, nhưng ai cũng tin rằng bác dựa trên cái nền sản vật trù phú của đất U Minh.

Chúng tôi, những người thực hiện bộ phim tài liệu về U Minh, cuối cùng cũng đã nghiệm ra rằng, đứng trước một tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, nếu chúng tôi dùng kỹ xảo 3D để phục hiện một U Minh trù phú về sản vật thì trước hết, chúng tôi đã tự lừa dối chính mình.

Võ Đắc Danh Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 29/01/2014