Vi nhựa ảnh hưởng trực tiếp đến cá rô vàng như thế nào?
Một nghiên cứu gần đây từ Mỹ cho thấy cá rô vàng có thể loại bỏ vi nhựa khỏi hệ tiêu hóa của chúng, nhưng việc loại bỏ này sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật và sự phát triển của loài cá này.
Nghiên cứu được thực hiện bởi phòng thí nghiệm của Giáo sư Dong-Fang Deng tại Đại học Wisconsin Milwaukee của Hoa Kỳ, nhóm tiến hành đánh giá về việc tiêu hóa thức ăn bị nhiễm polyethylene (HDPE) ở nồng độ cao đối với cá rô vàng và việc tiêu hóa này sẽ tác động như thế nào đến cấu trúc ruột, thành phần gan của cá. Kết quả cho thấy mặc dù cá có thể loại bỏ các vi nhựa từ ruột nhưng việc này dẫn đến giảm các giá trị dinh dưỡng của chúng, thay đổi chức năng gan, ruột và thay đổi về hệ vi sinh vật trong ruột.
Đối với nghiên cứu này, cá rô vàng được cho ăn ba lần/ngày thức ăn có bổ sung hạt vi nhựa. Cụ thể, cá rô vàng mỗi lần ăn thức ăn có chứa 4,5 mg đến 36 mg HDPE trên 100g cá. Kích thước hạt của HDPE nằm trong khoảng từ 100 đến 125 micromet (μm), đây là kích thước phổ biến cho các thành phần được sử dụng trong thức ăn thủy sản, sau đó ghi nhận sự tiêu hóa các hạt vi nhựa đối với cá rô vàng trong suốt 9 tuần.
Kết quả cho thấy những con cá rô vàng này không chỉ sống sót sau 9 tuần tiếp xúc với hạt vi nhựa, mà chúng còn có khả năng loại bỏ các vi nhựa ra khỏi cơ thể của chúng. Tuy nhiên, quá trình này đã có những tác động tiêu cực đối với cá.
Tiếp xúc lâu dài với polyethylene (HDPE) mật độ cao làm thay đổi quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng của cá rô con.
Cụ thể như chất lượng dinh dưỡng của cá bị giảm, lượng protein và chất khoáng (tro) trong cơ thể thấp hơn so với cá được cho ăn chế độ ăn đối chứng không bổ sung HDPE. Ngoài ra, việc cá ăn thức ăn có chứa các hạt vi nhựa HDPE còn làm thay đổi chức năng gan của chúng, hàm lượng glycogen (đường) và axit mật tăng cao, nhưng mức độ lipid (chất béo) thấp hơn, tế bào gan to ra và tác động đến quá trình trao đổi chất, giải độc và tổng hợp chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nó cũng làm xáo trộn trong cấu trúc ruột và hệ vi sinh vật liên quan đến khả năng miễn dịch, tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu hóa các hạt vi nhựa như loại chất dẻo (nhựa) ở các cấp độ khác nhau và với kích thước, hình thức và hình dạng khác nhau có thể làm thay đổi kết quả. Ngoài ra, tập tính ăn khác nhau như động vật ăn thịt, động vật ăn cỏ, động vật ăn tạp hay động vật ăn thịt,… cũng có thể ảnh hưởng đến cách chúng tiêu hóa thức ăn nhiễm hạt vi nhựa; ví dụ như động vật ăn cỏ có ruột dài hơn và có thể cần nhiều thời gian hơn để làm sạch chúng.
Khi nhựa xâm nhập vào đại dương, hồ và suối, nó có thể phân hủy thành các hạt vi nhựa, các hạt nhựa này có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Mặt dù hiện nay có nhiều sự quan tâm về tác động của vi nhựa đối với môi trường, nhưng chúng ta vẫn biết rất ít về cách chúng ảnh hưởng đến cá nuôi; mặc dù sự phụ thuộc của chúng ta vào cá nuôi như một nguồn thực phẩm cần thiết và nhu cầu ngày càng tăng.
Cá rô vàng là loài cá được yêu thích của người dân sống ở các hồ lớn của Hoa Kỳ và là nguồn cung cấp cá tự nhiên bên cạnh nguồn cá nuôi. Trong thực tế, HDPE được sử dụng rộng rãi bởi sự tiện lợi mà nó mang lại, chúng là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất các sản phẩm như túi đựng hàng tạp hóa và dụng cụ đựng dung dịch tẩy rửa đến đồ chơi,... Kết quả là nhựa trở thành một trong những chất dẻo phổ biến và được tìm thấy trong cá đánh bắt tự nhiên, bên cạnh đó nó cũng được phát hiện trong bột cá, một thành phần chính trong thức ăn cho cá.
Nguồn: Lua, X. et al., (2022). Chronic exposure to high-density polyethylene microplastic through feeding alters the nutrient metabolism of juvenile yellow perch (Perca flavescens). Animal nutrition.