Vì sao nhiều doanh nghiệp thủy sản rơi vào nợ nần?
Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Cần Thơ cho biết: Có đến hơn nửa DN chế biến thủy hải sản ở ĐBSCL đang gặp khó khăn...
Mới đây, nhiều người liên quan đến Cty TNHH XNK Thủy sản Thiên Mã ở TP Cần Thơ và Cty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam ở tỉnh Hậu Giang bị bắt tạm giam, cho thấy bất ổn tài chính ở các DN thủy sản bùng phát từ năm 2012 chưa dừng lại.
Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Cần Thơ cho biết: Có đến hơn nửa DN chế biến thủy hải sản ở ĐBSCL đang gặp khó khăn. Nhiều DN trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ bên bờ vực thẳm, giám đốc DN và cán bộ một số chi nhánh ngân hàng thương mại bị bắt.
Nguyên nhân lớn nhất là gì?
Sử dụng nguồn vốn sai mục đích đầu tư và kém hiệu quả.
Quay trở lại chục năm về trước, lợi dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ về cho vay xuất khẩu lãi suất thấp, cộng với sự quản lý lỏng lẻo và tiếp tay một số cán bộ của ngân hàng thương mại nên một số lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản vay tiền để đầu tư sang bất động sản, kinh doanh vàng, thị trường chứng khoán và các lĩnh vực khác. Có một doanh nghiệp thủy sản vay vàng vào thời điểm đó chỉ 13 - 14 triệu đồng/lượng nhưng khi trả vàng là 32 triệu đồng/lượng, lỗ trên 100 tỷ đồng.
Trong nội ngành lại chiếm dụng vốn của nhau, như doanh nghiệp chế biến cá tra chiếm dụng vốn của người nuôi cá, khiến cả ngành đình đốn?
Cũng do đầu tư sai mục đích, rơi vào vòng xoáy nợ nần. Tôi nhớ vào thời điểm năm 2013 và 2014, một doanh nghiệp mua thiếu của 288 hộ dân gần 500 tỷ đồng với chiêu mua giá cao.
Giá cá tra trên thị trường 19.000 đồng/kg thì doanh nghiệp mua 22.000 đồng/kg và khi giá thị trường lên 22.000 đồng/kg thì doanh nghiệp nâng lên 26.000 đồng/kg và đỉnh điểm nâng lên 29.000 đồng/kg. Có một doanh nghiệp nuôi cá tra, bán thiếu đến 41 tỷ đồng mà không có hợp đồng “lận lưng”, chỉ có một cuốn sổ tay với chữ ký của người cân cá và nhận cá; cuối cùng không đòi được số nợ này.
Lại có một cán bộ thuế ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bán cá cho một doanh nghiệp Cần Thơ, bị nợ trên 3 tỷ đồng. Ông này vừa khóc vừa kể với tôi, ông có con gái đầu lòng thi đậu ngành y của Trường Đại học Y dược TP.HCM nhưng không còn tiền cho con đi xe khách lên nhập học.
Ông có thể phân tích tài chính một doanh nghiệp, như Cty TNHH XNK Thủy sản Thiên Mã vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt một số lãnh đạo?
Tính đến ngày 30/7/2016, tổng số nợ ngân hàng của Cty Thiên Mã gần 1.000 tỷ đồng. Gồm nợ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng 680 tỷ đồng, trong đó riêng nợ lãi gần 390 tỷ đồng. Nợ 98 nhà cung cấp vật tư khoảng 95 tỷ đồng. Nợ 28 hộ bán cá khoảng 16 tỷ đồng.
Nợ 6 hộ dân nuôi cá khoảng 6,5 tỷ đồng. Nợ thuế 14 tỷ đồng. Các loại nợ khác như điện, nước, lương, bảo hiểm… cũng nhiều tỷ đồng.
Có thể thấy, doanh nghiệp này sản xuất tạo ra lợi nhuận trả lãi ngân hàng đã rất khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp lập thêm một doanh nghiệp mới và lập hồ sơ khống để vay đáo hạn.
Ông Phan Bá Tòng, chủ Cty TNHH XNK Thủy sản Thiên Mã với chiếc Hummer H2 biển số 3333 thời “vung tay quá trán”.
Để có thể đánh giá một cách khách quan và công bằng hơn, các cơ quan hành pháp nên phân tích cội nguồn của vấn đề để cứu doanh nghiệp, không nên hình sự hóa kinh doanh khi doanh nghiệp gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan.
Vai trò của hiệp hội doanh nghiệp đã thể hiện như thế nào?
Hiệp hội ngành nghề còn yếu, tổ chức rời rạc, hình thức. Theo tôi, sai lầm cơ bản nhất của các hiệp hội ngành nghề Việt Nam là khi tổ chức các buổi họp định kỳ và đột xuất, thông tin không được bảo mật theo nghĩa nội bộ phục vụ cho chiến lược phát triển các sản phẩm và ngành nghề của mình mà lại sử dụng thông tin để hại nhau hoặc triệt tiêu nhau.
Trong các doanh nghiệp thủy sản, mọi hoạt động của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp khác đều biết với nhược điểm cố hữu là thường không đùm bọc, nâng đỡ, che chở và bảo vệ nhau trên thương trường mà lại nói xấu, bêu riếu nhau.
Còn các ngân hàng thương mại, đã xử lý tình hình như thế nào mà lãnh đạo và nhân viên của nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục bị bắt?
Tôi xin nhắc lại cách đây dăm năm, lãi suất vay ưu đãi ban đầu là 6 - 7%/năm, sau đó lên 10 - 15%/năm và đỉnh điểm là 22 - 23%/năm; việc này đã làm cho các doanh nghiệp thủy sản rơi vào bế tắc, dừng cũng chết mà tiến cũng chết. Trong lúc đó, hệ thống các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng mọc lên như nấm; tình trạng cho vay và huy động vốn gần như tự do; quản lý nhà nước thì lỏng lẻo; cán bộ ngân hàng nhiều người nghiệp vụ yếu, đạo đức kém dẫn đến khâu thẩm định, đánh giá, giám sát không đúng thực tế. Hiện nay, hoạt động của ngân hàng từng bước đã đi vào quỹ đạo, chặt chẽ và ổn định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo ông cần tập trung vào những vấn đề gì để giúp các doanh nghiệp thủy sản nhanh chóng thoát khỏi khó khăn?
Cần có chiến lược quốc gia đối với con tôm và cá tra; nhất là vùng nuôi, diện tích nuôi, con giống, kỹ thuật, thị trường, môi trường nuôi an toàn. Nên coi trọng đúng mức thị trường trong nước mà ta thường gọi là xuất khẩu tại chỗ, quan tâm thị trường các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.
Một điều kỳ lạ không sao giải thích được, chúng ta có cả một hệ thống chính trị rộng khắp nhưng không hiểu vì sao trong tất cả các nhà hàng, quán ăn trên cả nước trong bữa ăn không khuyến mãi những sản phẩm đặc thù của từng địa phương và chưa thấy nhân viên của một nhà hàng nào giới thiệu một đặc sản mang tính chủ động mà gần như 100% để cho khách tự chọn.
Việc nhỏ phải làm mới thành việc lớn. Sự quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nên theo hướng để cho doanh nghiệp tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.