Việt Nam: Con cua 8 cẳng 2 càng
Chàng trai Quảng Ngãi, vốn là dân lập trình, bực mình vì mớ dây trói cua nặng trĩu, vốn là một nét “văn hoá kinh doanh” lâu đời của loài hải sản ngon lành này, bèn khởi nghiệp đi bán cua Cà Mau.
Giấc mơ giàu sang
Sinh ở Quảng Ngãi, vào Sài Gòn với ước muốn đổi đời, Nguyễn Hoàng Văn học và tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của đại học Khoa học tự nhiên. Ra trường, ban đầu Văn chỉ nghĩ đi làm gì đó đúng với nghề của mình. Nhưng khi làm việc cho công ty chuyên về dự án phần mềm, nhìn sang bè bạn làm marketing, sales, Văn lại thấy hấp dẫn hơn. Vậy là, năm 2004, Văn cho ra đời công ty Toàn Tâm, chuyên làm dự án về công nghệ thông tin. Nói thế, nhưng hầu hết vốn liếng là của anh em khác làm cổ đông, Văn chỉ góp chưa tới 50 triệu đồng, và đảm nhận vai trò CEO. Vậy là, muốn bán hàng được thì phải đi tiếp khách, nhậu nhẹt, để bán mối quan hệ. Và rồi, một vài mâu thuẫn xảy ra khiến gia đình các cổ đông thôi góp vốn. Văn bèn tách ra làm công ty riêng.
“Làm chủ một doanh nghiệp IT với trụ sở tại TPHCM và hai chi nhánh ở tỉnh trong năm năm, từng mở công ty xây dựng với gần 100 nhân viên… Sau mười năm, quá nửa đời người tôi mới hiểu được thế nào là cuộc đời, cảm nhận sâu sắc hơn về câu: không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách. Suy nghĩ lại, tôi thấy lúc đó chẳng qua mình chỉ là “con buôn” thôi, buôn các mối quan hệ”.
Một trong những “quan hệ được gả bán, theo Văn, chính là “gặp mấy ông chủ Hàn Quốc chuyên làm dự án cho Sfone, tôi đã… bán mối quan hệ, giúp họ xây dựng và xử lý nước thải cho Sfone và các công ty Hàn Quốc ở KCN Minh Hưng”. Đùng một cái, khủng hoảng kinh tế thế giới, “Sfone bị toi, mình cũng toi luôn, vì công ty mẹ bị phá sản lôi theo món nợ chưa trả, tôi mất cũng khoảng mấy chục tỉ, trắng tay luôn!”.
Lúc đó, Văn mới 29. Nhưng đó chưa phải là điều bi kịch nhất. Bi kịch hơn chính là “hoạ vô đơn chí. Cùng một lúc, các siêu thị máy tính của Văn ở Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng cũng dẹp hết do thiếu khả năng quản lý. “Lúc đó, tôi cứ nghĩ đơn giản có mối quan hệ là được, sẽ bán được cho các công ty nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Nhưng kinh doanh đâu có đơn giản vậy”. Biến cố giúp Văn trưởng thành hơn.
Con cua 8 cẳng 2 càng
Xong phần học nghề marketing, Văn quyết định khởi nghiệp đi bán cua. Duyên nghề cũng đến từ chuyện nhờ làm thương hiệu cho một ông tổ nghề cua giống Cà Mau, Văn phát hiện ra con cua Cà Mau vỏ rất mỏng, thịt ngọt đậm đà và gạch đỏ au béo ngậy. Vậy mà ra chợ ở Sài Gòn thì đi tìm mua cua ngon rất khó. Thế là bắt tay vào làm thương hiệu “Cua ngon Cà Mau”.
Bắt tay vào, vợ đặt câu hỏi: “Anh có cái gì”? Văn trả lời: “Anh có cái đầu. Mình không có tiền thì có chất xám”. Bán đồ ăn, thực phẩm là thu tiền tươi thóc thật, khác với “làm dự án”, tưởng là có tiền đống, nhưng thực ra chẳng khác nào “đếm cua trong lỗ”, và “bể cái là chết liền”. “Chất xám” ấy là với vốn liếng của dân công nghệ, Văn bán qua online, xây dựng thương hiệu online để tạo sự khác biết mà tiết kiệm chi phí. Nghĩ là làm, Văn tạo ngay tên miền Cuangon và Cuacamau.com, sau đó là mở nhà hàng, làm bếp.
Bạn bè thì nghi ngờ, không ít bảo Văn khùng vì làm IT thì biết gì về cua mà làm bếp. Chỉ duy nhất một người đồng ý cho anh mượn 200 triệu đồng để mở ngay một nhà hàng chuyên bán cua và các món về cua tại Tân Bình, để tiếp thị hình ảnh cho đặc sản Cà Mau này. Ban đầu thuê đầu bếp, nhưng đầu bếp ì ạch quá, Văn phải đi một chuyến sang Thái Lan học nghề chế biến cua, tự nấu, rồi chỉ lại cho thợ, ra công thức riêng của mình. Chính sự khác biệt này đã giúp anh dễ truyền thông trên online, kiểm soát được chất lượng, giá cả hợp lý hơn.
Trang web Trẻ Thơ đăng một bài viết tố cua Cà Mau của Văn “lừa đảo”. “Bữa trước mua 10kg cua ở đó, tin tưởng nên không kiểm tra, ai ngờ mở ra 10kg cân lại còn 3kg, chỉ toàn dây không à, lại không phải cua Cà Mau, đó là lừa đảo”. Đọc dòng tin kia, Văn bàng hoàng. Điều oái oăm là người đăng khoá luôn chủ đề đó không cho comment phản hồi, nhưng lại được nhiều người “share” chia sẻ lên các trang khác. Văn đi kiếm văn phòng trang web, mãi mới thấy nằm tít bên quận 5. “Họ nói đó là do người tiêu dùng viết. Họ nói với tôi nếu chịu bỏ tiền quảng cáo sẽ xoá topic ấy liền. Tôi nhất quyết không chịu. Mình làm ăn đàng hoàng mà bị vu khống thực tức chết đi được. Tôi lên mạng, cúi đầu xin lỗi, sẵn sàng đối chất với người tiêu dùng. Tôi sẵn sàng phá sản nếu mình gian dối, còn phá sản vì sự vu khống thì nhất quyết là không”.
Văn bèn tìm đến một tờ báo để “kêu cứu”. Sau đó thì VTV cũng vào cuộc. Kết quả là… vụ việc rơi vào quên lãng. “Mình cũng im luôn không là… chết chắc”. Nhưng điều may là nhờ đó, nhiều người biết đến cua Cà Mau hơn, và anh được gọi là “Văn cua” “vì ngang như cua vậy”. Bài học rút ra: “Trong khủng hoảng, nếu tiếp tục để truyền thông dìm thì sẽ chết. Nếu thấy đó là vô lý thì phải đấu tranh”.
“Khi đi học đầu bếp, mọi người cười, tôi thấy đang hạnh phúc mà, chẳng có lý do gì phải buồn hết. Hạnh phúc hay buồn bực là do góc nhìn của mỗi người. Nhiều bạn ngại ngùng, sĩ diện, mình ai cười mặc kệ, đường mình mình đi.” – Nguyễn Hoàng Văn.
Cởi dây trói cho cua
Bước vào nghề kinh doanh cua, điều băn khoăn nhât với Văn là vì sao dây trói cua lại to như thế. Tìm hiểu mới biết phần lớn cua biển được xuất sang Trung Quốc, và chiếc dây trói là sản phẩm của thương lái xứ này. Văn bèn đặt may loại dây vải chất liệu nhẹ không thấm nước, với slogan “Cua không dây, triệu con như một”, chất lượng nếu có vấn đề sẵn sàng đổi ngay, giống như bán bao vậy. Ban đầu, Văn tính phối hợp với các thương lái, nhưng các thương lái không chịu xài dây mới nhẹ bâng này. Cột dây của họ, lên đây tháo ra, kiểu nào cũng lỗ.
Bán buôn được một thời gian, khách hàng cũng đã ngày một nhiều, Văn lại gặp hạn. Vì Văn thu mua số lượng lớn nên các thương lái Trung Quốc tìm cách phá. Đấu không lại, Văn đành lặn lội tìm đến các trung tâm thu mua cua tại Trung Quốc. Ở đây, điều khiến chàng trai này ngạc nhiên là hầu hết những người thương nhân kinh doanh cua ở đó đều cởi mớ dây trói cũ để bán cho khách của mình. “Vậy tại sao mình không buôn cua qua đây bán?” Nghĩ bụng, Văn sau đó đặt ba trạm thu mua ở Đầm Dơi, Năm Căn, Bạc Liêu, cùng bốn điểm tập kết bán hàng trực tiếp ở Nam Ninh, Quảng Châu, Hạ Môn, Thượng Hải… Văn nhẩm chắc chuyến này thắng đậm, vì cua không dây tiết kiệm chi phí vận chuyển rất nhiều. Nhưng trụ được sáu tháng thì đành chào thua, mất không ít tiền của, công sức “vì dân mình chỉ thích bán “ăn gian” cho thương lái Trung Quốc nhờ sợi dây trói cua!”.
Thói quen cột dây cua đã được người Trung Quốc tiêm nhiễm vào thật khó bỏ. Nông dân cột một dây, qua vựa lại cột thêm một dây nữa. Tháo dây ra không được vì cua dễ gãy càng, hay cua chết thì đành bỏ. Sợi dây trói cua bắt đầu từ người nuôi, giờ kêu họ bỏ không được. Lỗ nhiều quá, Văn tức khí, xuống tận nơi, cùng mấy lão làng đi bắt cua, bị kẹp cho mấy phen. Nhưng cũng nhờ đó mà rành rẽ nào cua Năm Căn, Đầm Dơi, Sông Đốc… giống nhau khác nhau ra sao, cầm cua biết con nào sắp chết, con nào sống lâu… Nhiều lúc tính bỏ, vì đổ cả máu và nước mắt… Cuộc chiến giành cua không còn đơn thuần là làm ăn, mà là về văn hoá, với sợi dây trói cua nặng nhẹ…
Đi mua cua ở Cà Mau, Văn kể, người ta còn không cho sờ vào cua. Văn cũng không dám treo bảng thu mua, vì sợ thương lái Trung Quốc biết. Cuộc chiến khiến anh chàng ngang như cua này, để ổn định đầu ra cho mình, phải chủ động nguồn nuôi. Mỗi ngày, Văn cũng bán ra, cả xuất khẩu, trung bình cả tấn.
Nhưng chính cuộc trường chinh bán cua khiến Văn cởi được sợi dây trói buộc trong bản thân mình. Trả giá không ít, nhưng không thấy hối tiếc. “Kinh doanh giúp tôi xây dựng uy tín, thương hiệu, sống vì cái tên chứ không phải chỉ kiếm tiền. Tạo ra khác biệt, tăng giá trị cho người sử dụng mới chính là sáng tạo. Chấp nhận đi con đường mới phải chấp nhận té qua té lại mới vươn lên được”.
Học IT, rồi kinh doanh cua, nhưng Văn lại có đam mê triết học, thiền học, nghiên cứu sâu về tôn giáo… Văn cũng bỏ công sức nhiều năm để học về khí công, và từng khởi nghiệp với thương hiệu Vietkido.
“Khi đi học đầu bếp, mọi người cười, tôi thấy đang hạnh phúc mà, chẳng có lý do gì phải buồn hết. Hạnh phúc hay buồn bực là do góc nhìn của mỗi người. Nhiều bạn ngại ngùng, sĩ diện, mình ai cười mặc kệ, đường mình mình đi”. Văn kể, chính cua và khí công đã “dạy mình cởi trói cho chính mình”. Nghĩa là sao? “Vì thấy mình lạc hậu, giống như sợi dây trói cua, vô nghĩa, thối tha, vô giá trị, nên vứt nó đi… Mình sẵn sàng thông cảm cho sự nghèo khó, nhưng không thông cảm sự giả dối”.