TIN THỦY SẢN

Vĩnh Hoàn đi tìm nguồn lợi nhuận mới

Vĩnh Hoàn xác định đầu tư vào gạo là đúng chiến lược.

Cá tra đã đi đến giai đoạn bão hòa nên dù có đầu tư thêm vào ngành này thì cũng khó tăng thêm giá trị.

Điều này được thể hiện rõ qua biên lợi nhuận hằng năm của một số công ty như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn. Năm 2012 biên lợi nhuận của Vĩnh Hoàn là 5,8% và tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 3% vào năm ngoái. Do vậy, các công ty bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận từ những ngành khác.

Vừa trở về sau chuyến công tác tại Trung Quốc, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết đang nhắm đến thị trường gạo Trung Quốc. Một chuỗi nhà hàng lẩu tại Trung Quốc có khoảng 200.000 công nhân, để cung cấp suất ăn trưa cho họ, trung bình nhà hàng phải tiêu thụ 5 container gạo/tháng. Giá bán cũng cao hơn thị trường khác từ 20-30 USD/kg. “Chừng đó thôi cũng đủ thấy thị trường Trung Quốc lớn đến thế nào. Chúng tôi đang xác lập mối quan hệ để mua lại quota”, bà Khanh chia sẻ.

Hiện nay, Vĩnh Hoàn tập trung đầu tư cho gạo thơm và gạo đồ, hai loại gạo đang có tiềm năng lớn và giá lại cao. Gạo thơm đang được thị trường Trung Quốc, Hồng Kông ưa chuộng; gạo đồ thì được tiêu thụ mạnh ở các nước Hồi giáo và Trung Đông. Theo dự kiến, gạo của Vĩnh Hoàn sẽ mang về một khoản doanh thu khá lớn trong thời gian tới.

Năm 2013, gạo mang về cho Vĩnh Hoàn khoảng 1,3 tỉ đồng doanh thu. Bà Khanh cho biết nhà máy gạo đầu tư ngay trong giai đoạn rất khó khăn nên Công ty cần 2 - 3 năm ổn định quy mô và thị trường. Lúc đó, Vĩnh Hoàn sẽ bắt đầu có lợi nhuận.

Bà Khanh khá vui vì nhà máy gạo mới đi vào hoạt động thời gian ngắn, nhưng sản phẩm gạo thơm và gạo đồ xuất đi Trung Đông được khách hàng yêu cầu đóng nhãn thương hiệu Vĩnh Hoàn, để phân biệt với dòng gạo khác. Như vậy Vĩnh Hoàn vừa xuất khẩu lại vừa quảng cáo được thương hiệu. “Hiện tại, Công ty xác định đầu tư vào gạo là đúng chiến lược”, bà Khanh chia sẻ.

Dự tính đến năm 2015, Công ty sẽ tiếp tục triển khai 24 ha đất để làm khu liên hợp về gạo. Khu vực này sẽ bao gồm các cơ sở từ nghiên cứu giống lúa cho đến nhà máy sấy, xay xát, chế biến và công ty xuất khẩu gạo của Vĩnh Hoàn.

Ngoài gạo, một sản phẩm khác cũng có thể mang về nguồn thu cho Vĩnh Hoàn. Đó là collagen. Sản phẩm này từng khiến một số doanh nghiệp thất bại. Nhưng đối với Vĩnh Hoàn, collagen đã được Công ty đầu tư 6 năm nay. Sản xuất collagen từ phụ phẩm cá tra có thể giúp doanh nghiệp này tối ưu hóa giá trị, gia tăng doanh thu và lợi nhuận bởi giá trị xuất khẩu của sản phẩm này cao gấp 8-10 lần so với cá tra.

Vĩnh Hoàn đặt ra mục tiêu có lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên sau khi nhà máy Collagen đi vào hoạt động trong năm nay. Nếu thành công, bắt đầu quý IV năm nay, Vĩnh Hoàn có thể thu được lợi nhuận. Theo dự kiến, năm 2015 nhà máy sẽ hoạt động 30% công suất, thu lợi nhuận 28 tỉ đồng. Sang năm 2016 nhà máy sẽ nâng công suất hoạt động lên 50% và lợi nhuận thu về khoảng 62 tỉ đồng và sẽ tăng lên 100 tỉ đồng vào năm 2017.

Bà Khanh cho biết Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục đầu tư vào dự án nhà máy Collagen và tăng năng lực chế biến thủy sản trong năm 2014 vì nguồn da cá từ quy trình chế biến cá tra sẽ đáp ứng 50% - 60% nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho nhà máy Collagen. Và đây là một lợi thế của Vĩnh Hoàn. Thêm một lợi thế nữa: đầu tư vào collagen, Vĩnh Hoàn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và 9 năm giảm 50%. Công ty đang xin Bộ Tài chính cho hưởng lãi suất ưu đãi thuế 10% trong 30 năm.

Bà Khanh cho rằng khó có đối thủ cạnh tranh trong ngành collagen tại Việt Nam. Năm 2007 có một nhà máy collagen tại Việt Nam nhưng đã phải đóng cửa. Kỹ thuật sản xuất collagen rất khó. Bà Khanh ví dụ, nhiều nhà máy sản xuất cá rô lớn ở Trung Quốc phải bán nguyên liệu da cho các công ty chuyên sản xuất collagen. Hiện nay, sản phẩm collagen của Vĩnh Hoàn đã được bán ra thị trường, giá tốt nên Vĩnh Hoàn tự tin là có thể cạnh tranh với các sản phẩm collagen của các thị trường khác.

Nói về thị trường collagen, hiện các thương hiệu collagen lớn châu Âu đã chiếm 40% thị trường còn lại thuộc về Trung Quốc và một số nước khác… Tuy nhiên, châu Âu chủ yếu sản xuất collagen từ da bò, da heo, xương heo, trong khi những công ty sản xuất từ da cá chưa nhiều nên thị trường cạnh tranh cũng không quá gay gắt. Với thị trường xuất khẩu, Vĩnh Hoàn tập trung vào các nước Hồi giáo vì người hồi giáo không sử dụng sản phẩm collagen từ bò.

Tại châu Âu, nhiều nước bị nạn bò điên, heo bệnh nên collagen làm từ da cá được ưa chuộng và tin tưởng vào chất lượng. Thị trường Hồi giáo và Nhật rất ưa chuộng Collagen từ da cá, bà Khanh cho biết. Gần đây một số sản phẩm collagen làm từ da cá của Trung Quốc bị phát hiện chất lượng kém nên khách hàng đang tìm nhà cung cấp từ nước khác và đây là cơ hội cho Vĩnh Hoàn. Trước mắt, theo bà Khanh, khoảng 80% sản lượng collagen sẽ được xuất khẩu, 20% tiêu thụ trong nước.

Hiện nay, Công ty có khá nhiều đơn đặt hàng. Một đối tác Hà Lan sau thời gian hỗ trợ Vĩnh Hoàn về kỹ thuật, đã quay sang đề nghị hợp tác với Vĩnh Hoàn và muốn trở thành nhà cung cấp sản phẩm collagen của Vĩnh Hoàn tại châu Âu. “Công ty đã đầu tư rất kỹ và mất 3 năm mới làm ra sản phẩm, nên rủi ro rất thấp. Tôi tự tin sản phẩm sẽ thành công”, bà Khanh cho biết.

Theo NCĐT/Đất Việt, 30/04/2014