Vĩnh Long: Trên 650 tỷ đồng thực hiện dự án vùng nuôi cá tra an toàn thực phẩm
Dự án hỗ trợ xây dựng 80 ha diện tích nuôi cá tra được đào tạo, đánh giá và chứng nhận thực hành sản xuất theo quy phạm VietGAP.
Ngày 12/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt đã ký Quyết định số 1633/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Hỗ trợ xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn thực phẩm theo quy trình nuôi tiên tiến VietGAP giai đoạn 2023 – 2025” thuộc Chương trình khuyến nông.
Mục tiêu của dự án là xây dựng các vùng nuôi cá tra phát triển theo hướng bền vững ứng dụng quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và truy xuất được nguồn gốc. Làm cơ sở để từng bước áp dụng chuyển đổi số và công nghệ cao trong quy trình nuôi cá tra thâm canh. Nâng cao uy tín thương hiệu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Dự án được đầu tư theo phương thức xã hội hóa, nhà nước và nhân dân cùng đầu tư. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, đánh giá, chứng nhận VietGAP; hỗ trợ 20% chất bổ sung thức ăn, chế phẩm sinh học; hỗ trợ 100% chi phí giám sát chủ động dịch bệnh trên cá tra; hỗ trợ 100% giám sát chủ động môi trường ao nuôi và hỗ trợ 100% chi phí kiểm tra dư lượng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản.
Nhân dân đối ứng phần vốn đầu tư còn lại (100% chi phí cải tạo, con giống, thức ăn, xây dựng hệ thống nuôi, nhiên liệu, công lao động...; 80% chất bổ sung thức ăn, chế phẩm sinh học).
Về quy mô dự án, tổng quy mô đầu tư xây dựng mô hình là 80 ha nuôi cá tra được đào tạo, đánh giá, chứng nhận VietGAP. Cùng với đó là tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tra thâm canh theo quy trình VietGAP; giám sát chủ động dịch bệnh cá tra (thu 156 mẫu cá và 156 mẫu bùn để giám sát bệnh gan thận mủ và bệnh xuất huyết trên cá tra); giám sát chủ động môi trường (thu 156 mẫu nước ao nuôi để giám sát các chỉ tiêu môi trường ao nuôi cá tra) và kiểm soát dư lượng chất cấm (thu 30 mẫu cá tra để kiểm soát dư lượng chất cấm trong quá trình nuôi)…
Địa điểm thực hiện dự án tại các xã An Bình, Bình Hòa Phước, Đồng Phú, Hòa Ninh (huyện Long Hồ), xã Quới An, Quới Thiện, Thanh Bình, Tân An Luông (huyện Vũng Liêm), xã Phú Thành, Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn), xã Chánh An, An Phước, Tân An Hội, Tân Long Hội, Tân Long, thị trấn Cái Nhum, Mỹ An (huyện Mang Thít), xã Tân Quới, Tân Bình, Tân An Thạnh (huyện Bình Tân) và xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình).
Đặc biệt, dự án ưu tiên đầu tư cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, các cơ sở nuôi tập trung tại một số vùng nuôi, các xã nông thôn mới nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của dự án và địa bàn đầu tư có thể thay đổi hàng năm tùy theo điều kiện thực tế. Tổng kinh phí đầu tư dự án là 650.056 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 4.376 triệu đồng, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp thực hiện Chương trình khuyến nông tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023-2025; đối ứng của người dân là 645.680 triệu đồng.
Thời gian thực hiện dự án là 3 năm, giai đoạn 2023 – 2025.
UBND tỉnh Vĩnh Long giao Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư dự án. Các cơ quan phối hợp triển khai dự án là: Chi cục Kiểm lâm và Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, UBND các xã vùng thực hiện dự án và Hiệp hội thủy sản Vĩnh Long.