TIN THỦY SẢN

Vó đèn – ngư cụ tận diệt thủy sản hồ Thác Bà

Ngư dân chuẩn bị vó đèn để khai thác thủy sản trên hồ Thác Bà (Ảnh: Báo Yên Bái) Đinh Tuấn

Hồ thủy điện Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái có diện tích mặt nước gần 20.000 hécta, là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất cả nước. Trong lòng hồ có nhiều loại thủy sản quý hiếm, đặc biệt là các loại cá.

Thế nhưng nguồn thủy sản dồi dào ấy nay đã cạn kiệt, do bị khai thác bừa bãi. Sau khi bắt hết cá lớn, người dân quanh hồ đã mua sắm vó đèn với mắt lưới dày, kết hợp với đèn điện công suất lớn để càn quét các loại cá nhỏ, kể cả những con cá bột mới vài tuần tuổi (Vó loại nhỏ có diện tích khoảng 50 m2, loại lớn lên đến 500 m2). Hình thức khai thác này không những vi phạm các quy định của nhà nước, mà còn đẩy các loài thuỷ sản trong hồ Thác Bà đến nguy cơ tận diệt.

Người dân các xã vùng hồ thuộc huyện Yên Bình thường thả vó lúc trời bắt đầu tối, khoảng 19 - 20 giờ. Sau khi lưới được thả xuống đáy hồ thì ngư dân sẽ thắp các bóng đèn công suất từ 100 W trở lên để dụ cá về rồi cất lưới.

Các loại cá chủ yếu là cá mương, cá thiểu, cá ngão, tép dầu… mà hơn chục năm trước đây, khi hồ Thác Bà còn nhiều cá lớn, người dân chẳng bao giờ nghĩ tới.

Một người dân cất vó đèn ở xã Phúc Ninh cho biết, mỗi đêm thường cất vó 2 lần, mỗi lần được khoảng 30kg cá các loại, bán được khoảng 500 nghìn đồng. “Vùng này nước ngập hết, cuộc sống mưu sinh không có gì nữa nên chỉ biết đi cất vó đèn. Nghề này vất vả nhưng không có cái ăn nên phải làm. Cũng biết là gây thiệt hại nhiều nhưng không làm thì không có gì”, người dân nói.

Để đầu tư một vó đèn có diện tích khoảng 500 m2, bà con phải bỏ ra khoảng 30 triệu đồng. Gia đình ít tiền thì làm một, hai vó; nhiều tiền hơn thì 5 đến 6 vó đèn. Để có tiền đầu tư, nhiều người phải vay lãi hoặc mang bán, thế chấp tài sản, đất đai. Vì vậy, bắt buộc phải cật lực đánh bắt để nhanh chóng thu vốn và sinh lãi, bất chấp các qui định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Một ngư dân thừa nhận: “Chúng tôi đi đánh thấy cá bột cũng tiếc và xót ruột. Bắt được một bát cá bột thế này, nhưng khi chúng lớn lên cũng được cả rổ”.

Bắt đầu xuất hiện từ năm 2006, những chiếc vó đèn đã nhanh chóng phát triển chỉ sau một thời gian ngắn. Lúc cao điểm, trên hồ Thác Bà có hơn 500 chiếc vó đèn hoạt động, thời điểm ít nhất cũng có gần một trăm cái, tập trung nhiều ở vùng hồ xung quanh các xã Phúc Ninh, Mông Sơn, Mỹ Gia của huyện Yên Bình.

Trước tình hình trên, tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình đã liên tục chỉ đạo các ngành và địa phương đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn loại hình khai thác này.

Cần có giải pháp triệt để

Năm 2012, toàn huyện Yên Bình đã tổ chức cắt phá, tháo dỡ và tiêu hủy 550 bè mảng có vó đèn; 6 tháng đầu năm 2013 tiếp tục tháo dỡ hơn 110 vó đèn. Thế nhưng vì lợi nhuận và mưu sinh, khi lực lượng chức năng tháo đi một thời gian, người dân vùng hồ lại mua sắm lại.

Lực lượng chức năng mỏng, quản lý vùng hồ rộng 20.000 hécta là không xuể. Ông Mai Văn Trạm, Trung tâm thuỷ sản Yên Bái, người gắn bó với hồ Thác Bà đã mấy chục năm nay cho biết: “Bà con ở xung quanh hồ rất đông, khi chúng tôi đi kiểm tra thì bà con thông tin đến nhau rất nhanh. Thông tin đến thì bà con cất giấu hết đi, sau khi chúng tôi về thì lại mang ra. Mặc dù đã tuyên truyền, vận động, xử lý nhiều lần nhưng nhiều người dân vẫn không thực hiện đầy đủ. Mong các cấp, các ngành cần có những biện pháp thật nghiêm để hạn chế triệt để tình trạng này”.

Trước đây, Hồ Thác Bà cho sản lượng cá tự nhiên trên 10.000 tấn/năm, cung cấp cho cả tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận. Nay thì cá to hết, cá bé cũng chẳng còn, dù mỗi năm hàng triệu con cá giống vẫn được chính quyền địa phương thả xuống. Để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt trên hồ Thác Bà, ngoài việc tuyên truyền, định hướng cho người dân và đẩy mạnh việc quản lý nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà,  chính quyền địa phương cần quan tâm đến việc chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng hồ./.       

Đinh Tuấn VOV - Tây Bắc