Vụ tôm mới: Canh cánh nỗi lo con giống
- Mỗi năm, nông dân ĐBSCL cần hàng chục tỷ con tôm giống để thả nuôi. Tuy nhiên hiện nay, năng lực sản xuất tôm giống ở hầu hết các địa phương trong vùng đều rất hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 30-50% nhu cầu, còn lại phải nhập từ địa phương khác.
Thiếu giống
Dọc theo những cánh đồng ven biển thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… vào thời điểm này đâu đâu cũng thấy nông dân tất bật bơm nước mặn để thả tôm.
Theo những nông dân có kinh nghiệm, thành công của mỗi vụ tôm phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng con giống. Có được nguồn giống tốt, tôm nuôi sẽ lớn nhanh và ít gặp rủi ro về dịch bệnh. Vì vậy, hầu hết các Công ty, đơn vị đầu tư nuôi tôm quy mô lớn đều tự sản xuất giống để phục vụ nhu cầu. Trường hợp cần mua giống ở các cơ sở khác họ sẽ cử kỹ sư đến tận nơi lấy mẫu xét nghiệm, nếu đạt yêu cầu thì mới nhập về thả nuôi. Trong khi đó, nông dân do quy mô sản xuất nhỏ và điều kiện kinh tế có hạn nên đành chấp nhận may rủi với con giống trôi nổi ngoài thị trường.
Cà Mau là địa phương có phong trào nuôi tôm trên ruộng lúa sớm nhất ở ĐBSCL, nhưng hiện nay, tỉnh này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% lượng tôm giống, còn lại vẫn phải lệ thuộc từ bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau cho biết, hiện nay diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 269.500 ha. Trong đó, có 33.000 ha nuôi công nghiệp, còn lại là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến năng suất cao và nuôi sinh thái dưới tán rừng phòng hộ.
Với diện tích lớn như vậy, mỗi năm toàn tỉnh Cà Mau cần khoảng 16-18 tỷ con tôm giống. Mặc dù các cơ sở sản xuất tôm trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thả nuôi do địa bàn giáp ranh nhưng hàng năm vẫn có một lượng tôm giống của Cà Mau được bán đi nơi khác, theo đó lượng tôm giống đã thiếu càng thêm thiếu.
Khó kiểm soát chất lượng
Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, theo kế hoạch vụ tôm năm nay toàn tỉnh sẽ thả nuôi 85.000 ha, trong đó có 69.000 ha luân canh tôm lúa, còn lại là nuôi công nghiệp và quảng canh cải tiến. Để đảm bảo vụ tôm nuôi thắng lợi, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng liên quan để ngăn chặn, kiểm soát và xử lý các hoạt động vận chuyển con giống chưa qua kiểm dịch nhập tỉnh để giúp nông dân có được nguồn giống chất lượng tốt. Đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi nhằm ngăn chặn việc sử dụng những chất cấm trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương; theo dõi chất lượng nguồn nước, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, khuyến cáo nông dân thả giống theo đúng lịch thời vụ.
Tuy nhiên, theo ông Củi, lo ngại lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn tôm giống, vì năng lực sản xuất của tỉnh mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu. Với diện tích thả nuôi như hiện nay, mỗi năm tỉnh phải nhập từ bên ngoài khoảng 4-5 tỷ con giống.
Ông Trần Văn Thưởng, một nông dân sản xuất theo mô hình lúa - tôm ở xã Đông Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang cho biết, giá tôm giống năm nay tăng hơn vụ nuôi năm ngoái từ 5-10 đồng/con. Hiện, giá tôm của các cơ sở có thương hiệu, được đóng thùng khoảng 55-60 đồng/con, còn tôm thường giá từ 30-45 đồng/con. Tuy nhiên, việc giá tăng không đáng ngại bằng chất lượng con giống, vì trên thị trường tôm giống có rất nhiều loại và giá cả chênh nhau rất nhiều, thậm chí thật giả lẫn lộn nông dân khó mà phân biệt được.
Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang thì chất lượng tôm giống hiện nay rất đáng lo ngại, tỷ lệ mẫu tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng, bệnh còi rất cao. Ông Nguyễn Đình Xuyên, Chi cục phó Chi cục Thú y Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phát hiện 2 mẫu tôm giống bị bệnh đốm trắng, đoàn đã hướng dẫn và giám sát cơ sở kinh doanh tiêu hủy 400.000 con, số tôm này có nguồn gốc từ Ninh Thuận.
Trong số 50 mẫu lấy xét nghiệm thì phát hiện 24 mẫu bị bệnh còi (chiếm tỷ lệ 48%), trong đó có 9 mẫu có nguồn gốc từ tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, 15 mẫu từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Số tôm giống này chủ yếu được nhập từ các tỉnh khác về bán cho nông dân vùng U Minh Thượng thả nuôi.
>> Theo ông Nguyễn Đình Xuyên, Chi cục phó Chi cục Thú y Kiên Giang, việc kiểm soát chất lượng tôm giống một cách triệt để là rất khó. Hiện nay, các tổ kiểm dịch chủ yếu chỉ kiểm tra được lượng tôm giống lưu thông trên đường bộ, còn lượng tôm giống vận chuyển theo đường thủy là ngoài tầm kiểm soát.