Vụ tôm thu đông: Khó, nhưng lợi nhuận cao
Thực tiễn cho thấy, nuôi tôm vụ thu đông ở tỉnh Hà Tĩnh mặc dù rủi ro cao do thời tiết, dịch bệnh nhưng giá trị mang lại sau thu hoạch rất lớn. Việc đầu tư kỹ lưỡng và tuân thủ lịch thời vụ là những yếu tố hết sức quan trọng để giành thắng lợi trong vụ tôm này...
Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh cho biết: Tôm thẻ chân trắng có thời gian sinh trưởng ngắn, là đối tượng phù hợp cho vụ thu đông và có thị trường tiêu thụ khá thuận lợi, giá trị cao gấp 2-3 lần nuôi chính vụ. Tuy nhiên, nuôi tôm vụ thu đông phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến động phức tạp của thời tiết, mưa lũ bất thường. Từ nay đến cuối năm, biên độ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn, không thích hợp với điều kiện phát triển của tôm, nhưng lại là điều kiện thích hợp cho mầm bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh đốm trắng. Bởi vậy, chỉ có những vùng ngừa được lũ lụt, có nền đất đáy cát, độ sâu ao bảo đảm... mới có khả năng nuôi tôm vụ thu đông. Theo đó, với hơn 2.100 ha nuôi tôm của cả tỉnh thì vụ thu đông chỉ có khoảng 300 ha đủ điều kiện nuôi, rải rác ở các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh...
Nghi Xuân có diện tích nuôi tôm trên cát, nuôi tôm thâm canh khá lớn. Sau khi thu hoạch vụ tôm xuân hè, huyện khuyến khích các chủ đầm nuôi tiếp tục đầu tư thả tôm vụ thu đông. Vụ tôm này, toàn huyện có hơn 30 ha tôm thẻ chân trắng tại Xuân Yên, Xuân Phổ, Xuân Đan... và 120 ha tôm sú luân canh xen ghép tại các vùng nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến.
Kỹ sư thủy sản Trịnh Quang Luật - cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: Bước vào vụ thu đông, huyện tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân ở các địa phương về vấn đề kỹ thuật trong NTTS, đồng thời khuyến cáo những diện tích thấp trũng nuôi theo hình thức quảng cảnh, quảng canh cải tiến không tiến hành thả nuôi tôm vì rất dễ thiệt hại do mưa lũ; dịch bệnh xẩy ra làm lây lan đến các vùng nuôi khác.
Trên địa bàn Nghi Xuân, hiện nhiều chủ đầm nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát đã và đang tập trung đầu tư cải tạo ao đầm; một số diện tích xuống giống cho vụ tôm thu đông. “Yếu tố quan trọng nhất cho vụ thu đông là xây dựng lịch thời vụ phù hợp với khí hậu, thời tiết của địa phương. Theo đó, các chủ đầm phải tính toán và tuân thủ lịch thời vụ nhằm né tránh thiên tai để vụ nuôi an toàn, đạt kết quả cao về năng suất, sản lượng” – kỹ sư Luật khẳng định.
Không chỉ ở Nghi Xuân, nhiều diện tích nuôi tôm ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đã được cải tạo, thả giống nhằm đảm bảo lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi. Chi cục trưởng Chi cục NTTS Nguyễn Công Hoàng cho biết thêm: Nuôi tôm vụ thu đông tại các vùng ao đầm được đầu tư bài bản theo hình thức thâm canh và bán thâm canh (chủ yếu là trên cát) thì mới đem lại hiệu quả về kinh tế. Riêng những diện tích ao nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến chỉ nên nuôi xen ghép, luân canh các đối tượng tôm, cua, cá... ở các vùng nuôi trung triều có ao đầm đảm bảo độ sâu hơn 1m, mang tính tận dụng cải thiện thu nhập là chủ yếu.
Nuôi tôm vụ thu đông còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó về mặt kỹ thuật phải đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình nuôi để xử lý kịp thời khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm. Thêm vào đó, các hộ dân phải chú trọng đến chất lượng con giống, lấy giống tôm tại các cơ sở uy tín trong và ngoài tỉnh, thả giống phù hợp, cỡ giống lớn... Đặc biệt, thả giống với mật độ thưa, từ 50-60 con/m2 trên ao đất, 80 - 100 con/m2 đối với những diện tích nuôi trên cát. Ngoài ra, chủ động các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ sản phẩm, công trình trong mùa mưa lũ an toàn và hiệu quả.