“Vua” tôm than trời: Vì đâu nên nỗi?
Liên minh châu ÂU (EU) vừa liên tiếp có các cảnh báo chất lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Vấn đề thủy sản xuất khẩu nhiễm kháng sinh, tạp chất với tỷ lệ vượt mức cho phép, bị các nước nhập khẩu cảnh báo, rồi trả hàng về… không mới. Thế nhưng, tình trạng “cũ rích” này vẫn chưa được xử lý triệt để.
Trả hàng, cảnh báo cấm nhập khẩu
Để có nguồn hàng ổn định và chất lượng cho xuất khẩu, từ nhiều năm trước, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã liên kết với người dân nuôi cá tra, diện tích đạt hơn 140ha. Với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín, IDI đã kiểm soát rất gắt gao quá trình nuôi, thu hoạch và vận chuyển cá tra nguyên liệu về nhà máy.
Vậy mà việc cá tra nhiễm kháng sinh vẫn là nỗi lo lớn đối với doanh nghiệp (DN) này. Thống kê của IDI cho thấy, trong năm 2015, công ty thu hoạch 167 ao cá thì có đến 68 ao bị nhiễm kháng sinh, chiếm 40,7%.
Giải thích nguyên nhân tỷ lệ ao cá nhiễm kháng sinh cao, IDI cho rằng, các hộ nuôi đã dùng kháng sinh không hợp lý, kháng sinh cấm để điều trị cho cá khi bị bệnh. Hơn nữa, do môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng ô nhiễm, cá dễ nhiễm bệnh nên việc sử dụng kháng sinh cũng ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Văn Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau), cũng từng chia sẻ, DN này đã phải “vật vã” đối phó với nạn kháng sinh, tạp chất tồn dư trong thủy sản xuất khẩu. Có thời điểm, Minh Phú không thể chào hàng vào các nhà hàng ở Trung Quốc vì không thể cạnh tranh lại với “hàng tạp chất”.
Ông Quang cho biết, trước đây tình trạng bơm tạp chất vào tôm chỉ diễn ra ở các tỉnh ven biển, có vùng nuôi tôm. Tuy nhiên, hoạt động này sau đó đã lan rộng ra đến Ninh Thuận, Bình Thuận, thậm chí, nhiều nơi ở Cần Thơ còn đầu tư cả dàn máy công nghiệp hiện đại để “tăng trọng” cho tôm.
Không chỉ các DN chế biến xuất nhập khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước cũng “đau đầu” với việc hàng thủy sản Việt Nam liên tục bị cảnh báo có tồn dư kháng sinh cấm ở nhiều thị trường. Mới đây nhất, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cho hay, các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khỏi danh sách được phép xuất khẩu vào thị trường này trong trường hợp có lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh bị cấm theo quy định.
Theo Nafiqad, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư thông báo rằng biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa khắc phục được vấn đề lạm dụng hóa chất kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu.
Trước đó, nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam sang Nhật cũng đã bị cảnh báo có dư lượng các kháng sinh cấm vượt mức cho phép như Enrofloxacin và phải chịu hình thức kiểm tra từng lô hàng khi xuất khẩu vào thị trường này.
Vì đâu nên nỗi?
Thủy sản xuất khẩu nhiễm kháng sinh không phải chuyện mới, Nafiqad và Bộ NNPTNT đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh tình trạng này. Thế nhưng, việc sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản vẫn tiếp diễn, đến nỗi “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu) phải kêu lên: “Vì đâu nên nỗi?”.
Ông Ngoãn bức xúc, việc tồn dư kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu do khâu nuôi trồng không tuân thủ các quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, do thâm canh tăng vụ, hộ nuôi phải lạm dụng kháng sinh để phòng, trị bệnh cho tôm cá khi mật độ, tần suất thả nuôi ngày càng dày đặc.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù Bộ NNPTNT cấm sử dụng một số loại kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, nhưng việc nhập khẩu, phân phối, sử dụng các sản phẩm này trong nước lại chưa được kiểm soát tốt. Theo Cục Thú y, trong năm 2015, có đến 16 công ty nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin với hơn 104,4 tấn và 15 công ty nhập khẩu Oxytetracylin với 284,9 tấn. Ngoài ra, còn có 5 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh Tetracycline với hơn 6,8 tấn.
Tất cả các công ty này đều đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh để sản xuất thuốc thú y. Trong khi đó, đây đều là các kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong chăn nuôi thủy sản.
Còn theo ông Quảng Trọng Thao – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang, dù nhiều lần rơi vào tình trạng “báo động đỏ” bởi việc sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm trong nuôi trồng thủy sản nhưng nhiều DN trong nước vẫn chưa tự ý thức được tác hại của hành vi này.
Theo ông Thao, hiện các DN mua tôm nguyên liệu đều kiểm tra chất lượng tại ao, vựa. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số DN dù biết tôm có tạp chất, có kháng sinh nhưng họ vẫn mua, và mua với giá thấp hơn. Do đó, cả DN và người nuôi đều “lờn”, các biện pháp kiểm soát kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu chưa đem lại hiệu quả đáng kể.
“Phải cấm cả hành vi mua tôm nguyên liệu nhiễm tạp chất, nhiễm kháng sinh thì mới ngăn chặn được tình trạng này”- ông Thao đề xuất.
Nafiqad vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu khẩn trương và nghiêm túc rà soát chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; thực hiện đầy đủ biện pháp kiểm soát cần thiết đối với hóa chất kháng sinh; chủ động kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm hóa chất kháng sinh cấm đối với từng lô hàng trước khi xuất khẩu vào EU, tránh trường hợp bị thị trường này “cấm cửa” hoàn toàn đối với thủy sản Việt Nam.