Vươn lên trong khó khăn
Sự tụt giảm sản lượng của nhóm ngành trồng trọt, cùng với tình hình XK của một số nhóm nông sản và thủy sản chủ lực tiếp tục khó khăn đã khiến cho tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp nửa đầu năm 2015 không như mong đợi.
Trồng trọt lao đao
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua (1/7) cho thấy, tình hình khó khăn cả về SX lẫn XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã khiến tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp bị kéo tụt so với cùng kỳ năm 2014.
Cụ thể 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù là lĩnh vực chiếm tỉ trọng cao nhất trong ngành nông nghiệp (50,7%), tuy nhiên trồng trọt lại tăng trưởng thấp nhất trong ngành nông nghiệp với mức 1,08% (so với 2,8% của 6 tháng đầu năm 2014).
SX lúa vụ ĐX 2015 ghi nhận sự tụt giảm cả về diện tích và sản lượng (diện tích đạt 3,1 triệu ha, giảm 4,3 nghìn ha; sản lượng đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153 nghìn tấn so với ĐX 2014). Trong đó, năng suất lúa các tỉnh phía Bắc giảm 0,3 tạ/ha, các tỉnh ĐBSCL giảm 0,4 tạ/ha.
Không chỉ lúa, đa số các loại cây trồng ngắn ngày khác như ngô, đậu tương, khoai lang… cũng đều giảm cả về diện tích và sản lượng. Các loại cây công nghiệp dài ngày khác trước sự khó khăn về thị trường nên không tăng nhiều về diện tích.
Trong khi đó, tình hình XK một số mặt hàng nông sản chính tiếp tục ảm đạm, một số mặt hàng giảm mạnh về kim ngạch XK như chè giảm 4,1%, cao su giảm 5,1%, gạo giảm 10,5%, đặc biệt cà phê giảm tới 35,1%..., kéo theo tổng kim ngạch XK nhóm hàng nông sản giảm 5,7% (ước đạt gần 7 tỉ USD).
Cùng với nông sản, một số mặt hàng thủy sản XK quan trọng cũng có dấu hiệu khựng lại. Mặc dù tổng sản lượng thủy sản đánh bắt tăng 4,4%, thủy sản nuôi trồng tăng 3,3% (đạt 1,58 triệu tấn), tuy nhiên sản lượng tôm chỉ đạt 236 nghìn tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Nếu như năm 2014, XK tôm đã “cứu cánh” cho thành công của XK thủy sản thì nửa đầu năm nay, sự tụt giảm sản lượng tôm lẫn khó khăn trong XK của mặt hàng này đã khiến kim ngạch XK thủy sản giảm tới 16% so với cùng kỳ năm 2014 (ước đạt 2,97 tỉ USD)…
Theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch XK hàng nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 14,42 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước; thặng dư thương mại toàn ngành chỉ đạt trên 3%, giảm 32,1%.
Khó khăn trong cả SX lẫn XK nhiều nhóm ngành hàng chủ lực đã kéo theo các chỉ số tăng trưởng của ngành nông nghiệp nửa đầu năm 2015 không có nhiều ấn tượng. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,36%; giá trị SX toàn ngành ước đạt 489 nghìn tỉ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó nông nghiệp tăng xấp xỉ 2% (so với 2,5% cùng kỳ năm trước), thủy sản chỉ tăng 3,45% (so với 6% cùng kỳ).
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, SX và XK một số mặt hàng nông sản đầu năm 2015 tiếp tục tăng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chưa được như mong đợi của Chính phủ là giữ được mức tăng trưởng GDP bình quân ngành nông nghiệp cả năm 2,9% như năm trước, góp phần đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% của cả nền kinh tế.
XK tôm là “trụ đỡ” của ngành thủy sản năm 2014, nhưng đang gặp khó khăn
Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng như năm 2014, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của ngành nông nghiệp sẽ vô cùng nặng nề. Theo Bộ trưởng, trong 6 tháng cuối năm, cần phải tăng thêm giá trị toàn ngành khoảng 10 nghìn tỉ đồng nữa so với 6 tháng đầu năm thì mới có thể đạt mục tiêu giữ mức tăng giá trị toàn ngành 3,4% như 2014.
Chăn nuôi, lâm nghiệp vào đà
Được đánh giá gặp nhiều khó khăn thách thức, còn lúng túng trước thềm nhiều hiệp định tự do hóa thương mại, tuy nhiên việc ổn định tình hình dịch bệnh, giá TĂCN giảm trung bình từ 8-9% đã giúp chăn nuôi lấy lại đà tăng trưởng khá ấn tượng trong 6 tháng đầu năm.
So với cùng kỳ năm 2014, đàn bò tăng 2,7%, trong đó bò sữa tăng 26,5% (tương đương 53 nghìn con); đàn lợn tăng gần 3%; gia cầm tăng 4% (đạt trên 327 triệu con)… Tổng giá trị ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm tăng xấp xỉ 4% (so với mức 1,73% của 6 tháng đầu năm 2014). Trong khi đó, giá các sản phẩm chăn nuôi được giữ ổn định trong thời gian dài, giúp người chăn nuôi có lãi.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, lĩnh vực này cũng đã ghi nhận luồng gió đầu tư mới. Từ đầu năm đến nay, một DN đã có dự án đầu tư 1 tỉ USD vào chăn nuôi tại Việt Nam tới năm 2020; một dự án 40 nghìn tỉ đồng đã đầu tư vào đại gia súc; một ngân hàng đã lập dự án đầu tư 15 nghìn tỉ đồng vào lĩnh vực chăn nuôi…
Bên cạnh đó, các địa phương cũng bắt đầu ghi nhận những chuyển biến trong thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Về định hướng XK, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, quản lí giống, ông Vân cho biết hiện một số DN cũng đã cam kết sớm đưa sản phẩm chăn nuôi XK trong thời gian tới.
Cùng với chăn nuôi, lâm nghiệp cũng là lĩnh vực ghi nhận nhiều tín hiệu tốt khi giá trị SX đạt trên 12 nghìn tỉ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, giá trị XK đồ gỗ và lâm sản ước đạt gần 3,3 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Từ nay đến cuối năm, ngành lâm nghiệp hoàn toàn có khả năng phấn đấu nâng tổng giá trị SX toàn ngành lên khoảng 26 – 27 nghìn tỉ đồng, giúp giữ được mức tăng trưởng 10% trong cả năm 2015.
Tạo ngay cú hích cho tôm - lúa
Việc kim ngạch XK thủy sản giảm 16% trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do XK tôm tôm giảm 20%, tiếp theo là cá tra giảm gần 10%. Kim ngạch XK tôm giảm mạnh chủ yếu do giá tôm XK giảm, trong khi tôm Ấn Độ và các nước Nam Mỹ đẩy mạnh nguồn cung từ đầu năm đến nay, bên cạnh đó vấn đề biến động tỉ giá cũng gây khó khăn cho XK tôm.
Ở trong nước, diện tích tôm giảm chủ yếu rơi vào vùng nuôi thâm canh và bán thâm canh đối với tôm thẻ chân trắng, tôm sú gần như không giảm. Nguyên nhân chính của giảm diện tích chủ yếu do nắng nóng, xâm nhập mặn và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn khiến tỉ lệ xuống giống thấp.
Từ nay đến cuối năm, ngành tôm vẫn có thể lấy lại đà tăng trưởng, bởi thời gian tới, nguồn tôm bố mẹ sẽ bớt phụ thuộc vào NK với dự báo sẽ giảm được 30% tổng nguồn tôm bố mẹ do các Cty trong nước SX cùng một số dòng tôm bố mẹ khác từ chương trình SX tôm bố mẹ của Bộ NN-PTNT. Về SX, thời gian tới có thể thúc thêm tỉ lệ xuống giống do thời tiết thuận hơn, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao cũng đang vào guồng phát triển mạnh.
Đặc biệt, mô hình kết hợp tôm - lúa ở ĐBSCL cần phải có chương trình để nhanh chóng đẩy nhanh diện tích, bởi đây là hình thức nuôi rủi ro rất ít, tiềm năng năng suất còn rất lớn. Hiện diện tích tôm – lúa ở ĐBSCL mới chỉ khoảng 200 nghìn ha, năng suất mới chỉ 100 – 150 kg/ha nên điều kiện để nâng năng suất lên trung bình 200 kg/ha là hoàn toàn khả thi.
Đối tượng nuôi kết hợp tôm – lúa hiện đa phần là tôm sú, trong khi thị trường tôm sú thế giới hiện chỉ còn vài nước tham gia, vì vậy Việt Nam rất có ưu thế cạnh tranh. Mở rộng và thâm canh tôm – lúa chắc chắn sẽ tạo đột phá cho ngành tôm trong thời gian tới.
Về thị trường, việc XK khó khăn theo tôi không hẳn do sản lượng tôm thế giới tăng, bởi thực tế tăng không nhiều. Thời gian qua, chúng ta vẫn còn rất mù mờ về nguyên nhân giá tôm thế giới hạ. Vì vậy, thời gian tới cần phải giành nguồn lực tập trung nghiên cứu vấn đề này thật bài bản để có thêm bài học cho chỉ đạo điều hành.
(Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản)