TIN THỦY SẢN

Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam

Chế biến cá tra xuất khẩu. Lê Thu

Ngày 29/3, tại Lễ tổng kết dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA), các đối tác tham gia và DN thủy sản cho rằng, ngoài việc giúp DN tiết kiệm chi phí, dự án này còn nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Dự án SUPA do Ủy ban châu Âu tài trợ gồm 4 đối tác: Trung Tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF-Việt Nam và WWF-Áo), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) trong thời gian từ 4/2013 đến 3/2017 nhằm hỗ trợ các hộ nuôi, doanh nghiệp nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra phát triển bền vững.

Trong 4 năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ cho các DN, các hộ gia đình nuôi cá tra trong việc tiếp cận với kỹ thuật, phương thức sản xuất tiên tiến nhằm cắt giảm chi phí giá thành, nâng cao chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong 4 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ cho hơn 50 doanh nghiệp, 120 vùng nuôi, 130 hộ gia đình, 12 Hợp tác xã và thu hút gần 3.000 lượt người tham dự các chương trình đào tạo, hội thảo kỹ thuật.

Dự án đã nghiên cứu tư vấn, tập huấn nhằm nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí thức ăn và tác động đến môi trường trong khâu ương và nuôi góp phần cắt giảm 7-10% chi phí sản xuất trong khâu ương nuôi, hỗ trợ kỹ thuật cho 33 vùng nuôi và hợp tác xã đạt các chứng nhận thủy sản bền vững quốc tế. Dự án cũng hỗ trợ nâng cao năng lực và tư vấn về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho hơn 70 nhà máy giúp cắt giảm trung bình 18-20% điện năng, 26-30% nước, qua đó cắt giảm 2-5 tỷ đồng chi phí sản xuất cho mỗi nhà máy và cắt bỏ hơn 21.000 tấn CO2 phát thải hàng năm cho 54 nhà máy chế biến cá tra.

Đánh giá về kết quả thực hiện dự án, ông Lê Xuân Thịnh, điều phối viên dự án cho biết, dự án đã kết hợp với các chuyên gia tổ chức các phiên đồng sáng tạo cùng với người tiêu dùng châu Âu và Việt Nam giúp các DN XK cá tra Việt Nam tạo ra 20 sản phẩm mới chủ yếu từ phụ phẩm cá tra giúp nâng cao chất lượng sản phẩm XK, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Dự án cũng tổ chức nhiều buổi đối thoại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong nước cũng như thị trường châu Âu, hỗ trợ 12 doanh nghiệp đi tiếp thị tại hội chợ châu Âu, tổ chức cho các nhà NK bán lẻ ở châu Âu sang Việt Nam tham quan thực tế và tiếp xúc với các DN; giúp rà soát lại các chính sách của ngành so với các nước khác. Qua đó, phân tích và đưa ra những khuyến nghị giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có những chính sách phù hợp cho định hướng phát triển ngành cá tra bền vững tại Việt Nam.

Ông Mag Karim – Đại diện WWF Áo đã đưa ra những kết quả và khuyến nghị sau khi điều tra nhận thức của người tiêu dùng Áo và 11 nước khác tại châu Âu về các loại sản phẩm thủy sản, trong đó có cá tra. Kết quả cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng Áo về sản phẩm cá tra rất cao: 86% người biết sản phẩm cá tra. 1/3 số người điều tra cho biết họ thường mua và tiêu thụ sản phẩm này, 1/2 số người tiêu dùng mua và tiêu thụ cá tra  vì hương vị, 1/3 mua vì giá hợp lý, gần 1/4 số người khẳng định muốn thử loài cá này lần nữa. Những người tiêu dùng còn lại hoài nghi rằng cá tra có hương vị không ngon bằng loài sản phẩm thủy sản khác và một số người lo ngại về việc cá tra nuôi sử dụng kháng sinh.

Ông Karim khẳng định, khách hàng châu Âu sẵn sàng trả giá cao với sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, sản phẩm cá tra tại thị trường này còn nhiều thách thức. Do đó, sản phẩm cá tra cần cải thiện chất lượng hơn nữa, chứng minh là sản phẩm tự hào của quốc gia vì có tính bền vững, có chất lượng cao và chiến dịch truyền thông hình ảnh cần phải đẩy mạnh hơn nữa để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng châu Âu.

Tham gia dự án nhiều DN thủy sản đã đánh giá cao những kết quả mà dự án mang lại. Đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VINH HOAN CORP) cho biết, nhờ dự án, DN đã sử dụng hiệu quả và tiết kiệm 7% điện năng, gần 30% lượng nước và diện tích cá tra đạt chứng nhận ASC từ 70 ha ban đầu nay đã tăng gấp đôi…

Lê Thu Báo Hải Quan, 29/03/2017