Xây dựng liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp
Cà Mau hiện có 1.030 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp, 169 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, nhiều nhất là lĩnh vực thuỷ sản với 97 HTX. Cần xây dựng liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp để phát triển ổn định.
Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị, chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá, xây dựng vùng nguyên liệu để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; vừa thu hút, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động thành viên.
Ðặc biệt, một số HTX biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương sản xuất nhiều sản phẩm có chất lượng cao theo tiêu chuẩn OCOP. Ngoài mục tiêu kinh tế, HTX còn là cầu nối tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, tham gia tích cực phong trào xây dựng NTM.
Tuy nhiên, trên thực tế ngành chuyên môn cho rằng, hầu hết các HTX chưa tổ chức được liên kết sản xuất, một số có liên kết thì còn manh mún, nhỏ lẻ, dịch vụ đầu vào còn hạn chế, tiêu thụ đầu ra chưa ổn định. Chưa có nhiều mô hình sản xuất bền vững, chưa áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm. Các HTX làm ăn có hiệu quả thường hoạt động chưa đúng luật, mang tính chất kinh tế tư nhân.
“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định về kinh tế tập thể, HTX như: Quyết định số 1804/QÐ-TTg, ngày 13/11/2020, về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 340/QÐ-TTg, ngày 12/3/2021, về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, đến nay các bộ, ngành vẫn chưa ban hành văn bản triển khai đồng bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính chưa hướng dẫn cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng kinh phí của chương trình nên việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số chính sách chậm hướng dẫn thực hiện, chậm bổ sung sửa đổi nên khi triển khai thực hiện còn nhiều chồng chéo, vướng mắc”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cho biết.
Tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, một số HTX đã xây dựng được thương hiệu bánh phồng tôm nổi tiếng trong nước và cả xuất khẩu. (Ảnh chụp tại ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển).
Chỉ ra 8 nhóm vấn đề tồn tại và hạn chế, dẫn đến hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh thiếu hiệu quả, Cà Mau đề ra mục tiêu đến cuối năm 2022 giảm khoảng 30% số lượng THT hoạt động không đúng theo Nghị định 77/2019/NÐ-CP về THT, dự kiến còn lại khoảng 720 THT nông nghiệp hoạt động theo đúng quy định; thành lập mới 80 THT, 18-20 HTX và 1 Liên hiệp HTX. Cùng với đó, sẽ củng cố 10-15% HTX yếu kém; 35-40% HTX hoạt động hiệu quả (khá, tốt); 10% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phấn đấu có khoảng 15% HTX nông nghiệp liên kết sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi giá trị.
Ðể kinh tế tập thể phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững, ông Châu Công Bằng cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh việc khuyến khích xây dựng mối liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, mở rộng quy mô, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Phát triển các mô hình THT, HTX, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực quốc gia, của tỉnh và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Vấn đề ông Châu Công Bằng nêu ra đã được tỉnh xác định trong chiến lược xây dựng mô hình THT, HTX gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực quốc gia, địa phương, sản phẩm OCOP từ nay đến năm 2025, đó là, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với nhiều sản phẩm mang tính đặc thù, thế mạnh của địa phương, nhất là trên lĩnh vực thuỷ sản (nuôi tôm) và lúa gạo, lâm nghiệp.
Trong nhiều kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương, Cà Mau đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua lớn và có hệ thống phân phối bán lẻ như: Vincommerce, Co.opMart, Bách Hoá Xanh... nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản của địa phương thông qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước.
Ðề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, nông thôn sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản; nhất là về chính sách tín dụng, bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản; chính sách hỗ trợ cho địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu nặng, hỗ trợ liên kết vùng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ…
“Ðây là những nội dung cần được cụ thể hoá, sớm được triển khai để tăng cường hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Cà Mau vốn có điều kiện tự nhiên khó khăn, nền đất yếu, suất đầu tư lớn; đặc biệt là một trong những tỉnh thường xuyên và trực tiếp chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu...”, ông Châu Công Bằng chia sẻ.