TIN THỦY SẢN

Xây dựng và phát triển nghiệp đoàn nghề cá

Tính đến đầu tháng 7-2012, cả nước thành lập 22 nghiệp đoàn nghề cá (NÐNC), với số lượng gần 1.000 tàu thuyền và 3.000 đoàn viên tham gia. Ðể đạt được mục tiêu đặt ra là, trong ba năm tới (2012 - 2015) tất cả các tỉnh, thành phố có biển của cả nước thành lập, tổ chức hoạt động ổn định NÐNC,  cần có sự nỗ lực rất lớn của cả cộng đồng.

Đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) chuẩn bị ngư cụ.

Chỗ dựa của ngư dân

Nước ta có 28 tỉnh, thành phố có biển với hơn bốn triệu lao động đang làm việc trên 130 nghìn tàu cá. Sản lượng hải sản khai thác hằng năm hơn hai triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản tăng trưởng khá theo từng năm (năm 2010 đạt ba tỷ USD, năm 2011 đạt sáu tỷ USD), đóng góp lớn trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của ngành nông nghiệp. Lực lượng lao động hiện nay trên các tàu cá tuy chỉ chiếm khoảng 15% số lao động của ngành thủy sản, nhưng có vai trò quan trọng trong việc vừa sản xuất, vừa phối hợp với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển. Ðể bám biển, ngư dân phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức. Ðó là nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, tiềm năng nguồn lợi hải sản xa bờ khá lớn nhưng phụ thuộc rất lớn vào năng lực đánh bắt của các đội tàu và các dịch vụ hậu cần nghề cá đi kèm. Hơn nữa, giá của nhiều vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào của sản xuất biến động không ngừng, thời tiết khắc nghiệt đã và đang đe dọa sự an toàn của người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Các ngư dân trên biển phải làm việc trong môi trường có cường độ lao động và rủi ro cao, nhưng thu nhập của phần đông ngư dân còn thấp, không ổn định. Quan hệ lao động trên các tàu cá vẫn chỉ là làm thuê, làm công hưởng lương theo sản phẩm hoặc chuyến tàu. Việc cam kết hợp đồng lao động chủ yếu vẫn là thỏa thuận miệng. Các trang, thiết bị bảo đảm  an toàn lao động tối thiểu trên biển hạn chế và lạc hậu. Lao động nghề cá phần lớn có trình độ văn hóa thấp và không đều. Do thường xuyên bám biển, bám ngư trường xa đất liền cho nên việc nắm bắt thông tin, tìm hiểu chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế.

Trong lĩnh vực đánh bắt hải sản cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá, bên cạnh những tổ chức đoàn thể xã hội nghề nghiệp tập hợp chủ yếu là các chủ tàu, chủ doanh nghiệp (như các hiệp hội, Hội Nghề cá Việt Nam) thì vẫn chưa có tổ chức chính thức nào được thành lập để tập hợp ngư dân, người lao động, đại diện cho họ. Trong khi đó, các ngư dân, lao động biển rất cần có một tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, góp phần bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, giải quyết các tranh chấp về lao động và kinh tế; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các hoạt động nghề cá nói chung; đại diện cho lao động nghề cá trong mối quan hệ với chính quyền địa phương, với các cơ quan chức năng, đồng thời quan tâm đến cuộc sống gia đình của các thành viên, giúp họ yên tâm bám biển.

Khẳng định về sự cần thiết của các NÐNC, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Bạch Quốc Khang, cho rằng, việc thành lập nghiệp đoàn - tổ chức công đoàn ở các cơ sở đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá hiện nay là hết sức cần thiết, kịp thời, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo chủ tàu, ngư dân, lao động biển. Nghiệp đoàn sẽ cùng với các tổ chức khác hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện cho chủ tàu, ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển; góp phần nâng cao nhận thức của chủ tàu, ngư dân chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh hải quốc gia.

Ðoàn kết để bảo vệ ngư trường

Sau khi NÐNC đầu tiên được thành lập tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay phần lớn các địa phương có biển đã hoặc đang chuẩn bị cho ra đời NÐNC của mình. Cùng với các địa phương có biển trong cả nước, tỉnh Bến Tre vừa tổ chức thành lập NÐNC xã An Thủy (huyện Ba Tri) để bảo vệ quyền lợi hoạt động cho ngư dân và chủ tàu. Hiện, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 5.000 tàu đánh bắt thủy, hải sản tập trung tại các  huyện Bình Ðại, Ba Tri và Thạnh Phú. Trong đó, chỉ tính riêng xã An Thủy đã có khoảng 900 tàu với hơn 800 chủ tàu, gồm 6.000 ngư dân. Tại tỉnh Phú Yên, chính quyền và tổ chức công đoàn đã tổ chức thành lập NÐNC phường 6, TP Tuy Hòa với 150 đoàn viên tham gia. Ðây là NÐNC đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Hiện, nghiệp đoàn có 341 tàu khai thác hải sản, trong đó có 223 tàu đánh bắt xa bờ với 2.230 lao động, sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt hằng năm chiếm hơn 95% sản lượng của cả tỉnh. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Phú Yên Huỳnh Tấn Việt, việc thành lập NÐNC sẽ tạo nhiều điều kiện để ngư dân địa phương đoàn kết, giúp đỡ nhau trong khai thác khơi xa, góp phần bảo vệ ngư trường, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.  NÐNC Phổ Quang, tỉnh Quảng Ngãi được thành lập với 210 ngư dân của 22 tàu, thuyền. Ðây là NÐNC thứ hai của Quảng Ngãi được thành lập. Tỉnh Quảng Nam có ngư trường khai thác và đánh bắt thủy, hải sản rộng gần 40 nghìn km2 với đội tàu, thuyền đánh bắt hải sản gồm 4.219 chiếc thường xuyên hoạt động trên biển. Tại huyện Núi Thành, hiện có nhiều ngư dân đã tự đóng mới tàu có công suất từ 1.000 đến 1.200 CV vươn ra ngư trường. Tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức lễ thành lập nghiệp đoàn khai thác hải sản Phước Hội, thị xã La Gi với sự tham gia của 151 đoàn viên. Ngay sau khi thành lập, tất cả các đoàn viên của nghiệp đoàn đã được trao thẻ đoàn viên và gắn huy hiệu công đoàn Việt Nam. Thị xã La Gi hiện có khoảng 2.000 tàu với hơn 6.000 lao động biển. Ðây là địa phương có số lượng tàu, thuyền lớn nhưng ngư dân chưa có sự liên kết trước những rủi ro trên biển, do vậy việc thành lập nghiệp đoàn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ, hỗ trợ ngư dân đánh cá xa bờ. Trước đó, tỉnh Bình Thuận cũng đã thành lập nghiệp đoàn khai thác hải sản Bình Hưng 3 (phường Bình Hưng, TP Phan Thiết). Tính đến nay, tỉnh Bình Thuận đã thành lập mới ba NÐNC với gần 500 đoàn viên. Tại mỗi nghiệp đoàn được thành lập, tỉnh đều hỗ trợ kinh phí hoạt động, kiện toàn bộ máy tổ chức và hướng dẫn nghiệp vụ để nghiệp đoàn là chỗ dựa tinh thần, động viên, giúp đỡ đoàn viên, ngư dân vững tin trong hoạt động khai thác nguồn lợi thủy, hải sản, góp phần bảo vệ biển đảo.

Mặc dù mới thành lập, chưa có kinh nghiệm, nội dung hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá chưa phong phú, nhưng đã thiết thực, phần nào đã tạo được niềm tin và tinh thần phấn khởi cho đoàn viên nghiệp đoàn. Số lượng xin gia nhập nghiệp đoàn của ngư dân ngày càng lớn, ở phần lớn các địa bàn đã thành lập nghiệp đoàn, có nhiều ngư dân nộp đơn xin gia nhập.

Cần sự nỗ lực chung của cộng đồng

Ðến nay, tiến độ thành lập thí điểm một số nghiệp đoàn nghề cá còn chậm theo kế hoạch. Sự hỗ trợ kinh phí cho các  thí điểm chưa đáp ứng yêu cầu. Hình thức, nội dung chưa thiết thực và kết quả hoạt động NÐNC chưa được nhiều. Mô hình tổ chức của nghiệp đoàn còn có bất cập, một số nghiệp đoàn đa nghề, chưa sắp xếp theo cùng nhóm nghề đặc thù cho nên việc hỗ trợ, thông tin, giúp đỡ lẫn nhau trên biển và trong sinh hoạt công đoàn còn có hạn chế nhất định. Một số nghiệp đoàn hiện không có văn phòng, trụ sở và kinh phí hoạt động thường xuyên. Theo đó, cũng đã xuất hiện tâm lý chán nản của ngư dân trong một vài nghiệp đoàn, khi nghiệp đoàn không có nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động chăm lo cho ngư dân gặp khó khăn, cho hộ nghèo, hoặc giúp đỡ con em có hoàn cảnh đặc biệt. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân là một số ít địa phương chưa nhận được được sự quan tâm đầy đủ, thường xuyên của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; nhiều lúc, nhiều nơi việc phát triển đoàn viên, thành lập NÐNC còn bị coi là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp và tổ chức công đoàn tại địa phương.

NÐNC là tổ chức đại diện của ngư dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ cho nên việc thành lập các tổ chức nghề nghiệp này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do đặc thù nghề nghiệp và khó khăn trong cuộc sống, các ngư dân không thể thành lập được NÐNC cho mình nếu không có sự hỗ trợ về tài chính cũng như chính sách của Nhà nước. Ðể góp phần thành lập kịp thời và hiệu quả các NÐNC, ngư dân mong muốn Nhà nước chỉ đạo các cấp, các ngành, các tỉnh, thành phố ven biển có chủ trương, kế hoạch, chỉ đạo sâu sát các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc quyền, tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và tổ chức hoạt động các NÐNC. Ðồng thời sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách đồng bộ thực hiện Chiến lược biển, trong đó có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thành lập và phát triển các tổ đội sản xuất, tiến tới các hình thức sản xuất tập trung cao hơn trên biển; hướng dẫn cụ thể hơn nữa để thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách hiện đại hóa các tàu, thuyền đánh cá; tạo điều kiện ổn định việc làm, nâng cao thu nhập của chủ tàu và lao động biển khi đi biển và gia đình họ trên bờ.

Hiện nay, cả nước đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc xây dựng mô hình sản xuất tập thể trên biển thông qua thành lập và phát triển nhiều hình thức tổ đội, hợp tác xã sản xuất, tiến đến thành lập các công ty, tập đoàn khai thác hải sản gắn với hiện đại hóa tàu, thuyền đánh cá, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão... Ðó là điều kiện hết sức thuận lợi để mở rộng, thành lập các NÐNC và đây là sức mạnh nội lực, tiền đề thực hiện mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo Nghị quyết của Trung ương.

báo Nhân Dân