TIN THỦY SẢN

Xuân ấm làng biển Kỳ Anh

Bình minh trên biển Kỳ Xuân Quang Sáng

Giáp Tết Kỷ Hợi, những chuyến tàu xa bờ của ngư dân vội vã cập bến. Làng nghề chế biến hải sản rộn ràng những chuyến hàng đi khắp muôn nơi. Đã qua sóng gió, kinh tế biển Kỳ Anh(Hà Tĩnh) đang mạnh mẽ vươn mình.

Trong nhiều thành quả đáng mừng của huyện sau 1 năm nỗ lực, điểm nhấn khá rõ nét đó là kinh tế biển giành những kết quả mới. Tiềm năng, lợi thế của một địa phương có đường bờ biển dài 25 km, cùng những lợi thế về nguồn lợi thủy sản, nguồn nhân lực với 22 ngàn nhân khẩu trong độ tuổi lao động nghề biển đã được đánh thức.

Chủ tịch UBND huyện Bùi Quang Hoàn cho biết, thời gian qua, Kỳ Anh đã tập trung thực hiện tốt công tác thống kê, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển cho 7.191 đối tượng với tổng kinh phí gần 171 tỷ đồng. Công tác chi trả bồi thường được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, được nhân dân đồng thuận cao và góp phần để bà con ngư dân các xã vùng biển phấn khởi, tiếp tục đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ra khơi bám biển.

Cùng với đó, huyện tập trung xây dựng quy hoạch, đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng tuyến đường kết nối các xã vùng biển; chỉ đạo các xã Kỳ Khang, Kỳ Xuân và Kỳ Phú triển khai các chính sách theo Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh và Quyết định 1822 của UBND tỉnh hỗ trợ ngư dân mua sắm ngư cụ, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền đánh bắt vùng lộng, đầu tư đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã phát triển được hơn 614 tàu, thuyền hoạt động nghề cá, trong đó có hơn 70 tàu đánh bắt xa bờ. Năm 2018, sản lượng khai thác thủy hải sản đạt 2.286,8 tấn, trong đó, nổi bật là Kỳ Xuân đạt 750 tấn, Kỳ Khang 703 tấn, Kỳ Phú 632 tấn.

Ông Nguyễn Tiến Hạnh (thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân) chia sẻ: “Năm 2016, được Nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng, gia đình đã manh dạn đầu tư đóng tàu công suất 320CV với tổng vốn hơn 1,2 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, tàu cá cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng. Từ ngày có tàu lớn, chúng tôi và thuyền viên luôn bám biển, khai thác các ngư trường đảo Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, góp phần giữ gìn an ninh biển đảo của Tổ quốc”.

Nhằm chủ động đầu ra sản phẩm cho ngư dân, Kỳ Anh đã tập trung phát triển được 7 cơ sở thu mua, sản xuất, chế biến thủy hải sản. Nhiều cơ sở sản xuất đã áp dụng các công nghệ chế biến hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Trong đó, HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương (Kỳ Xuân) sản xuất theo dây chuyền công nghệ năng lượng mặt trời, cho sản phẩm có hàm lượng đạm cao, tăng lượng nước mắm cốt nhiều hơn 30%, được thị trường ưa chuộng.


Nước mắm Phú Khương (Kỳ Anh) ngày càng chiếm lĩnh thị trường

Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương, chia sẻ: “Năm 2018, HTX đã thu mua hơn 600 tấn thủy hải sản, chế biến và xuất ra thị trường hơn 80.000 lít mắm thương phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Doanh thu HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương bình quân đạt trên 6 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2019, cơ sở Phú Khương sẽ thu mua 800-1.000 tấn nguyên liệu”. Hiện HTX đã được chương trình OCOP hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng logo thương hiệu nước mắm Phú Khương.

Năm 2018 còn đánh dấu sự phát triển mới trong du lịch biển khi Khu du lịch sinh thái Kỳ Xuân C-Resort đi vào hoạt động, trở thành điểm nghỉ dưỡng được nhiều khách hàng lựa chọn. Huyện Kỳ Anh đang tập trung xây dựng quy hoạch và triển khai tuyến đường nối QL 1A - bãi tắm Kỳ Xuân nhằm phát huy mạnh mẽ lợi thế “ngành công nghiệp không khói” trong chiến lược phát triển kinh tế biển.

Mùa xuân ấm áp lại về mang theo nhiều dự cảm tốt lành đến với những làng biển Kỳ Anh.

Quang Sáng Báo Hà Tĩnh