Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Libăng
Tháng 7/2012, giá trị XK cá ngừ Việt Nam sang các thị trường tăng trưởng khá mạnh tới 126,8% so với tháng 7/2011, đạt 57,4 triệu USD, đưa tổng giá trị XK trong 7 tháng đầu năm lên 343,4 triệu USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến hết tháng 7 vừa qua, giá trị XK cả hai nhóm sản phẩm cá ngừ mã HS 03 và 16 đều tăng trưởng khá - hơn 48% so với 7 tháng đầu năm ngoái, riêng giá trị XK nhóm sản phẩm cá ngừ nguyên liệu (tươi ướp đá, đông lạnh...) mã HS 03 trong tháng 7 có mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay với 206,7% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt 39,4 triệu USD. Điều này cho thấy sự phục hồi tăng trưởng của nhóm sản phẩm cá ngừ nguyên liệu mã HS 03 vì trong những tháng đầu năm nay, tại một số thị trường chính đã có dấu hiệu thay đổi xu hướng tiêu thụ khi tăng mạnh NK mặt hàng cá ngừ chế biến làm cho giá trị XK nhóm sản phẩm này vượt trội so với cùng kỳ năm trước, trong khi XK nhóm sản phẩm cá ngừ nguyên liệu lại có dấu hiệu chững lại.
Trong danh sách các thị trường đứng đầu về NK cá ngừ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị NK của một số thị trường thuộc khối Trung Đông như Israel, Tunisia và Libăng đều tăng so với cùng kỳ năm 2011, riêng giá trị NK của Iran giảm 41,2%. Tuy nhiên trong tháng 7, giá trị NK của Israel và Iran vẫn tăng tới 3 - 4 con số, trong khi của Libăng lại giảm mạnh 56% so với cùng kỳ năm ngoái, làm cho thị trường này bị loại khỏi danh sách 10 thị trường dẫn đầu về giá trị NK cá ngừ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2012 và thay vào đó là thị trường Hàn Quốc với giá trị NK tăng đột biến tới 5 con số!
Libăng là một đất nước nhỏ ở Trung Đông nhưng được xem là một trong những thị trường tiềm năng đối với thủy sản Việt Nam. Những năm gần đây, XK thủy sản của Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch XK hàng hóa sang thị trường này.
Mặc dù tình hình chính trị khu vực Trung Đông thời gian qua có nhiều biến động và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của Libăng nhưng kinh tế của Libăng vẫn khá ổn định so với các nước khác trong khu vực. Các mặt hàng NK chính của Libăng cũng là các mặt hàng mà Việt Nam có thể mạnh như gạo, hải sản, hạt điều...trong đó hải sản là một trong hai mặt hàng có giá trị XK lớn nhất.
Ba năm trở lại đây, XK mặt hàng đồ hộp cá ngừ của Việt Nam sang Libăng không ổn định. Năm 2010, giá trị XK tăng mạnh nhất tới 109,9% so với năm 2009 nhưng sang năm 2011, giá trị XK lại giảm 14,3% so với năm 2010. Từ đầu năm 2012 đến nay, giá trị XK mặt hàng này sang Libăng lên xuống theo từng tháng, tăng cao nhất vào tháng 5 với 164% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sang tháng 6 và 7, giá trị XK giảm lần lượt là 44,8% và 56,1%.
Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần quan tâm lưu ý đến một số thủ tục hải quan và quy định khi XK hàng hóa vào thị trường Libăng, đó là: Thuế NK vào thị trường này khá thấp, phần lớn từ 0 - 5%; Một số mặt hàng tùy theo tính chất của hàng hóa cần có các giấy phép của cơ quản lý của Libăng như giấy phép NK, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật. Riêng hàng hóa là thực phẩm phải tuân thủ các quy định chung của các nước Hồi giáo, trong đó có chứng nhận Halal. Tất cả hàng hóa khi NK vào thị trường Libăng phải ghi rõ thông tin đầy đủ về sản phẩm. Nhãn hàng hóa phải ghi bằng tiếng Ảrập hoặc tiếng Anh, có thể là tiếng Pháp nhưng trừ tiếng Do Thái.
Hiện nay, các sản phẩm thủy sản nói chung và cá ngừ nói riêng của Việt Nam ngày càng thâm nhập hơn vào Trung Đông với giá trị XK tăng dần. Các con số thống kê cho thấy, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có chỗ đứng và những bước khởi đầu lạc quan tại khu vực thị trường NK rộng lớn này. Và cá ngừ đang là sản phẩm thủy sản có triển vọng tăng trưởng lớn khi XK sang Trung Đông, cụ thể là thị trường Libăng.