TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu cá tra năm nay có thể vượt 5 - 7% so với kế hoạch

Phương Thảo

Nhu cầu nhập khẩu cá tra dự báo tăng 20% trong quý cuối năm nay và đầu năm tới.

Trong vòng một tuần nay, giá cá tra nội địa lẫn xuất khẩu đang tăng nhanh. Hiện giá cá tra được giao dịch từ 22.200-22.500 đồng/kg tại ao nuôi, trong khi nhu cầu nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng để phục vụ cho mùa tiêu thụ cao điểm cuối năm.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng gần 7% về sản lượng và trị giá xuất khẩu, đạt gần 1,2 tỷ USD.

Dự báo, nhu cầu nhập khẩu cá tra trong quý 4.2016 và quý 1.2017 tăng ở hầu hết các thị trường, mức tăng khoảng 20% do đây là mua cao điểm tiêu thụ. Với tình hình thị trường có nhiều tích cực như vậy, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ tăng khoảng 5-7% so với kế hoạch 1,5 tỷ USD.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep, Chủ tịch ủy ban cá nước ngọt, cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong ngành thủy sản về giá trị lẫn sản lượng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành cá tra phải đối mặt với vấn đề thiếu nguyên liệu chế biến. Nguyên nhân là do nguồn cá giống năm 2016 giảm trên 30% so với năm 2015 do quá trình giảm giá kéo dài, người nuôi cá giống bị thua lỗ, bỏ nuôi. Từ đó, lượng cá giống cung ứng ra thị trường giảm nhanh hơn so với dự kiến.

Mọi năm, tháng 3 năm kế tiếp thì cá giống mới không còn cá của năm trước. Tuy nhiên, năm nay, từ tháng 9 thì sản lượng cá giống đã không còn (hụt trước 6 tháng). Do tình trạng thiếu cá giống nên trong vòng một tháng qua đã tăng từ 19.000 đồng/kg lên 26.000 đồng/kg. Mặc dù hiện nay cả người nuôi cá giống và cá thịt đều giảm 40% so với cùng kỳ do họ đã chuyển sang nuôi cá nội địa.

Như vậy, thời gian tới sản lượng cá tra sẽ tiếp tục khan hiếm. Dẫn chứng, trong vòng một tuần lễ gần đây giá cá tra đã tăng 2.000 đồng/kg. Đây cũng là lời cảnh báo cho những doanh nghiệp có suy nghỉ không chịu đầu tư hoặc hợp tác với nông dân mà chỉ tập trung mua cá bên ngoài cho được giá rẻ.

Với tình hình này, các hợp đồng xuất khẩu ký trước giá rẻ sẽ khó thực hiện do nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ. Dù cho doanh nghiệp có giảm công suất, thậm chí đóng cửa nhà máy nhằm tạo sức ép cho người nông dân đang nuôi cá thì cá tra vẫn thiếu để xuất khẩu.


Nhu cầu nhập khẩu cá tra quý 4.2014 và quý 1.2017 dự báo sẽ tăng 20%

Về tình trạng tồn đọng cá quá lứa như dư luận phản ánh, theo ông Minh, số liệu xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay cho thấy, việc xuất khẩu cá tra đều có phân khúc thị trường, tỷ lệ phân khúc loại cá có size từ 500 gram đến 1,2kg là 65%, từ 1,2kg-2kg là 35%. Tỷ lệ này, so với lượng cá đang nuôi tại Việt Nam thì rõ ràng không có size nào là không xuất khẩu được. Bằng chứng là một số thị trường như châu Mỹ, Trung Đông, châu Á, họ chỉ mua cá có trọng lượng từ 1,3 đến 2kg. Tỷ lệ này đang được nâng lên trong lương lai là 40% có nhu cầu 1,2kg-2kg còn 60% là dưới 1,2 kg. Tới đây, người nuôi sẽ không còn hoang mang trước tình trạng cá quá lứa (từ 1kg trở)-theo cách nói của người mua cá và một số ý kiến trước đây hòng tạo tâm lý người nuôi bán tháo để ép giá, mua được giá rẻ.

Để tránh thiệt hại cho nông dân, Vasep khuyến cáo nên chăng, giá xuất khẩu loại cá có size càng lớn phải cao hơn size nhỏ vì giá thành nuôi cá lớn cao hơn cá nhỏ.

Phương Thảo CafeF/Tri Thức Trẻ, 12/10/2016